Giá / Mô hình kinh tế

Hiệu quả bước đầu mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt

Hiệu quả bước đầu mô hình nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt
Tác giả: Thành Nguyên
Ngày đăng: 16/12/2022

Trong năm 2022, với mục tiêu chuyển giao quy trình nuôi các loài thủy đặc sản cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, đồng thời đa dạng hóa các đối tượng nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ nuôi cá, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi cá chình thương phẩm trong ao nước ngọt” tại xã Ân Nghĩa trên diện tích ao đất 500 m2.

Được sự hỗ trợ 50% kinh phí giống và các vật tư thiết yếu của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Dương Văn Tài (thôn Nghĩa Sơn, xã Ân Nghĩa) tiến hành thả nuôi 500 con giống cá chình bông kích cỡ 100 gam/con.

Nguồn cá chình giống được cung cấp bởi cơ sở uy tín tại đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ) với kích cỡ đồng đều, khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt, không bị mất nhớt. Nhờ vậy, sau 9 tháng thả nuôi, cá lớn nhanh, khỏe mạnh, không có dấu hệu bệnh, tỷ lệ sống cao (85%), trọng lượng cá trung bình đạt 0,8 kg/con, ước tính sản lượng 340 kg/500 m2 ao nuôi, ước lãi khoảng 63 triệu đồng.

Ông Tài cho hay: Cá chình bông là loài cá dữ, có thể ăn thức ăn tươi sống hoặc chế biến, đảm bảo hàm lượng đạm cao 45 – 50%. Cá chình sống đáy, chui rúc trong các hang đá, hốc cây, vùi mình xuống bùn cát. Cá thích bóng tối, sợ ánh sáng, ban ngày chúng tìm nơi có ánh sáng yếu để ẩn nấp, ban đêm bơi ra kiếm mồi và di chuyển đi nơi khác.

Do đó trong quá trình nuôi phải chú ý điều này tạo điều kiện cho cá sinh trưởng bằng cách tạo các hang hốc cho cá ẩn nấp, tránh cường độ ánh sáng cao, nên cho cá ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Tú (Trung tâm Khuyến nông Bình Định) cho biết thêm: Cá chình bông là loài cá có giá trị kinh tế cao, thời gian nuôi kéo dài, với kích cỡ cá 0,8 kg/con thì chưa thể thu hoạch được, để đạt hiệu quả kinh tế cao thì cá phải phải đạt trọng lượng trên 01 kg/con. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại cá phát triển rất tốt, kích cỡ đồng đều, và đặc biệt phù hợp với điều kiện môi trường nước trên địa bàn xã.

Được biết, trong năm 2022 Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã triển khai thực hiện mô hình này tại xã Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ) và xã Ân Nghĩa (huyện  Hoài Ân). Bước đầu hiệu quả mang lại rất khả quan, người nuôi rất phấn khởi. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện theo dõi, kiểm tra, giám sát mô hình tới thời điểm thu hoạch để có cơ sở đánh giá hiệu quả kinh tế của mô hình mang lại.

Cá chình sau 9 tháng thả nuôi


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ nghề trồng hoa, cây cảnh Làm giàu từ nghề trồng hoa, cây cảnh

Nói đến cựu chiến binh Đặng Ngọc Sỹ ở thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh nhiều người biết đến là một người đã có thâm niên trong nghề trồng hoa, cây cảnh, cây công trì

16/12/2022
Bạc Liêu mở rộng diện tích canh tác lúa thơm – tôm sạch giúp nông dân làm giàu Bạc Liêu mở rộng diện tích canh tác lúa thơm – tôm sạch giúp nông dân làm giàu

Vượt qua nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 cũng như giá phân bón liên tục gia tăng, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa trên đất tôm năm 2021

16/12/2022
Hiệu quả mô hình chăn nuôi an toàn sinh học giống lợn địa phương (giống lợn Hương) Hiệu quả mô hình chăn nuôi an toàn sinh học giống lợn địa phương (giống lợn Hương)

Nhằm lưu giữ nguồn gen quý của giống lợn Hương và phát triển kinh tế bền vững, nâng cao sinh kế cho bà con trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

16/12/2022