Hiệu Quả Đào Tạo Nghề Cho LĐNT Ở Mường Ảng
Mường Ảng là 1 trong 4 huyện được thụ hưởng Nghị quyết 30a của Chính phủ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông - lâm nghiệp, với khoảng 90% lao động nông nghiệp.
Chính vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện đặc biệt quan tâm. Bằng nhiều giải pháp sát thực, đến nay, trên 75% lao động nông thôn sau khi học nghề có việc làm và tăng thu nhập từ nghề đã học, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Để triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 hiệu quả, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng đã chỉ đạo quyết liệt từ khâu điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng cũng như nhu cầu học nghề gắn với tuyên truyền chủ trương, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước khi thực hiện Đề án 1956. Từ đó giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cần học nghề để có việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập.
Huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và xác định trúng đối tượng trọng tâm tuyên truyền; xác định nhóm ngành nghề đào tạo phù hợp với điều kiện từng địa phương. Nhóm nghề nông nghiệp được nhiều học viên lựa chọn, như: kỹ thuật trồng, quản lý dịch hại trên cây cà phê, trồng và khai thác rừng, chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia cầm, lợn; sản xuất rau an toàn... Sau 3 năm thực hiện Đề án (2010 – 2012), toàn huyện đã đào tạo nghề cho 1.846 lao động nông thôn.
Thông qua việc mở lớp dạy nghề, xây dựng các mô hình khuyến nông – khuyến ngư đã dần nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn trong việc ứng dụng KHKT vào sản xuất, từng bước tiếp cận thị trường, chuyển dần từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế.
Lao động sau học nghề đa số tự tạo việc làm hoặc được các chủ các trang trại, doanh nghiệp (chủ yếu sản xuất, kinh doanh cà phê), Câu lạc bộ Chân trời mới trên địa bàn tuyển dụng làm việc theo mùa vụ. Cùng với một số chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước, số lao động học nghề thuộc hộ nghèo đã thoát nghèo trong 3 năm khoảng 500 hộ.
Ông Nguyễn Công Toan, Trưởng phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện Đề án 1956, người lao động tham gia học nghề được hỗ trợ một phần kinh phí. Và do làm tốt công tác tuyên truyền nên hầu hết người dân nhận thức được học nghề là thiết thực cho chính bản thân và gia đình, nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo. Đó chính là động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia học nghề.
Thực tế cho thấy, năm 2010, sau khi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mường Ảng phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên tổ chức lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng rau an toàn cho 30 nông dân xã ẳng Cang, đến nay các hộ vẫn tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất rau xanh cung cấp cho thị trường trong xã và khu vực thị trấn Mường Ảng.
Ông Lò Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã ẳng Cang cho biết: Học nghề, nắm được quy trình sản xuất rau an toàn, nhiều hộ nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bà con chủ động trồng rau xanh, mùa nào rau ấy, thâm canh gối vụ theo hướng sản xuất hàng hóa nên đem lại nguồn thu không nhỏ góp phần cải thiện cuộc sống. Không ít hộ mỗi năm thu nhập trên 30 triệu đồng từ rau xanh các loại.
Giai đoạn 2013 - 2015, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm tiếp tục gắn với quy hoạch phát triển kinh tế của huyện Mường Ảng và của từng xã. Huyện tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Mục tiêu đặt ra, mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho trên 500 lao động nông thôn, đào tạo, bồi dưỡng cho 140 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn lên 40%.
Trong đó, mục tiêu năm 2013 là đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho 500 lao động. Để đảm bảo kế hoạch thực hiện, thì việc bố trí vốn đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cần được quan tâm. Cùng với đó là tăng cường các nguồn lực cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm để các hộ được vay sau học nghề phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả tự tạo việc làm, tăng thu nhập sau học nghề, phát triển kinh tế hộ.v
Có thể bạn quan tâm
Nhiều ý kiến cho rằng nếu cứ mãi duy trì kiểu độc quyền xuất khẩu gạo như hiện nay thì chỉ làm cho giá gạo ngày càng xuống thấp và người chịu thiệt vẫn là nông dân.
Tại thời điểm này, ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ lúa phẩm cấp thấp bị ế ẩm, mà ngay cả lúa thơm trong dân hiện cũng đang ùn ứ đầy bồ, không có đầu ra.
Nhằm khuyến khích các hộ nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Long Mỹ (Hậu Giang) duy trì ổn định và phát triển sản xuất, Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ vừa tổ chức hỗ trợ cá thát lát cườm và cá rô phi giống cho hàng trăm hộ dân ở 4 xã điểm xây dựng nông thôn mới và nông dân trong mô hình mẫu điểm, cánh đồng mẫu lớn trong huyện.