Giá / Mô hình kinh tế

Hết Nghèo Nhờ Heifer

Hết Nghèo Nhờ Heifer
Tác giả: 
Ngày đăng: 04/04/2012

Sau 3 năm triển khai Dự án "Cải thiện đời sống của nông dân thông qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện theo mô hình Heifer" ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, 60 hộ đã có cuộc sống ổn định...

Ông Phạm Minh Hùng - Chủ tịch Hội ND tỉnh Long An cho biết, tháng 6.2008, Hội ND tỉnh chọn 2 ấp Bình Lợi và Bình Hòa, xã Đức Tân thành lập 3 nhóm, mỗi nhóm 20 hộ chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, có ít đất sản xuất hoặc không có đất sản xuất tham gia dự án. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 1,1 tỷ đồng.

Mỗi năm có 8-10 triệu đồng

Sau khi tập huấn kỹ thuật, mỗi hộ được dự án cho mượn một con bò cái lai Sind, trị giá 6,9 triệu đồng. Chương trình còn hỗ trợ mỗi hộ 500.000 đồng để làm chuồng trại, 300.000 đồng làm hố ủ phân, 200.000 đồng để trồng cỏ. Sau 3 năm, các hộ phải trả lại 1 con bò cái cho chương trình để chuyển cho hộ khác nuôi. Ngoài ra, mỗi hộ còn được vay 2 triệu đồng để trồng rau, nuôi cá…

Hàng tháng các nhóm sinh hoạt để nắm tình hình đàn bò, việc sử dụng vốn vay nếu có vấn đề gì sẽ xử lý kịp thời và triển khai công việc thời gian tiếp theo. Ngoài ra, các thành viên còn góp quỹ để thăm hỏi và hỗ trợ nhau khi khó khăn, ốm đau...

Ông Trương Minh Trong- Chủ tịch Hội ND xã Đức Tân cho biết, sau 3 năm triển khai dự án, mỗi gia đình có thêm từ 3 - 4 con bò, trị giá khoảng 30 - 40 triệu đồng. Nếu nuôi bò tốt, hàng năm mỗi hộ sẽ có thu nhập từ 8 -10 triệu đồng.

Hộ anh Nguyễn Văn Hoa ở ấp Bình Lợi sau khi trả chương trình 1 con, hiện anh còn 4 con bò, tổng trị giá trên 45 triệu đồng, trong đó có 1 đang mang thai. Riêng 2 triệu đồng tiền vay, anh mua vịt về nuôi, bình quân mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa lãi 300.000 - 400.000 đồng, cộng với tiền làm thuê mỗi tháng khoảng 2 triệu đồng.

Gia đình anh Đỗ Ngọc Ký ở gần nhà anh Hoa là 1 trong 60 hộ tham gia chương trình. Sau khi trả dự án con bò vốn, hiện anh còn 3 con, trong đó 1 con đang mang thai với tổng trị giá gần 30 triệu đồng. Ngoài nguồn thu từ nuôi vịt, đi làm thuê, mỗi tháng anh cũng kiếm thêm khoảng 1,5 triệu đồng.

Thêm nhiều hộ hưởng lợi

Ông Trong cho biết, hầu hết các hộ tham gia dự án đều chí thú làm ăn, đàn bò từ 60 con nay tăng lên 111 con và 56 hộ đã trả bò giống cho dự án. "Hầu hết các hộ tham gia chương trình đều sử dụng vốn vay có hiệu quả và đã thoát nghèo" - ông Trong khẳng định.

Từ thành công của các hộ tham gia dự án, Hội ND tỉnh đang nhân rộng mô hình này. Theo ông Phạm Minh Hùng, hiện nay 56 con bò các hộ trả dự án đã được chuyển cho các hộ khác nuôi, trong đó 7 con đang mang thai. So với ngày đầu triển khai dự án, tổng đàn bò tăng 85%. Bình quân mỗi năm, giá trị bò tăng 380 triệu đồng, mỗi hộ tham gia dự án tích lũy gần 3,2 triệu đồng/năm.

"Chúng tôi dự kiến, sau 3 năm sẽ chuyển chương trình cho 60 hộ kế tiếp, nhất là những hộ có thu nhập thấp, để giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Qua thực tế cho thấy, đây là chương trình góp phần xóa nghèo bền vững, cần phải được nhân rộng" - ông Hùng khẳng định.


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình “Bò Nuôi Rẽ” Giúp Nhau Phát Triển Kinh Tế Mô Hình “Bò Nuôi Rẽ” Giúp Nhau Phát Triển Kinh Tế

“Bò nuôi rẽ” là tên gọi do các gia đình tham gia mô hình đặt. Với mô hình này, người có bò sẽ cho người nghèo, người không có vốn sản xuất nhận nuôi. Sau khi bò mẹ đẻ bò con, người nhận nuôi được các chủ bò chia một nửa tổng giá trị.

04/04/2012
Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Quít Đường Hiệu Quả Từ Mô Hình Trồng Quít Đường

Mấy năm trở lại đây, nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) chuyển đổi diện tích vườn cây kém hiệu quả sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, măng cụt, bưởi Năm Roi,... Riêng ấp Phương Bình, xã Phương Phú, nông dân đã chuyển gần 200ha sang trồng quít đường, thu lợi hàng trăm triệu đồng.

04/04/2012
Tìm Hướng Đi Từ Những Vật Nuôi Lạ Tìm Hướng Đi Từ Những Vật Nuôi Lạ

Các con vật lạ thường khó nuôi nhưng anh Mai Thế Hệ (ấp Bàu Trư, xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) lại có đam mê tìm hướng làm ăn từ những vật khó nuôi đó và bước đầu anh đã đạt những kết quả khả quan.

04/04/2012