Giá / Mô hình kinh tế

Gỡ Khó Cho Xuất Khẩu Cá Tra

Gỡ Khó Cho Xuất Khẩu Cá Tra
Tác giả: 
Ngày đăng: 29/03/2013

Điều quan trọng hiện nay là các hộ nuôi và doanh nghiệp cố gắng tập trung vào chất lượng để nâng cao uy tín cho mặt hàng xuất khẩu chủ lực này. 
Ngày 27-3, tại tỉnh Đồng Tháp, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra để bàn cách tháo gỡ khó khăn trước việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu bất thường đối với mặt hàng này của Việt Nam. 
Thích ứng với sản phẩm giá cao

Nhiều ý kiến cho rằng các DN đoàn kết lại để cùng với các luật sư đi tới cùng vụ kiện về việc áp thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Tuy nhiên, về lâu dài, việc quan trọng nhất là tăng chất lượng sản phẩm và chấm dứt tình trạng tranh mua, tranh bán trong nước. 
Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ kiêm Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, ông rất muốn biết các DN xuất khẩu cá tra hiện nay đang gặp khó gì để cùng nhau tìm cách tháo gỡ chứ không muốn chỉ bàn về vụ kiện chống bán phá giá của DOC. 
Ông Dũng cho biết sắp tới, hiệp hội sẽ cùng với các tỉnh thống nhất về sản lượng nuôi cá tra và những phân tích, dự đoán về thị trường tiêu thụ cho các DN để tránh cung vượt cầu. Đồng thời, bắt đầu từ thời điểm này, các tỉnh nên tăng ngân sách hỗ trợ DN xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu cũng như chế biến xuất khẩu theo đúng tiêu chuẩn. 
“Chúng tôi muốn các DN nói thật những khó khăn của đơn vị mình để VCCI đề xuất với Chính phủ một cách phù hợp. Còn việc các DN đang thiếu vốn là có thật và rất cần lãnh đạo các tỉnh quan tâm tìm biện pháp hỗ trợ” - ông Dũng đề nghị. Theo ông Dũng, các DN muốn tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ cần phải sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, dù có tốn kém thêm chi phí. 
Ngăn chặn làm ăn gian dối

Theo Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến cá tra xuất khẩu các tỉnh, thành ĐBSCL, trong 3 tháng đầu năm nay, giá cá tra nguyên liệu dao động 19.000 - 22.000 đồng/kg. Với mức giá này thì người nuôi cá cầm chắc lỗ, ít nhất là 3.000 đồng/kg. 
Bà Trương Tuyết Phương, Phó Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn, cho biết từ lâu Mỹ luôn là thị trường đầy tiềm năng nhưng cũng lắm rủi ro. Do đó, các DN khi mới xuất khẩu vào thị trường này phải có sự thỏa thuận chung về giá cả. Cứ đua nhau hạ giá bán thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối. 
Theo bà Phương, hiện còn nhiều DN làm ăn dối trá như tăng trọng hoặc mạ băng để xuất khẩu với giá thấp. Việc này làm cho các DN nhỏ hoặc chịu mức thuế cao đã phải chuyển sang thị trường khác như châu Âu hay một số nước ở châu Á. Trong khi đó, để cấp được giấy chứng nhận hoặc tư vấn xây dựng vùng nuôi cá nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap hay ASC thì phải chịu khoản phí rất lớn. 
Ông Châu Văn Liệt, Phó Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long, cho rằng việc các DN trong nước sử dụng cách tăng trọng hay mạ băng cho cá tra phi lê nặng hơn là có phần do nhà nhập khẩu yêu cầu. Do vậy, nên chăng chúng ta chấp nhận tăng giá thành sản xuất, nâng giá bán tại thị trường Mỹ để có lợi hơn. Điều quan trọng hiện nay là các hộ nuôi và DN cố gắng tập trung vào chất lượng để nhà nhập khẩu không còn cớ gì gây khó cho sản phẩm cá tra của Việt Nam. Nhà nước cần mạnh tay xử lý những DN làm ăn dối trá để giữ uy tín cho mặt hàng xuất khẩu chủ lực này ở ĐBSCL cũng như cả nước. 
Cần nhìn nhận những yếu kém

TS Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ kiêm Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp, cho rằng từ nay đến năm 2015, nếu Việt Nam thắng kiện DOC thì sẽ được rất nhiều thứ. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên nhìn nhận những yếu kém nội tại. Hiện có rất nhiều DN cho tỉ lệ mạ băng đến 60% - 70% so với trọng lượng thực của miếng cá tra phi lê xuất khẩu, trong khi theo quy định của Bộ NN-PTNT thì tối đa không quá 20%. 
Trung ương nên có các biện pháp siết chặt về quy hoạch vùng nuôi từ con giống cá tra cho đến khi chế biến xuất khẩu ở từng tỉnh, thành một cách cụ thể. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ kịp thời cho mặt hàng chủ lực này.


Có thể bạn quan tâm

Phần Lớn Hợp Tác Xã Nuôi Nghêu Ở Ngọc Hiển Tan Rã Ở Cà Mau Phần Lớn Hợp Tác Xã Nuôi Nghêu Ở Ngọc Hiển Tan Rã Ở Cà Mau

Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.

29/03/2013
Tổ Chức Hội Thảo “Nuôi Nghêu Theo Tiêu Chuẩn MSC” Ở Trà Vinh Tổ Chức Hội Thảo “Nuôi Nghêu Theo Tiêu Chuẩn MSC” Ở Trà Vinh

Tiêu chuẩn MSC bao gồm 23 tiêu chí lớn thuộc 3 nguyên tắc cơ bản. Để được chứng nhận MSC, nghề nuôi nghêu phải đảm bảo các tiêu chí khoa học rất nghiêm ngặt như: không khai thác bừa bãi làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, nếu có suy giảm phải bảo đảm điều kiện tái khôi phục nguồn lợi; có hệ thống quản lý nghề khai thác hữu hiệu, tuân thủ luật lệ, công ước và các tiêu chuẩn quốc tế…

29/03/2013
29/03/2013