Giá / Tin nông nghiệp

Hàng nghìn tấn củ đậu chết dí tại ruộng

Hàng nghìn tấn củ đậu chết dí tại ruộng
Tác giả: Việt Tùng
Ngày đăng: 29/01/2016

Cây chủ lực của địa phương

Cây củ đậu mới được trồng ở xã Chu Điện (Lục Nam) khoảng chục năm nay.

Vì hợp với chất đất, củ đậu cho năng suất cao, chất lượng tốt, nên cho thu nhập gấp 3 – 4 lần trồng lúa, do đó nó nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực ở nơi đây.

Từ sự thành công của Chu Điện, cây củ đậu đã được nhân ra trồng ở các xã như: Bảo Sơn, Bảo Đài, Thanh Lâm, Khám Lạng…

Không có thương lái mua, nhiều hộ dân buộc phải đưa củ đậu ra ven quốc lộ, tỉnh lộ để bán lẻ cho khách đi đường, mong gỡ gạc được vài đồng.

Ông Hoàng Văn Bể - Bí thư Đảng ủy xã Chu Điện cho biết, xã có 580ha đất nông nghiệp, vụ đông năm nay gieo trồng khoảng 500ha, trong đó khoảng 80ha củ đậu, 60ha hành, còn lại là các rau màu khác.

“Phải khẳng định rằng củ đậu là cây trồng cho giá trị kinh tế cao, nếu huyện Lục Nam mới xây dựng cánh đồng 80 triệu đồng/ha, thì Chu Điện đã có cánh đồng 180 – 200 triệu đồng/ha, bởi đất ở đây được bà con luôn canh tác tới 4 – 5 vụ/năm” – ông Bể cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đức ở thôn Bình An, xã Chu Điện cho biết, ông đã trồng củ đậu 5 năm nay: “Trừ chi phí, trung bình mỗi sào thu về 7 – 8 triệu đồng/vụ (4 – 5 tháng), cao 3 – 4 lần trồng lúa.

Nhờ có củ đậu mà gia đình tôi và nhiều hộ khác có của ăn của để, xây được nhà cửa, nuôi con cái ăn học”.

Ông Tăng Văn Luật – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Lục Nam cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 300ha củ đậu, sản lượng ước đạt 7.500 – 8.000 tấn/vụ, với giá từ 4.000 – 5.000 đồng/kg, người dân thu về hàng chục tỷ đồng mỗi vụ.

“Ngoài cây lúa, huyện xác định cây na dai, hành, dứa, củ đậu là những cây mũi nhọn của địa phương.

Với năng suất củ đậu như hiện nay, chỉ cần giá đạt từ 4.000 đồng/kg là người dân có lãi” – ông Luật cho hay.

Có thị trường nhưng vướng về vận chuyển

Nếu thời điểm này năm ngoái, người dân đã tiêu thụ được 70 – 80% sản lượng củ đậu, thì nay mới chỉ tiêu thụ được khoảng 40%, trong khi đó giá lại thấp hơn năm ngoái tới 1.000 – 2.000 đồng/kg, vì không có thương lái về mua.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ 10 – 20% củ đậu được tiêu thụ trong tỉnh, còn hơn 80% sản lượng chủ yếu được thương lái ở Hà Nội, Hải Dương… lên thu mua tại ruộng, rồi đưa đi khắp nơi để tiêu thụ, nhưng năm nay rất ít thương lái về thu mua và họ trả giá rất thấp.

Mặc dù tỉnh khuyến khích các địa phương trồng, nhưng hiện tỉnh vẫn chưa lo được đầu ra cho sản phẩm.

Củ đậu tắc đầu ra, chủ yếu do khâu vận chuyển bị hạ tải trọng, thương lái hết lãi nên không mặn mà.

Việc này ngoài sự kiểm soát của Sở, hiện chúng tôi cũng đang rất lo lắng tìm cách tháo gỡ khó khăn này”.

Ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang

Không có thương láithu mua, nhiều hộ đành đào củ, rồi đưa lên ven quốc lộ, tỉnh lộ bán cho khách qua đường.

