Hiệu Quả Bước Đầu Của “Cánh Đồng Một Giống”
Với việc sản xuất tập trung, sử dụng một loại giống lúa, cùng áp dụng một biện pháp canh tác, những mô hình “cánh đồng một giống” được triển khai trong vụ xuân năm 2013 tại huyện Phú Bình đã đem lại hiệu quả rõ rệt, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, mở ra hướng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, từ đó tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Phú Bình được coi “vựa lúa” của tỉnh với sản lượng lương thực hàng năm đều đạt trên 70.000 tấn. Tuy nhiên, nhiều năm nay, sản xuất lương thực trên địa bàn huyện vẫn còn manh mún, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư thâm canh còn hạn chế, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp thấp. Để khắc phục những tồn tại đó, vụ xuân năm 2013, huyện Phú Bình đã triển khai xây dựng 3 mô hình “cánh đồng một giống” với tổng diện tích 25ha tại 3 xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của huyện là: Tân Khánh (10ha); Đồng Liên (8ha); Lương Phú (7ha).
Những giống lúa được chọn để gieo cấy trên “cánh đồng một giống” là: lúa lai 3 dòng Syn6, gieo cấy trên cánh đồng xóm Chiềng, xã Lương Phú; giống lúa thuần chất lượng cao HDT8, gieo cấy trên cánh đồng xóm Trà Viên, xã Đồng Liên và giống lúa Bắc Thơm số 7, gieo cấy trên cánh đồng xóm Ngò, xã Tân Khánh. Đây đều là những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như điều kiện canh tác của địa phương.
Thực hiện chỉ đạo của huyện, ngay từ đầu vụ, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện đã phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất, tuyên truyền vận động bà con nông dân tham gia thực hiện mô hình, đồng thời tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật để nông dân nắm bắt, ứng dụng vào thực tế. Để khuyến khích người dân tham gia thực hiện mô hình, UBND huyện đã ban hành cơ chế hỗ trợ 100% giá giống cho người dân.
Đồng thời, hỗ trợ 30% kinh phí cho các địa phương mua máy móc phục vụ sản xuất như: máy bơm nước, máy cày, máy gặt đập liên hợp… Nhờ đó, người dân rất hào hứng tham gia mô hình và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, thời gian theo hướng dẫn.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình cho biết: "Thực hiện mô hình này, chúng tôi thường xuyên cử cán bộ khuyến nông bám sát đồng ruộng, hướng dân bà con gieo mạ, cấy cùng một thời điểm và ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, nên hiệu quả bước đầu đạt được rất tốt…".
Vụ xuân này, gia đình ông Nguyễn Văn Huân, xóm Chiềng, xã Lương Phú cùng với 60 hộ dân khác trong xóm tham gia thực hiện mô hình “cánh đồng một giống” lúa lai 3 dòng Syn6. Theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, ông cùng các gia đình khác gieo cấy đồng loạt cùng một thời điểm. Nhờ gieo cấy và áp dụng đồng bộ các biện pháp canh tác nên sâu bệnh giảm đáng kể, việc phòng trừ sâu bệnh cũng rất thuận lợi.
Vừa qua, 4 sào ruộng của gia đình ông cho thu hoạch được 9,2 tạ thóc, cao hơn 2 tạ so với vụ trước cấy lúa Khang Dân. Ông phấn khởi cho biêt: "Lúc mới tham gia mô hình, bà con chúng tôi không tránh khỏi những nghi ngại, đến khi cây lúa phát triển tốt và đến giờ này lúa đã cho thu hoạch, bà con rất mừng. Chưa năm nào năng suất lúa trên cánh đồng xóm tôi lại cao như năm nay. Mong rằng địa phương sẽ tiếp tục triển khai cánh đồng mẫu lớn trong những vụ tiếp theo…".
Hiện nay, những cánh đồng một giống đang trong thời kỳ thu hoạch. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, năng suất giống lúa lai Syn6 gieo cấy tại cánh đồng xóm Chiềng, xã Lương Phú đạt khoảng 65 tạ/ha, cao hơn 15 tạ/ha so với giống lúa Khang Dân mà người dân thường gieo cấy trước kia; năng suất của giống lúa thuần chất lượng cao HDT8 gieo cấy tại cánh đồng Trà Viên, xã Đồng Liên đạt khoảng 54 tạ/ha, cao hơn 5 tạ/ha so với giống lúa Khang dân; Riêng giống lúa Bắc Thơm số 7 gieo cấy trên cánh đồng xóm Ngò, xã Tân Khánh, mặc dù bị thiếu nước nhưng năng suất trung bình vẫn đạt 48 tạ/ha, cao hơn khoảng 4 tạ/ha so với giống lúa thuần truyền thống của người dân.
Đánh giá về hiệu quả của “cánh đồng một giống” triển khai tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch UBND xã Đồng Liên cho biết: Với việcsản xuất tập trung một giống duy nhất, làm đất, gieo trồng cùng một thời điểm đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thủy lợi, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Từ đó giảm thiểu đáng kể chi phí sản xuất nhưng vẫn đảm bảo tăng về năng suất, thu nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Việc triển khai mô hình “cánh đồng một giống”, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, góp phần đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương …
Có thể thấy rằng, mặc dù mới triển khai vụ đầu tiên, nhưng mô hình “cánh đồng một giống” tại huyện Phú Bình đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ mô hình này đã giúp bà con nông dân giảm được chi phí sản suất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, nhưng quan trọng hơn cả là đã làm cho người nông dân từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, tư duy sản xuất nhỏ lẻ để hướng đến nền sản xuất hàng hóa.
Thành công bước đầu của mô hình sẽ là tiền đề quan trọng để huyện Phú Bình thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, năng suất cao, tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của ngành BVTV và phản ảnh của một số Sở NN-PTNT các tỉnh phía Bắc thì tình hình sâu bệnh hại trên cây lạc đang có chiều hướng phát triển mạnh, gây hại nặng trên diện rộng, đặc biệt là những vùng chuyên canh lạc như Ninh Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…
Giống B-TE1 có xuất xứ từ đâu và được các cơ quan chức năng đánh giá như thế nào?
Theo báo cáo của Phòng NN- PTNT huyện Vạn Ninh, bệnh xuất hiện đã 2 tháng nay, lúc đầu chỉ vài hecta, sau lan rất nhanh, tập trung chủ yếu ở các xã Vạn Phú, Vạn Bình, Vạn Thắng… Ngay từ khi diện tích lúa bị bệnh và có dấu hiệu lan rộng, UBND huyện đã kết hợp với Chi cục BVTV tỉnh Khánh Hoà và Trung tâm BVTV miền Trung tiến hành thu thập mẫu gửi giám định tại Chi cục Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II ở TPHCM và Viện BVTV ngoài Hà Nội.