Hậu Giang Kỳ Vọng Dưa Hấu Tết
Hiện nay, nông dân trồng dưa hấu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang ra sức chăm sóc những rẫy dưa với hy vọng có được vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, theo nhận định của bà con, thời tiết năm nay không mấy thuận lợi nên có không ít diện tích dưa đã bị bệnh, chi phí đầu tư tăng cao.
Hiện người trồng dưa hấu tết trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang ra sức chăm sóc và kỳ vọng sẽ được mùa, bán giá cao. Ảnh: H.PHƯỚC
Tất bật với rẫy dưa
Hơn một tháng qua, bà con nông dân thuộc cánh đồng trồng dưa hấu tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy luôn tất bật với công việc đào đất, ươm hạt giống, xuống dây và lúc này là công đoạn để trái. Cũng như đa phần người trồng dưa nơi đây, bà Đỗ Thị Hạnh Huỳnh chọn trồng giống dưa Mặt Trời Đỏ và Thành Long để bán vào dịp tết. Ngày nào cũng vậy, ngay từ khi mặt trời mới ló dạng, bà đã tranh thủ ra bắt sâu, tưới nước, chăm sóc gần 2.500 dây dưa của gia đình. Bà Huỳnh thông tin: “Nhờ vào dưa hấu mà hơn 10 năm qua, gia đình có cuộc sống ổn định, nhất là có tiền trang trải, mua sắm đón tết”. Cùng niềm phấn khởi trên, chị Trương Thị Tuyết Ngoan, cũng ở ấp Vĩnh Thuận, chia sẻ: “Mấy năm trước, gia đình tôi trồng lúa, nhưng vụ này chuyển sang trồng thử dưa hấu tết với bà con. Hy vọng là trúng mùa, trúng giá để có tiền ăn tết”.
Còn tại Hợp tác xã (HTX) trồng dưa hấu VietGap ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy thì không khí mùa vụ cũng khá nhộn nhịp. Ruộng dưa nào cũng đều có người tất bật ngắt nhánh, sửa dây để dưa hấu cho trái to, quả ngọt kịp bán vào dịp tết. Ngoài các loại dưa như: Hắc Mỹ Nhân, An Tiêm, Thành Long… cho năng suất cao, còn có các giống dưa không hạt có chất lượng ngon ngọt, trái to tròn và một số loại thường dùng để trưng trong dịp tết. Ông Võ Văn Năng, Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Nông dân rất phấn khởi vì đây là năm thứ 4 toàn bộ 10ha dưa hấu thuộc HTX đều được bao tiêu với giá cao hơn thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg (tùy loại) nên bà con đều đồng loạt trồng dưa hấu mà không trồng xen các loại dưa lê, bí hồ lô như mấy năm trước nữa”.
Theo các xã viên HTX trồng dưa hấu VietGap ở xã Vĩnh Thuận Tây, lúc đầu, có nhiều thành viên rất băn khoăn vì thấy trồng dưa theo VietGAP rất tỉ mỉ và công phu. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, nhiều hộ đã khá tự tin với hướng đi của mình. Các vụ dưa tết mùa trước đều thu lời hơn 10 triệu đồng trên diện tích 1.000m2. Ông Võ Văn Lịnh, xã viên HTX, cho hay: “Vụ dưa tết năm nay, nhà tôi trồng giống Thành Long và Mặt Trời Đỏ. Nhờ áp dụng màng phủ và các kỹ thuật tiên tiến nên nhẹ công chăm sóc. Mọi năm, với diện tích 4.000m2 dưa tết, gia đình thu lời hơn 40 triệu đồng và năm nay tôi hy vọng sẽ có được lợi nhuận tương tự”.
Nhiều diện tích dưa bị dịch bệnh
Mặc dù có sự chăm sóc tỉ mỉ của nông dân, tuy nhiên, vẫn có nhiều diện tích dưa hấu phục vụ tết bị nhiễm một số dịch hại, trong đó bệnh đầu lân (thun đầu) là mối lo lắng nhất của bà con. Đang chăm sóc bên rẫy dưa của gia đình, ông Trần Ngọc Anh, ở khu vực 4, phường V, TP.Vị Thanh, cho hay: “Năm nay, thời tiết không mấy thuận lợi nên nhiều diện tích dưa bị một số loại dịch hại tấn công, nhất là bệnh thun đầu xảy ra khá nhiều. Trong tổng số 3.500 dây dưa của tôi thì hiện có khoảng 10% số dây bị bệnh thun đầu”.
