Hấp Dẫn Trang Trại Cà Phê Chồn
Sau một thời gian khảo sát tìm hiểu, ông Nguyễn Quốc Minh từ TP.HCM đã quyết định lên Đà Lạt (Lâm Đồng) đầu tư 42 tỷ đồng để xây dựng trang trại trồng cà phê sạch - nuôi chồn và sản xuất chế biến cà phê chồn.
Ghé thăm trang trại cà phê của ông Nguyễn Quốc Minh tại số 135E Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP.Đà Lạt, chúng tôi được nghe ông kể về huyền thoại cà phê chồn cũng như ấp ủ hình thành trang trại của mình.
Kỳ công
Để có được trang trại quy mô rộng 2ha, ông Minh đã đầu tư 42 tỷ đồng mua lại vườn trồng cà phê Moka đang vào thời kỳ kinh doanh của người dân địa phương. Còn về giống chồn, ông đã khảo sát rất kỹ mới mua 120 con chồn hương (cầy vòi hương) từ Indonesia và tại Đăk Lăk, đảm bảo là giống có nguồn gốc, xuất xứ, lý lịch về gia phả rõ ràng.
Theo ông Minh, mỗi ngày một con chồn tiêu thụ khoảng 20-30gram trái cà phê tươi, cho ra khoảng 10gram cà phê nhân. Bình quân mỗi năm, ông Minh thu được 400kg cà phê chồn trong số 800kg cà phê nhân thu hoạch được.
Theo ông Minh, nếu như trồng cà phê theo kiểu truyền thống có thể thu hoạch lên tới 5 tấn/ha, nhưng ở đây, ông trồng theo hướng sạch, nghĩa là không bón phân hóa học, mà chỉ trồng xen cây đậu phộng và cây lục lạc nên năng suất và sản lượng cà phê không cao lắm, chỉ đạt 800kg/ha, nhưng chất lượng thì đảm bảo.
Do đây không phải mùa thu hoạch nên nhân công phải tìm mua trái cà phê chín cho chồn ăn. Thường chúng chỉ tiêu thụ 15 - 30% lượng thức ăn được cung cấp. Ngoài trái cà phê, để bảo đảm chất dinh dưỡng cho chồn, ông Minh còn bổ sung thịt gà, bò, heo, cháo đường, chuối...
Hàng năm, khi những chùm cà phê trên cây chín rộ, các chú chồn lại tìm đến thưởng thức và lựa chọn rất kỹ . Trái cà phê sau khi tiêu hóa, phần hạt sẽ được thải ra , người trồng cà phê đem về rửa sạch, rang vàng... Dưới tác dụng lên men của các enzym trong dạ dày chồn hương, mùi vị của cà phê bị biến đổi, tạo ra hương vị đậm đà.
Đắt giá
Mỗi kg cà phê chồn sản xuất ra, ông Minh bán với giá 20 triệu đồng, 200.000 đồng/ly. Hiện ông đang có mối đặt hàng tại một số khách sạn 5 sao và các khu resort. Ngoài kinh doanh, trang trại còn là nơi ông tiếp đón bạn bè đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng.
Ông cho biết đã ấp ủ ý tưởng này suốt 10 năm và tìm hiểu kỹ lưỡng các công đoạn để sản xuất ra ly cà phê chồn đầy phức tạp. Chồn sau khi nhằn phần vỏ trái cà phê chín mọng, chỉ có cùi được tiêu hoá, còn hạt được bài tiết ra, bao bên ngoài nhân là lớp vỏ thóc mỏng. Lớp vỏ này được bóc bỏ, rửa, sấy thật sạch rồi mới đem chế biến. Quá trình tiêu hoá tạo ra sự lên men của enzyme trong dạ dày chồn. Chính công đoạn đó sẽ tạo ra hương vị cà phê đặc biệt, độc đáo, chỉ có từ loài vật này mà thôi.
Cà phê chồn hay cà phê phân chồn là tên một loại cà phê đặc biệt, một thứ đồ uống được xếp vào loại hiếm nhất trên thế giới, hiện có giá 20 triệu đồng/kg hạt nhân khô. Trên thế giới chỉ một số nước sản xuất được loại cà phê này như Indonesia, Philippines, Ethiopia và Việt Nam... với số lượng rất hạn chế.
Tại Lâm Đồng đã có một số cơ sở trồng, chế biến loại cà phê này đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, nhưng riêng tại Đà Lạt, đây là trang trại đầu tiên được xây dựng. Hiện nay, du khách có thể vừa được thưởng thức cà phê chồn, vừa tham quan trang trại và mua sản phẩm ngay tại chỗ.
Có thể bạn quan tâm
Nguyên lý cơ bản của phương pháp này là các loài ong ký sinh được chọn lọc khi thả ra trên đồng ruộng sẽ tìm và đẻ trứng trên các sâu non của loài sâu tơ. Khi trứng nở ra, sâu non của ong ký sinh sẽ tiêu diệt sâu tơ bằng cách ăn hết phần thịt sâu tơ để hoàn thiện vòng đời sống ký sinh của mình là làm nhộng rồi vũ hóa thành ong trưởng thành.
Việc tìm ra những giải pháp để chống khô hạn và sa mạc hóa là vấn đề hết sức bức xúc cho các tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, vùng có khí hậu khô hạn và sa mạc hóa cũng có những thế mạnh riêng. Ví dụ như cây nho, cây thanh long, con cừu rất thích hợp phát triển ở những vùng khô hạn như Bình Thuận và Ninh Thuận.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong vụ lúa trung vụ năm 2011, hộ anh Huỳnh Văn Sên ngụ tại ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra cho vùng đất cù lao bốn bề sông nước này một triển vọng mới về phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.