Hiệu quả cao từ chuỗi liên kết sản xuất rau khép kín
Từ một trang trại sản xuất rau an toàn, Phong Thúy đã phát triển lên thành một DN đứng ra tổ chức liên kết các trang trại, hộ sản xuất trong vùng để hình thành nên chuỗi sản xuất rau an toàn, khép kín, từ cây giống đến thành phẩm cung ứng cho các siêu thị.
Dây chuyền phân loại củ quả hiện đại của Cty Phong Thúy
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, GĐ Cty TNHH Sản xuất Thương mại Nông sản Phong Thúy (Cty Phong Thúy), công ty được thành lập trên cơ sở của trang trại Phong Thúy.
Trang trại này được hình thành từ năm 2000, chuyên sản xuất rau củ các loại. Từ diện tích nhỏ ban đầu, nhờ làm ăn có hiệu quả, trang trại Phong Thúy liên tục mở rộng diện tích cũng như quy mô sản xuất qua từng năm. Bên cạnh đó, trang trại Phong Thúy đã sớm liên kết với một số hộ nông dân trong vùng để sản xuất rau củ. Năm 2012, trang trại Phong Thúy đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản Vùng 2 trao giấy chứng nhận VietGAP.
Năm 2013, khi thành lập Cty Phong Thúy, ông Phong tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết với các trang trại, hộ sản xuất rau trong vùng. Nhờ vậy, ngoài 50 ha của trang trại Phong Thúy, Cty còn có thêm 80 ha từ 30 trang trại và hộ liên kết, qua đó nâng tổng diện tích sản xuất rau của Cty lên 130 ha.
Nói về chuyện liên kết vớc các hộ, trang trại sản xuất rau, ông Phong cho hay, nếu sản xuất nhỏ lẻ, nông dân phải chia sẻ lợi nhuận với nhiều khâu trung gian. Vì thế, luôn co sự chênh lệch khá lớn giữa giá rau ở trang trại với giá rau bán lẻ trên thị trường. Còn liên kết lại để hình thành chuỗi sản xuất rau an toàn khép kín, do giảm được nhiều khâu trung gian, nông dân sẽ được hưởng lợi nhuận nhiều hơn, giá rau của cả chuỗi khi đưa ra thị trường sẽ cạnh tranh hơn trước.
Để thực sự là một chuỗi khép kín, ngoài khâu tổ chức sản xuất, Cty Phong Thúy đầu tư vào khâu sản xuất cây giống rau và khâu sau thu hoạch. Hiện công ty đã chủ động hoàn toàn được việc tự sản xuất cây giống rau chất lượng tốt để cung ứng cho nhu cầu sản xuất của trang trại Phong Thúy cũng như các trang trại liên kết. Ở khâu sau thu hoạch, nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng của Agribank, Phong Thúy đã đầu tư nhà xưởng sơ chế, đóng gói rau củ, mua sắm lắp đặt nhiều dây chuyền, máy móc hiện đại như máy đóng túi lưới, máy đóng gói kéo màng …, đáp ứng được yêu cầu cung cấp rau củ đóng gói, đảm bảo ATTP cho các hệ thống siêu thị.
Đặc biệt, được sự hỗ trợ từ tổ chức JICA (Nhật Bản), và UBND tỉnh Lâm Đồng, Phong Thúy đã được trang bị một dây chuyền phân loại củ quả hiện đại nhất ĐNA, có khả năng phân biệt được màu sắc, kích cỡ của củ, quả, với công suất làm việc cao. Chẳng hạn, với sản phẩm cà chua, mỗi giờ hoạt động, dây chuyền này phân loại được 3 tấn quả. Ở khâu sản xuất, Phong Thúy đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại. Toàn bộ diện tích sản xuất của công ty đều đã được trang bị hệ thống tưới tự động như tưới nhỏ giọt, tưới phun sương. Gần đây, công ty đã bắt đầu ứng dụng công nghệ tưới thông minh của châu Âu, Nhật Bản…, có thể tự tính toán, cân đối nhu cầu các chất dinh dưỡng của cây trồng và gửi thông tin về trung tâm để theo dõi.
Cây giống cà chua do Phong Thúy tự sản xuất
Nhờ mạnh dạn ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất, năm 2016, Phong Thúy đã được Bộ NN-PTNT chứng nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhờ liên kết tổ chức với hàng chục trang trại, nông hộ, hàng năm, Cty Phong Thúy đã có được sản lượng rau củ quả khá lớn đưa ra thị trường. Năm 2017, Phong Thúy đã cung ứng ra thị trường khoảng 12.000 tấn rau củ các loại, đạt doanh thu khoảng 150 tỷ đồng. Khách hàng chính của công ty là các hệ thống siêu thị (chiếm khoảng 70% sản lượng tiêu thụ), 10% được cung ứng cho các công ty XK rau quả, phần còn lại tiêu thụ ở các kênh phân phối truyền thống.
Trong định hướng phát triển sắp tới, Phong Thúy sẽ không đẩy mạnh việc mở rộng diện tích, quy mô sản xuất như những năm qua, mà sẽ tập trung vào phát triển chiều sâu bằng việc đầu tư mạnh vào ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Nông trại Midori là nơi các vị khách tìm thấy tình yêu với lối sống nông thôn, gắn bó với thiên nhiên.
Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long đã hỗ trợ 80 cặp chim bồ câu cho 8 hộ dân trong xã Tân An Hội, huyện Mang Thít và 82kg thức ăn cho chim/hộ.
Kỹ thuật chăn nuôi chim bồ câu sinh sản rất dễ nhưng cũng đòi hỏi người chăm sóc phải luôn để ý sát sao nếu không trứng sẽ luôn bị vỡ dập ảnh hưởng năng suất