Giá / Tin nông nghiệp

Hạn chế sượng cơm sầu riêng sau hạn mặn

Hạn chế sượng cơm sầu riêng sau hạn mặn
Tác giả: Hồng Huệ
Ngày đăng: 19/05/2021

Tình hình hạn mặn năm 2020 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây sầu riêng ở nhiều địa phương ĐBSCL, nhất là tình trạng bị sượng cơm rất phổ biến.

Các nhà khoa học khuyến cáo, sau hạn mặn năm 2020 ở ĐBSCL, việc canh tác sầu riêng đảm bảo chất lượng sẽ càng khó khăn, đòi hỏi nhà vườn phải chú ý kết hợp nhiều yếu tố, trong đó việc nắm vững thực hành đúng quy trình canh tác rất quan trọng.

Cụ thể, cần tuân thủ việc chỉ để trái khi cây sầu riêng hoàn toàn phục hồi, chế độ chăm sóc, quản lý độ ẩm, nước tưới và dinh dưỡng ở giai đoạn nuôi trái phải được đảm bảo.

Đối với hiện tượng sầu riêng bị “sượng”, thường gặp khác nhau tùy theo giống. Như ở giống sầu riêng Monthong, thường gặp hiện tượng cơm cứng, cơm cứng và mất màu hay cơm bị nhão. Trên giống sầu riêng RI 6 chủ yếu là “cháy múi”, với biểu hiện là phần cơm có màu nâu hay bị biến dạng.

Với giống sầu riêng sữa hạt lép là hiện tượng cơm nhão, mềm hoặc cháy vách múi, cơm phát triển không đều… Yếu tố giống không hoàn toàn quyết định hiện tượng bị “sượng” này, mà chủ yếu do biện pháp canh tác. Trong đó, các biện pháp canh tác gây “sượng” thường do các nguyên nhân sau:

- Sự cạnh tranh dinh dưỡng trong quá trình phát triển trái. Theo đó, trong giai đoạn 8 - 12 tuần sau khi đậu, trái phát triển phần cơm rất mạnh, có thể đạt 16 g/trái/ngày nên khi cây ra đọt non sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh chất dinh dưỡng khiến cơm trái không phát triển bình thường, dẫn đến hiện tượng “sượng”. Việc này thường liên quan đến kỹ thuật bón phân như bón thừa phân đạm và quản lý nước.

- Quản lý nước trong vườn sầu riêng ở giai đoạn trái phát triển là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng trái.

Mưa hay tưới nước quá nhiều làm gia tăng ẩm độ đất, cây hút nhiều nước sẽ gây hiện tượng cơm nhão, đồng thời kích thích cây ra đọt non gây sự cạnh tranh dinh dưỡng với trái đang phát triển.

- Một nguyên nhân nữa là do rối loạn dinh dưỡng. Sự mất cân bằng trong trái cũng có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng rối loạn sinh lý trong trái, trong đó, can-xi và ma-nhê là hai chất có ảnh hưởng đến hiện tượng trái chín không đồng đều.

Hiện tượng cháy múi được cho là do thiếu chất Bo. Sự mất cân bằng giữa can-xi, ma-nhê và kali cũng là yếu tố gây ra hiện tương cứng cơm và mất màu trên giống sầu riêng Monthong. Kali có tương quan nghịch với can-xi và ma-nhê. Bón nhiều phân kali nhưng thiếu can-xi và ma-nhê cũng gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng và làm cho sầu riêng bị sượng.

Ngoài ra, bón phân có chứa chlor (như phân KCl hay các loại phân hỗn hợp N:P:K có chứa nguyên liệu là KCl) cũng là nguyên nhân làm cho sầu riêng bị sượng. Nguyên tố chlor làm cho cơm trái sầu riêng tích nhiều nước, làm giảm phẩm chất cơm.

