Giá / Tin nông nghiệp

Hiệu quả “kép” từ mô hình trồng cỏ nuôi bò ở Ninh Bình

Hiệu quả “kép” từ mô hình trồng cỏ nuôi bò ở Ninh Bình
Tác giả: Đinh Sỹ Dũng
Ngày đăng: 20/09/2017

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi gia súc đang được chú trọng phát triển. Số lượng đàn gia súc liên tục tăng, đặc biệt là đàn bò. Trong khi đó, sự sụt giảm của diện tích đồng cỏ, bãi chăn tự nhiên khiến người nông dân mất nhiều thời gian và công sức hơn để chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc; nguồn cỏ tự nhiên và phụ phẩm nông nghiệp không còn đáp ứng đủ nhu cầu.

Các đại biểu tham quan mô hình.

Chính vì vậy, trồng cỏ là một giải pháp nhằm chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn cho gia súc, đồng thời giúp nông dân chủ động được nguồn thức ăn thường xuyên và có chất lượng hơn cho đàn vật nuôi.

Từ thực tế đó, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình đã triển khai mô hình “Chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi”, mang lại lợi ích “kép” cho người dân.

Mô hình sử dụng giống cỏ VA06, đây là giống cỏ thích hợp với mọi vùng đất, có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi, tốn ít công chăm sóc, sinh trưởng, phát triển nhanh, đẻ nhiều nhánh, năng suất cao và giàu dinh dưỡng. Sau trồng 60 ngày  cho thu hoạch lứa đầu tiên và có thể thu hoạch 7-8 lứa trong năm, năng suất trung bình 250-300 tấn/ha/năm, thâm canh tốt có thể đạt 350-400 tấn/ha/năm và sẽ cho thu hoạch tới 6 năm mới phải trồng lại.

Trồng cỏ không phải tốn nhiều phân bón, chủ yếu là urê với liều lượng 400-500 kg/ha/năm, chia đều để bón thúc sau mỗi lần thu hoạch.

Thực tế mô hình cho thấy hiệu quả của trồng cỏ cao hơn hẳn so với trồng lúa: Trồng 1ha lúa cho sản lượng 12 tấn/năm, đạt 60 - 80 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí, lãi khoảng 30 triệu/ha/năm; khi chuyển sang trồng cỏ  VA06, năng suất 250-300 tấn/ha/năm, giá trị đạt 125-150 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí, lãi khoảng 80 - 90 triệu đồng/ha/năm. Người chăn nuôi  nếu nuôi 20 con bò, mỗi ngày cần 500kg cỏ, 1 tháng là 15 tấn (tương đương 7,5 triệu đồng), bò thịt tăng trọng khoảng 12-15 kg/con/tháng, như vậy mỗi tháng đàn bò 20 con đem lại giá trị 22-25 triệu đồng,  trừ chi phí, lãi khoảng 12-15 triệu đồng/tháng. 1ha trồng cỏ có thể đủ phục vụ nuôi khoảng 20 con bò, khi đã có sẵn nguồn thức ăn thì nuôi 20 con bò chỉ cần một người chăm sóc.

Với những nông dân có đủ đất và điều kiện kinh tế, phát triển   trồng cỏ và chăn nuôi bò thì đây chính là hiệu quả “kép” mà mô hình đem lại. Trồng cỏ chủ động được nhu cầu thức ăn thô xanh phục vụ cho phát triển đàn bò,  tránh được những rủi ro đáng tiếc như bò ăn phải thức ăn kém chất lượng, không an toàn. Trồng cỏ kết hợp nuôi bò vừa tạo nguồn phân hữu cơ tại chỗ để chăm bón, nâng cao năng suất cho cỏ, giúp giảm thời gian lao động dành cho chăn nuôi, không làm tiêu hao nguồn lao động cho các hoạt động sản xuất khác. Trồng cỏ nuôi bò cũng phần nào tăng được mức độ đa dạng của hệ sinh thái; giảm ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, bảo vệ được các thiên địch có lợi do trồng cỏ ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hơn so với các cây trồng khác.

Chính nhờ mô hình trồng cỏ kết hợp nuôi bò mà nhiều hộ nông dân ở Ninh Bình đã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, làm giàu trên chính mảnh ruộng, chuồng nuôi của mình, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, phương thức sản xuất này không phải người nông dân nào cũng có thể áp dụng do còn thiếu đất, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật...

Để nhân rộng mô hình trồng cỏ nuôi bò, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển như quy hoạch lại cơ cấu sử dụng đất đai, dồn điển đổi thửa; quy hoạch vùng chăn nuôi; có chính sách hỗ trợ vốn cho phát triển sản xuất nông nghiệp; tổ chức hỗ trợ kỹ thuật hoặc mở các lớp tập huấn giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật về trồng cỏ, chăn nuôi bò và phòng bệnh cho đàn bò; khuyến khích các hộ có khả năng lập gia trại, trang trại chăn nuôi để tạo thương hiệu trên thị trường và ổn định đầu ra.

Do trồng cỏ nuôi bò đang là hoạt động kinh tế hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình tiếp tục triển khai tuyên truyền mở rộng nhằm phát triển chăn nuôi, tăng tổng đàn bò địa phương, tạo cơ hội làm giàu cho nông hộ. Đây cũng là giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi hiệu quả hiện nay.


Có thể bạn quan tâm

'Chiếc đũa thần' giúp tăng sản lượng dừa sáp 'Chiếc đũa thần' giúp tăng sản lượng dừa sáp

Dừa sáp là một loại đặc sản có tiếng của tỉnh Trà Vinh nói chung cũng như huyện Cầu Kè nói riêng. Đây là cây trồng có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân

20/09/2017
Nếu không nuôi lợn thì nông dân làm gì? Nếu không nuôi lợn thì nông dân làm gì?

Tôi tới dự hội thảo của Bộ NN-PTNT về tình hình sản xuất, tiêu thụ thịt lợn thời gian qua và một số biện pháp phát triển chăn nuôi

20/09/2017
Sức ép từ nông sản Thái Lan: Làm gì để bảo vệ mình? Sức ép từ nông sản Thái Lan: Làm gì để bảo vệ mình?

“Cơn lốc” hàng Thái tràn về Việt Nam không chỉ dừng lại ở các mặt hàng tiêu dùng mà còn lấn sân sang lĩnh vực nông sản - ngành hàng mà Việt Nam đang có thế mạnh

20/09/2017