Tình cảnh khó khăn hơn khi có trên 3.000 trong tổng số 6.000 dây dưa hấu đang trong giai đoạn để trái của ông Nguyễn Văn Nghiệm, ở cùng khu vực 4, phường V đang bị nhiễm bệnh thun đầu khá nặng. Những ngày qua, ông Nghiệm đã tiến hành phun thuốc điều trị với mong muốn bệnh ngưng tiến triển, đồng thời, nhổ bỏ những dây đã bị bệnh nặng để tránh sự lây lan sang những dây còn lại. Ông Nghiệm ngậm ngùi cho biết: “Tôi trồng dưa tết hơn 3 năm nay, nhưng đây là lần đầu có số dưa bị bệnh thun đầu nhiều như vầy. Bà con nơi đây tuy có phòng ngừa nhưng hầu hết ruộng dưa nào cũng bị nhiễm với tỷ lệ ít hay nhiều, riêng của tôi là nặng nhất”.
Theo các lão nông trồng dưa hấu, thun đầu là loại bệnh đáng ngại nhất trên dưa hấu và hiện chưa có thuốc nào đặc trị. Bệnh xảy ra từ lúc dây dưa bắt đầu bò đến giai đoạn để trái. Dấu hiệu dễ nhận biết là đọt dưa thun lại, lá nhỏ có màu vàng nhạt; dây dưa bị bệnh trái thường nhỏ, chất lượng kém. Do dịch bệnh trên dưa nhiều nên chi phí đầu tư cho vụ dưa năm nay khá cao, bình quân khoảng 3 triệu đồng/công, tăng gần 500.000 đồng/công so với cùng kỳ. Chính vì vậy, hiện nhà nông đang kỳ vọng giá dưa hấu vào thời điểm thu hoạch sẽ cao để bà con có lợi nhuận để ăn tết.
Qua ghi nhận mấy tháng trở lại đây, giá dưa hấu tại Hậu Giang giữ ở mức cao so với năm 2013. Cụ thể giá dưa được thương lái mua tại ruộng dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg và giá bán tại các chợ từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, tùy dưa có hạt và không hạt. Nguyên nhân giá dưa tăng cao là do diện tích trồng dưa bị thu hẹp do mùa nghịch và giá cả dưa hấu trước đó không cao nên nông dân ngán ngại. Do vậy, việc nông dân kỳ vọng giá dưa hấu sẽ được đẩy lên cao và hút hàng so những năm trước để góp thêm phần thu nhập khi tết đến xuân về là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho hay: Năm nay, bà con trên địa bàn tỉnh xuống giống khoảng 400ha dưa hấu phục vụ Tết Ất Mùi, tập trung nhiều ở huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy. Hiện dưa trong giai đoạn để trái và phát triển tốt. Tuy vậy, vẫn có một số diện tích bị nhiễm bệnh đầu lân do bà con trồng dưa nhiều năm liền trên một mảnh đất, nhưng tỷ lệ ảnh hưởng không lớn và khả năng không còn lây lan do tuổi dưa hiện nay đã qua giai đoạn cho bệnh này phát triển.
Chính vì vậy, bà con nên tập trung cho công đoạn để trái, cũng như phòng ngừa một số bệnh trên trái để có năng suất và mẫu mã đẹp bán ra thị trường.
Ngoài dưa hấu thì tết năm nay, toàn tỉnh có khoảng 1.000ha rau màu các loại được trồng, chủ yếu là rau ăn lá, khổ qua, dưa leo… để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Ngoài ra, một mặt hàng khá đặc biệt hiện có nhiều ở huyện Vị Thủy (trên 30ha) là trầu cũng đang được nông dân chăm chút vì thường có giá cao trong dịp tết.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt hộ nuôi heo rừng lai tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định đang gặp lao đao do giá heo rừng giảm mạnh, đầu ra gặp khó khăn.
Hội thảo khoa học về dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) Trà My cho sản phẩm quế” vừa được Sở KH-CN Quảng Nam phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa Việt Nam tổ chức đã mở ra hướng phục hồi thương hiệu cho sản phẩm từng được mệnh danh là “cao sơn ngọc quế” một thời.
Nhà máy chế biến sơ ri Nichirei Suco Acerola (của Công ty TNHH MTV Nichirei Suco Việt Nam) khởi công xây dựng ngày 17-7 tại xã Bình Nghị (Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đánh dấu sự khởi đầu mới cho vùng nguyên liệu sơ ri Gò Công.