Hà Tĩnh hạn chế gieo thẳng 'né' rét hại
Đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất vụ xuân 2018 của nông dân tỉnh Hà Tĩnh.
Rét đậm những ngày qua ảnh hưởng đến tiến độ làm đất tại các địa phương
Để hạn chế tối đa việc lúa, mạ chết rét, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương hướng dẫn bà con che phủ ni lông cho mạ, đặc biệt, đối với những diện tích gieo thẳng khuyến cáo bắc mạ dự phòng tại chân ruộng để xen dặm khi lúa bị chết rét.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo được hơn 528ha mạ (tương ứng với diện tích cấy khoảng hơn 9.300ha); diện tích gieo thẳng 150ha.
Ngay từ thời điểm triển khai đề án sản xuất vụ xuân 2018, nhận định tình hình thời tiết sẽ có nhiều đợt rét đậm, rét hại nên tỉnh đã quán triệt các địa phương hướng dẫn bàn con gieo mạ phủ nilon và bắc trên chân ruộng nhằm tiết kiệm thời gian, công vận chuyển và tiện chăm sóc.
“Mấy hôm nay nền nhiệt chủ yếu dao động từ 10 - 12oC. Tuy chưa ảnh hưởng đến diện tích mạ và lúa gieo thẳng nhưng cũng làm chậm tiến độ làm đất của bà con”, một lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Tĩnh thông tin.
Tại huyện Đức Thọ, công tác phòng chống rét cho mạ đang được nông dân cấp tập triển khai. Theo đó, ngoài “đóng thùng” che chắn bằng ni lông, bà con còn vượt qua thời tiết giá rét đưa nước về đồng giữ ấm cho mạ.
Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ cho biết, thời tiết lạnh hiện nay chưa có gì đáng ngại nhưng rút kinh nghiệm từ mùa rét những năm trước huyện đã khuyến các người dân dự trữ một số giống lúa ngắn ngày, phòng khi có diện tích mạ chết rét kịp thời bắc bổ sung.
Vụ xuân năm nay, Đức Thọ đặt kế hoạch gieo cấy 6.500ha, cơ cấu 6 giống lúa chủ lực gồm P6, nếp, Nhị ưu 838, VTNA2, RVT và HT1. Đến thời điểm này, các địa phương đã gieo được 200ha mạ (tương ứng diện tích cấy khoảng 5.000ha); diện tích mạ xuân muộn còn lại sẽ xuống giống sau đợt rét đậm này. Ngoài chủ động phòng chống rét cho mạ, huyện cũng động viên bà con tranh thủ làm đất, khi mạ đủ tuổi tập trung cấy xong trước Tết Nguyên đán.
Hầu hết diện tích mạ đều được che phủ ni lông chống rét
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa ban hành Công điện yêu cầu cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát đồng ruộng, kiểm tra và bổ cứu kịp thời công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi; cân đối, chủ động các phương án đảm bảo nguồn giống cây trồng, tuyệt đối không được để thiếu giống phục vụ sản xuất; có kế hoạch chuẩn bị giống ngắn ngày dự phòng trong điều kiện rét đậm, rét hại kéo dài gây chết mạ, chết lúa gieo thẳng; siết chặt công tác quản lý nhà nước về việc kinh doanh vật tư nông nghiệp, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.
Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh khuyến cáo, đối với những diện tích mạ đã bắc bà con tuyệt đối không bón thúc phân đạm, duy trì đủ nước tạo điều cho mạ sinh trưởng tốt, theo dõi rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn để chủ động phòng trừ trước khi xuống cấy, không xuống cấy khi nhiệt độ dưới 15oC.
Diện tích lúa đã gieo thẳng, đảm bảo chế độ nước thích hợp với sinh trưởng của lúa trên đồng ruộng, không được để ruộng thiếu nước hoặc ngập úng, khi thời tiết thuận lợi tiến hành chăm sóc, không bón đạm vào những ngày nhiệt độ dưới 15oC.
Với trà bắt đầu xuống giống (các giống Nhị ưu 838, Nếp 98, Nếp 87, Hương thơm 1, Khang dân 18, Khang dân đột biến, VTNA2), thời vụ xuống giống trùng với đợt rét sắp tới nên bố trí cuối lịch thời vụ để tránh rét, đối với ruộng gieo thẳng tiến hành bắc mạ dự phòng có phủ nilon góc ruộng để dặm tỉa; trường hợp đã ngâm ủ khuyến cáo bắc mạ che phủ nilon đúng quy trình kỹ thuật.
Có thể bạn quan tâm
Cây hoa hồng leo Hoàng Kiều 193 là một loài hoa có bông to màu vàng cam độc đáo với hương thơm quyến rũ, nồng nàn
TS Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả và cộng sự đã chọn lọc thành công 5 giống vải chín sớm, đáp ứng nhu cầu sản xuất đại trà.
Tại An Giang, nhiều diện tích chuyên canh 3 vụ lúa đã chuyển 2 vụ lúa qua trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sản xuất luân canh 1 vụ lúa 1 vụ sen