Hạt điều Việt Nam - số 1 về xuất khẩu
Không chỉ đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu, hạt điều Việt Nam còn được bạn bè quốc tế đánh giá cao về chất lượng. Sức hút và nhu cầu ngày càng lớn cũng đặt ra nhiều yêu cầu hơn cho hạt điều Việt Nam.
Sức hút hạt điều Việt Nam
Ông Lalit Bisht, quản lý nhà máy Công ty Valancy International tại Việt Nam (100% vốn Ấn Độ), cho biết khách hàng quốc tế đánh giá rất cao chất lượng hạt điều Việt Nam: “Việt Nam đứng đầu trong các nước có chất lượng hạt điều thơm ngon nhất thế giới là Việt Nam, Indonesia và Tanzania. Không chỉ thơm ngon về chất lượng mà còn đạt yêu cầu cao về màu sắc, kích cỡ nên nhu cầu của thế giới về hạt điều Việt Nam mấy năm gần đây tăng rất mạnh, năm sau luôn tăng hơn năm trước”.
Trong ảnh: Khách hàng quốc tế đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh với Việt Nam tại Hội nghị điều quốc tế 2016. Ảnh: N.M
Sau những phản ảnh của Vinacas, đại diện Liên hiệp, Hiệp hội điều châu Phi, Bờ Biển Ngà, Nigeria tại hội nghị điều quốc tế đều cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong việc kiểm soát chất lượng điều thô xuất khẩu vào Việt Nam. Phía châu Phi cũng đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cùng phối hợp, kiên quyết không mua điều thô kém chất lượng, kể cả giá thấp, để buộc các doanh nghiệp châu Phi phải thay đổi cách làm, cung ứng hạt điều đạt chuẩn hơn.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, Valancy International đã quyết định xây dựng một nhà máy gia công hạt điều tại Việt Nam (các năm trước chỉ có văn phòng đại diện). Không chỉ Ấn Độ, rất nhiều đối tác đến từ châu Âu, châu Mỹ và châu Phi đã đến Việt Nam đặt văn phòng đại diện, thành lập công ty, thậm chí xây dựng nhà máy để chế biến, gia công và kinh doanh, xuất khẩu hạt điều.
Chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 2011 đến nay, sản lượng hạt điều Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ đã tăng hơn 52%. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), hiện đất nước này đang chiếm thị phần xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, gần 35% với sản lượng hơn 95.000 tấn trong 10 tháng đầu năm 2016.
Tương tự, ông Joseph Lang- Giám đốc Công ty Kenko (đơn vị nhập khẩu các loại hạt ăn được vào châu Âu), cũng cho biết thị trường châu Âu 3 năm qua gia tăng nhập khẩu rất nhiều hạt điều từ Việt Nam. Hiện thị phần hạt điều Việt Nam nhập khẩu vào châu Âu đã chiếm tới 25%, vượt qua nhiều loại hạt truyền thống khác như hạt óc chó…
6 năm qua, kể từ năm 2010, năm ngành điều Việt Nam vượt qua mức xuất khẩu 1 tỷ USD, năm 2016, giá trị xuất khẩu hạt điều đã tăng trưởng gấp 3 lần, đạt 3 tỷ USD, sản lượng xuất khẩu trên 300.000 tấn, theo ước tính của Bộ Công Thương. Với kết quả này, năm 2016, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD). Như vậy, năm 2016 cũng sẽ là năm thứ 11 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều.
Yêu cầu duy trì chất lượng
Sản lượng, giá trị xuất khẩu gia tăng mạnh qua từng năm cũng tạo ra cho ngành điều Việt Nam áp lực thiếu nguồn nguyên liệu chế biến. Theo Vinacas, năm nay sản lượng hạt điều sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 400 nghìn tấn, trong khi nhu cầu chế biến của các doanh nghiệp lên đến 1,4 triệu tấn. Chính vì thế, Việt Nam phải nhập khẩu đến 1 triệu tấn điều thô về chế biến, con số kỷ lục nhất từ trước đến nay, trong đó nhập từ các nước châu Phi chiếm đến hơn 90%. Cung cầu nguyên liệu mất cân đối nghiêm trọng, chế biến xuất khẩu ngày càng phụ thuộc lớn hơn vào nguồn nguyên liệu bên ngoài, khiến cho ngành khó kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Theo báo cáo của Vinacontrol, đơn vị chuyên giám định điều thô nhập về Việt Nam, thì năm nay chất lượng hạt điều thô nhập về từ châu Phi chất lượng giảm rõ rệt. Hàng hoá khi về đến Việt Nam thường bị ẩm, mốc, mọc mầm..., nên tỷ lệ hàng hư hỏng cao. Điều này đã làm giảm uy tín hạt điều Việt Nam” – ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch Vinacas thông tin.
Chính vì thế, trước nhu cầu và yêu cầu của thế giới đã đặt ra cho ngành điều Việt Nam phải ngày càng nâng cao hơn việc kiểm soát và duy trì chất lượng hạt điều xuất khẩu. “Trước hơn 300 khách hàng, đối tác đến từ khắp nơi trên thế giới tại hội nghị điều quốc tế diễn ra tại Đà Nẵng cuối tuần qua, thay mặt ngành điều Việt Nam, Vinacas đã cam kết sản xuất xanh và sạch hơn, để đem đến những sản phẩm đạt chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường ngay từ năm 2016 này” – ông Nguyễn Đức Thanh-Chủ tịch Vinacas khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Để giải quyết bài toán kết nối cung cầu trong tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn cần phải xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn
Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh Thanh Hóa cho biết đã có kế hoạch chi tiết thanh toán nợ xây dựng cơ bản NTM với số tiền hơn 499,6 tỷ đồng
Phân bón Văn Điển chứa đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng mà cây dưa cần nên dưa khỏe, ngọn nở, lá dày và xanh đậm, dưa sai quả, năng suất cao, chất lượng tốt