Gương Mẫu Làm Giàu
Tác giả:
Ngày đăng: 30/06/2012
Sắp xếp thời gian hợp lý để vừa hoàn thành phần việc đảm trách ở xã, vừa phát triển kinh tế gia đình là cách làm của ông Đinh Đức Bân - Chủ tịch Hội ND xã Nam Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Năm 2001, ông Bân được hội viên tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội ND xã Nam Phong.
Thấy lợi ND sẽ vào Hội
Nói về những ngày đầu làm “thủ lĩnh nông dân”, ông Bân chia sẻ: "Tôi từng làm ở HTX nông nghiệp, có ít nhiều kiến thức về lĩnh vực nông nghiệp, nhưng làm Chủ tịch Hội ND, tôi hiểu công tác nông vận không hề đơn giản. Xã Nam Phong có 908 hộ, trong đó 85% là đồng bào dân tộc Mường. Lâu nay, bà con chỉ lo sản xuất chứ không quan tâm đến sinh hoạt Hội ND".
Ông Bân suy nghĩ, muốn thu hút ND vào Hội, trước hết Hội phải giúp bà con phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập. “Tôi cũng là người dân tộc Mường nên hiểu tập quán sản xuất của bà con. Lâu nay, bà con trồng trọt, chăn nuôi theo kinh nghiệm truyền nhau. Bà con chỉ áp dụng tiến bộ kỹ thuật nếu tận mắt thấy hiệu quả của nó. Tôi và các cán bộ trong BCH Hội làm trước, từ đó bà con tự nguyện học và làm theo"- ông Bân chia sẻ.
Không chỉ đem kiến thức đến cho ND, ông Bân chỉ đạo Hội ND xã liên kết với các doanh nghiệp bán phân bón theo phương thức trả chậm cho ND. Hàng năm, Hội mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho hội viên ND. "Trước đây, bà con nuôi lợn 6 tháng mới xuất chuồng được một lứa. Có kiến thức, bà con nuôi 3-4 tháng là xuất chuồng một lứa lợn, theo đó thu nhập của các hộ cũng tăng gấp đôi".
Với nội dung hoạt động thiết thực, ngày càng nhiều ND tự nguyện vào Hội. Nếu như năm 2001, cả xã mới có 260 hội viên ND, năm 2011 con số này là 753 người; trong đó 591 hội viên là đồng bào dân tộc Mường.
Cán bộ gương mẫu
Ông Bân bảo, để vận động ND thay đổi nếp nghĩ, cách làm không đơn giản. Trước hết cán bộ phải làm trước cho bà con nhìn thấy kết quả rồi mới vận động, thuyết phục họ.
Những lần tổ chức cho hội viên ND đi tham quan các mô hình sản xuất giỏi ở trong và ngoài huyện, ông Bân thấy, đồng đất ở địa phương thích hợp với cây mía, chăn nuôi, ông quyết định đầu tư vào trồng mía và nuôi trâu bò.
Dưới sự lãnh đạo của ông Bân, nhiều năm liền, Hội ND xã Nam Phong được Hội ND tỉnh xếp loại vững mạnh. Cá nhân ông Bân được Hội ND tỉnh, huyện tặng nhiều giấy khen.
Năm 2011, thực hiện dự án trồng cây nguyên liệu cho Lâm trường Kỳ Sơn, ông Bân trồng mía trên diện tích đất canh tác của gia đình. Ông áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã được học; tận dụng phân chuồng từ chăn nuôi trâu, bò nên mía của ông đạt năng suất cao.
Năm 2011, riêng lợi nhuận từ trồng mía, ông thu 300 triệu đồng. Lá mía ông cho trâu, bò ăn. Hiện đàn trâu, bò gia đình ông có 40 con. Năm 2011, tiền lãi từ bán trâu, bò được 33 triệu đồng.
Ông Bân tiết lộ, năm 2011, tổng cộng thu nhập từ mía, lúa, chăn nuôi của gia đình ông là hơn 400 triệu đồng. Hàng năm, trang trại của gia đình ông còn tạo việc làm thời vụ cho 150 - 200 lao động với thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/ người/tháng.
Có kiến thức, kinh nghiệm, ông Bân hướng dẫn lại bà con trong làng, ngoài xã để cùng ông làm giàu. “Ông Bân là tấm gương trong phát triển kinh tế, là Chủ tịch Hội gương mẫu, nhiệt tình, trách nhiệm”- đó là nhận xét của hội viên, ND xã Nam Phong về “thủ lĩnh” của họ.
Có thể bạn quan tâm
Lúa Gạo Bất Ngờ Quay Đầu Giảm Giá
Sau hơn một tuần giá lúa gạo thị trường nội địa tăng mạnh, khoảng 600 – 700 đồng/kí lô gam thì hiện bất ngờ đã quay đầu giảm trở lại.
30/06/2012
Gắn Chíp Điện Tử Để Quản Lý Cá Tra Bố Mẹ Chọn Giống
Đây là một trong những quy định tại Quy chế quản lý cá tra bố mẹ chọn giống do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký quyết định ban hành.
30/06/2012
Xây Chuồng Chống Lũ Cho Lợn
Với tập quán chăn nuôi truyền thống, từ bao đời nay đa phần người dân vùng nông thôn vẫn làm chuồng nuôi lợn ở vị trí thấp. Cũng chính vì cách chăn nuôi truyền thống này mà mỗi khi có lũ lớn xảy ra, người chăn nuôi thường bị thiệt hại rất nhiều.
30/06/2012