Theo các nhà khoa học, sau khi cây sầu riêng đã hoàn toàn phục hồi, và cho trái trở lại, ở giai đoạn nuôi trái, để đảm bảo năng suất, chất lượng trái, nhất là khắc phục hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng, nhà vườn nên áp dụng các kỹ thuật:

Quản lý nước

- Giữ mực nước trong mương vườn ở độ sâu 60 - 80 cm từ mặt liếp sau khi đậu trái nhằm không làm gia tăng ẩm độ đất. Giai đoạn trước khi thu hoạch 25 - 30 ngày nên rút nước trong mương khô cạn để thúc đẩy quá trình trưởng thành và chín của trái, phủ mặt liếp bằng plastic trong mùa mưa để hạn chế hiện tượng nhão cơm.

Trong giai đoạn thu hoạch, nếu có mưa lớn nên ngừng thu hoạch, rút nước trong mương ra, sau 3 - 5 ngày mới thu hoạch trở lại.

- Nên kích thích cho cây ra hoa sớm và tập trung để có thể thu hoạch trong mùa khô sẽ ít bị sượng hơn trong mùa mưa.

Cần giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng với trái. Hạn chế sự ra đọt non trong giai đoạn phát triển trái

Bón phân đúng, và cân đối. Không nên bón thừa trong giai đoạn phát triển trái, đặc biệt là phân đạm, không dùng phân có chứa Chlor, như phân KCl.

Cây sầu riêng cần nhiều kali, và các chất trung vi lượng, đặc biệt là giai đoạn trái trưởng thành và chín. Vì vậy, bón đủ kali và các chất trung vi lượng sẽ làm cho cơm có màu vàng đậm, vị ngọt hơn. Sử dụng phân chuyên dùng cho cây ăn trái với thành phần kali trong phân là kali sunfat.

Cụ thể:

Phun phân bón lá có chứa Bo giai đoạn 15 - 20 ngày sau khi đậu trái để hạn chế hiện tượng cháy múi do thiếu chất Bo.

Giai đoạn 1 tháng sau khi đậu trái, bón phân có tỷ lệ NPK là 4:3:1 như Đầu Trâu NPK 20-15-5+TE, lượng bón từ 1-3 kg/cây.

Giai đoạn tiếp theo sau đậu trái khoảng 80-90 ngày, khi cơm sầu riêng bắt đầu phát triển, sử dụng phân bón Đầu Trâu Nuôi Trái NPK 14-7-21+TE hoặc NPK 15-5-20+TE (của Công ty CP Phân bón Bình Điền), lượng bón từ 3-4 kg/gốc, tùy theo cây lớn hay nhỏ và năng suất trái nhiều hay ít.

Các nhà khoa học cũng khuyến cáo, hiện tượng sượng cơm trái sầu riêng khác nhau tùy giống, cần phân biệt rõ để có biện pháp khắc phục thích hợp và hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

Ngành điều bất ngờ nhập siêu sau 16 năm liên tục xuất siêu Ngành điều bất ngờ nhập siêu sau 16 năm liên tục xuất siêu

4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu điều nhân đạt 152 nghìn tấn và 894 triệu USD, tăng 8,6% về khối lượng nhưng giảm 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020

19/05/2021
Trồng xen, luân canh mì cho hiệu quả gấp 3 lần độc canh Trồng xen, luân canh mì cho hiệu quả gấp 3 lần độc canh

Giải pháp xen canh, luân canh trên đất trồng mì (sắn) vừa bảo vệ đất khỏi bạc màu, rửa trôi vừa cho hiệu quả cao gấp 3 lần phương pháp độc canh.

19/05/2021
Cải tiến năng suất thủy cầm thông qua di truyền chọn lọc giống Cải tiến năng suất thủy cầm thông qua di truyền chọn lọc giống

Những năm qua, chăn nuôi thủy cầm Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, năng suất, sản lượng và di truyền giống đóng vai trò quan trọng trong thành công đó.

19/05/2021