Hành Tím Được Mùa, Được Giá Ở Nhơn Hải (Ninh Thuận)
Thu hoạch vụ hành tím năm nay, 950 hộ ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) rất khấn khởi vì được mùa, được giá. Nhơn Hải có diện tích đất nông nghiệp 2.482 ha, trong đó diện tích cây hành 45 ha.
Về thôn Mỹ Tường 1, vào một ngày cuối tháng 8, tiếp chúng tôi, nông dân Phạm Hải (43 tuổi), có thâm niên trong nghề trồng hành hơn 20 năm nay vui vẻ cho biết: “Do áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hành từ cán bộ nông nghiệp tỉnh chuyển giao, vụ hè - thu năm nay, gia đình trồng được 3 sào hành tím đạt năng suất cao.
Nếu cùng thời điểm những năm trước đây, 1 sào hành chỉ cho thu hoạch được 1,2 tấn, thì vụ này năng suất đã lên 1,5 tấn. Giá hành 25.000 đồng/kg, như vậy với 3 sào hành trong vụ này, trừ mọi chi phí còn thu lãi được 38 triệu đồng”. Trước đây, anh Hải và bà con trong thôn chỉ biết làm theo kinh nghiệm bảo quản giống bằng cách dùng thuốc ĐT trộn với tro than để rải lên củ hành giống dễ gây độc hại cho người.
Nhưng sau khi được tập huấn, anh biết cách dùng thuốc sinh học hay thuốc bảo vệ thực vật để xử lý giống trước lúc đưa vào kho cất giữ nên hành giống ít bị hư hao. Theo anh Hải, nếu làm đúng kỹ thuật như đã được tập huấn để bảo quản giống hành tím khi đem ra trồng, độ nảy mầm, sức tăng trưởng của cây con rất tốt.
Anh Nguyễn Văn Minh, ở thôn Mỹ Tường 2 không kém niềm vui như anh Hải vì hành được mùa. Anh đã áp dụng được kỹ thuật dùng phân chuồng ủ với nấm Trecoderme giúp phân nhanh hoai, khi đem bón cây hành dễ hấp thụ được phân nên phát triển rất tốt và cho năng suất cao. Anh cho biết: “Với kỹ thuật này, đất sẽ tơi xốp hơn, giúp cây hành sinh trưởng tốt và có sức đề kháng cao hơn.
Khi cây hành tiếp nhận được lượng phân này sẽ tạo ra những con vi sinh có lợi để diệt những vi khuẩn có hại”. Do anh Minh tận dụng được lượng phân chuồng từ đàn gia súc để ủ theo cách nói trên đã hạn chế việc dùng phân hóa học, tiết kiệm được một khoản chi phí đầu tư. Với 4 sào hành, vụ hè - thu năm nay khi thu hoạch trừ mọi chi phí, gia đình anh Minh lãi được 47 triệu đồng.
Anh Nguyễn Hữu Huyền Nhân, cán bộ Nông nghiệp xã Nhơn Hải cho biết: “Khi người dân đã nắm được kỹ thuật trồng hành, “đầu ra” cũng ổn định thì việc mở rộng diện tích loại cây trồng này là việc không khó. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là nguồn nước tưới”.
Được biết, thông qua Dự án Cạnh tranh nông nghiệp, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển giao khoa học công nghệ trong bảo quản giống và chăm sóc cây hành tím cho nông dân, vì vậy đã góp phần tăng năng suất cây trồng. Như vậy, với 45 ha cây hành tím ở xã Nhơn Hải, trong vụ hè - thu năm nay nông dân đã thu lãi khoảng 16 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Lâu nay, nông dân ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) trồng sắn theo phương thức quảng canh là chủ yếu nên năng suất thấp; đồng thời còn làm đất bị rửa trôi bạc màu, hoang hóa. Để sử dụng hợp lý tài nguyên đất canh tác sắn, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình trồng đậu phộng xen sắn trên đất đồi liên tục qua 4 vụ, chẳng những đã khắc phục được những tồn tại trên mà còn cho hiệu quả kinh tế cao.
Tháng 5-2012, Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông (Dak Lak) xây dựng mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm tại một số hộ dân trên địa bàn huyện. Qua 7 tháng thực hiện, đến nay những mô hình này đã bước đầu có hiệu quả, mang lại thu nhập khá cho người nuôi.
Mô hình ruộng lúa bờ hoa được Phòng Kinh tế TP Cà Mau triển khai tại xã An Xuyên và Lý Văn Lâm bước đầu cho năng suất cao, bình quân trên 6 tấn lúa/ha, lợi nhuận từ 19 - 21 triệu đồng/ha.