Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp
Ông Trịnh Minh Tấn (SN 1950, ngụ tổ 7, ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh) hiện đang nuôi 50 cặp bồ câu Pháp sinh sản dưới hình thức nhốt chuồng. Đây là mô hình chăn nuôi mới ở huyện Châu Thành đem lại thu nhập khá. Theo ông Tấn, bồ câu là giống sinh sản nhanh (ấp 18 ngày là trứng nở), ít bệnh tật, ít tốn thức ăn và công chăm sóc nhưng giá trị kinh tế lại cao.
Ông Tấn cho biết, trước đây, gia đình ông cũng chăn nuôi nhiều loại gia súc gia cầm nhưng đầu ra không ổn định, chi phí cao, nhiều rủi ro. Tìm hiểu qua mạng và được cậu con trai đưa đi tham quan một trang trại nuôi bồ câu Pháp ở Bình Dương, thấy mô hình hay, ông quyết chí làm thử.
Cuối tháng 11.2012, ông Tấn đầu tư 25 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 10 cặp bồ câu giống với giá 800.000 đ/cặp. Mỗi ngày 2 lần, vào sáng sớm và tầm buổi chiều, ông Tấn cho bồ câu ăn và thay nước. Để đảm bảo nguồn dinh dưỡng, ông trộn 50% gạo lứt với 50% cám thức ăn công nghiệp trong khẩu phần ăn của bồ câu. Nhờ cẩn thận tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm của bồ câu Pháp mà ông Tấn có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho chúng, nên chỉ sau 3 tháng, chuồng bồ câu nhà ông đã có 20 cặp chim nhỏ, hiện có giá khoảng 350.000 đ/cặp. Thấy có hiệu quả, sau khi bán chim nhỏ, ông tiếp tục mua thêm chim giống. Hiện nay, ông Tấn đã có 50 cặp, trong đó có 30 cặp đang đẻ, còn 20 cặp cũng sắp bắt đầu rớt trứng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tấn cho biết, nuôi chim bồ câu Pháp có cái khó là phải thường xuyên theo dõi việc ăn, uống, bệnh tật của chim để có thuốc trị kịp thời, nhất là bệnh tiêu chảy. Chuồng trại phải thoáng mát, ánh sáng đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ. Về ưu điểm thì nuôi chim bồ câu Pháp không tốn kém nhiều thời gian, với 50 cặp, mỗi ngày ông chỉ mất 1 giờ cho bồ câu ăn, uống và 1 tuần mới dọn phân một lần.
Hiện nay, những người quen biết ông đều tìm đến mua chim giống, nhưng gia đình không đủ cung cấp. Qua tham khảo, thị trường bồ câu Pháp thịt thương phẩm còn rất tiềm năng. Theo ông Tấn, mô hình này ai cũng có thể nuôi vì nó mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, có thể xem là mô hình mới giúp bà con nông dân thoát nghèo. Từ nay đến cuối năm, ông tấn dự định tiếp tục đầu tư để nâng tổng số bồ câu lên 100 cặp.
Có thể nói, mô hình nuôi bồ câu Pháp còn khá mới mẻ trên địa bàn huyện Châu Thành, nhưng bước đầu cũng đã mở ra một hướng mới cho bà con nhân dân và hội viên Hội CCB trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, nếu có ý định nuôi bồ câu Pháp, bà con nông dân nên tìm hiểu nơi tiêu thụ, cũng như có hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài, ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân có sáng tạo sẽ mau làm giàu, chính vì nhờ linh động trong phát triển kinh tế, biết tìm tòi học hỏi, tìm giống cây trồng vật nuôi, áp dụng thực tế tại hộ gia đình đã được nhiều nông dân đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hộ anh Nguyễn Văn Hòa ở ấp Bình Đông 2 xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã chọn phát triển mô hình nuôi Nhím kết hợp với nuôi Thỏ đem lại lợi nhuận hàng triệu đồng mỗi năm. Anh Hòa trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương.
Sáng 18.2, nhiều nông dân kéo đến cổng biệt thự của bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) ở Cần Thơ, giăng băng rôn, yêu cầu bà Hiền trả nợ tiền mua cá. Khoảng 10 giờ 30 ngày 18.2, nhiều nông dân kéo đến cổng biệt thự của bà Phạm Thị Diệu Hiền - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) trên đường 30.4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, giăng băng rôn, yêu cầu bà Hiền trả nợ tiền mua cá.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi cá nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 2.500 ha mặt nước nuôi cá nước ngọt, bao gồm các hình thức nuôi như quảng canh trong hồ chứa thủy lợi, nuôi trong ao, nuôi thả lồng trong các hồ chứa, nuôi trong ao lót bạt và nuôi trong ruộng lúa