Bà Nguyễn Thị Tâm (xã Chu Điện) trồng 3 sào củ đậu, nhưng mới bán được nửa sào, sợ củ hỏng, mấy ngày nay bà đành chở ra tỉnh lộ bán cho khách qua đường.

“Năm ngoái tôi cũng trồng 3 sào, nhưng bằng giờ đã bán hết rồi, mà giá lại cao (5.000 đồng/kg), nay chỉ 2.500 – 3.000 đồng/kg nhưng cũng chẳng có thương lái mua, có chăng chỉ bán cho vài khách qua đường” – bà Tâm buồn rầu cho hay.

Theo bà Tâm, sở dĩ năm nay thương lái ít “ăn” củ đậu, vì quy định hạ tải trọng xe tải, trong khi đó củ đậu rất nặng, mặc dù chở bằng đúng kích thước thùng nhưng vẫn quá tải, nên thương lái rất ngại “ăn” mặt hàng này.

Tương tự, tại các xã Trù Hựu (Lục Ngạn), xã Đồng Kỳ (Yên Thế) hàng trăm, hàng nghìn tấn củ đậu cũng đang nằm im ngoài ruộng, mà chẳng có thương lái nào hỏi mua.

Gặp chúng tôi, anh Lê Văn Thành -thương lái ở Hà Nội thường xuyên “ăn” củ đậu ở Chu Điện than: “Củ đậu nặng như đá, nếu xe 1,5 tấn chở đúng tải thì không đủ tiền xăng dầu chứ nói gì có lãi.

Mà đâu chỉ có tiền xăng dầu, còn tiền cầu đường và trăm thứ tiền nữa.

Hồi đầu tháng tôi “ăn” mấy chuyến, nhưng tính ra chỉ “huề”, có chuyến còn lỗ”.

Anh Thành cho biết thêm, thị trường nhu cầu củ đậu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận rất lớn, giá cả còn cao hơn năm ngoái, nhưng vì phải chở đúng tải, nên giá tại ruộng buộc phải hạ xuống.

Giá bán ra chênh lệnh không nhiều, nên nhiều người ngại buôn mặt hàng này.

Ông Hoàng Văn Bể tỏ ra rất lo lắng, khi hàng nghìn tấn củ đậu ở xã đã đến kỳ thu hoạch, nhưng không bán được.

“Chúng tôi đã kiến nghị lên huyện và nghe nói huyện cũng đã kiến nghị lên tỉnh để tỉnh can thiệp, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Nếu không có biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vận tải, thu mua củ đậu, thì thiệt hại mà người dân phải gánh chịu là rất lớn”- ông Bể nói.


Có thể bạn quan tâm

Nông dân có vốn, uy tín hội tăng cao Nông dân có vốn, uy tín hội tăng cao

Bà Nguyễn Thị Cẩm Phương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân (ND) tỉnh Hòa Bình chia sẻ với Dân Việt xung quanh kết quả 5 năm (2011-2015) địa phương này xây dựng và phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND).

29/01/2016
Khởi nghiệp từ nông nghiệp hãy cứ dấn thân Khởi nghiệp từ nông nghiệp hãy cứ dấn thân

“Lúc tôi khởi nghiệp, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, sự hỗ trợ của xã hội lúc đó gần như không có gì. Nhưng như vậy không thể cản được khao khát khởi nghiệp của chúng ta”- đó là chia sẻ chân tình của ông Nguyễn Lâm Viên- Tổng Giám đốc Công ty Vinamit - tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp khởi nghiệp do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức mới đây.

29/01/2016
Khai thác được gần 1.500 tấn cá ngừ đại dương Khai thác được gần 1.500 tấn cá ngừ đại dương

Theo Bộ NNPTNT, trong tháng 1, sản lượng thủy sản khai thác tăng gần 3% và nuôi trồng tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, ước tính sản lượng khai thác thuỷ sản đạt 216.000 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khai thác biển ước đạt 205.000 tấn, tăng 2,5%; khai thác nội địa ước đạt 11.000 tấn, tăng 10%.

29/01/2016