Giá / Mô hình kinh tế

Giúp Dân Vùng Thủy Điện Phát Huy Lợi Thế

Giúp Dân Vùng Thủy Điện Phát Huy Lợi Thế
Tác giả: 
Ngày đăng: 23/08/2013

Các cấp Hội Nông dân (ND) ở Quỳnh Nhai (Sơn La) đã chủ động xây dựng kế hoạch vận động hội viên, ND phát huy nội lực, xây dựng bản làng ấm no, ổn định và phát triển.

Sau khi di dân khỏi lòng hồ Thuỷ điện Sơn La, điều kiện sản xuất của ND Quỳnh Nhai thay đổi do phần lớn đất ruộng bị ngập chìm, diện tích canh tác chủ yếu trên đất nương, dốc và mặt nước lòng hồ với nghề mới là chăn nuôi, đánh bắt thuỷ sản.

Tích cực sản xuất

Ông Hoàng Văn Khơi, ND bản Hé, xã Mường Chiên, cho biết: Sau khi lòng hồ tích nước, diện tích lúa ruộng bị ngập hết, cán bộ Hội ND cùng khuyến nông hướng dẫn chúng tôi nhanh chóng chuyển đổi sản xuất với nhiều loại cây, con giống phù hợp với điều kiện mới.

Cây lúa nương, cây sắn, cây ngô bây giờ là 3 loại cây trồng chủ yếu của chúng tôi. Vật nuôi cũng được chú trọng nhân đàn để làm hàng hoá, tăng nguồn thu. Ít vốn thì nuôi vịt, nuôi gà; nhiều vốn hơn thì nuôi lợn, dê, bò... Nhờ thế, tuy điều kiện sống và sản xuất thay đổi lớn nhưng thu nhập của người dân vẫn đảm bảo, tâm lý bà con ổn định nhanh hơn.

Nuôi cá theo hướng sản xuất hàng hoá là một nghề mới với ND Quỳnh Nhai để tận dụng lợi thế rất lớn của địa phương với hàng triệu m2 mặt nước. Hội đã phối hợp với các doanh nghiệp, khuyến nông chuyển giao thành công nghề nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản cho ND.

Đóng góp việc công

Ngay trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, việc tiêm phòng dịch trước đây chưa được bà con chú trọng nhưng nay thì đã thay đổi nhiều. Ông Lò Văn Tăng -Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Sơn La, cho biết: Nhận thức về việc tiêm phòng dịch cho gia súc, gia cầm của bà con Quỳnh Nhai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bà con chủ động đề xuất, thông tin với cán bộ thú y để phối hợp bảo vệ tốt vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại và nhân đàn nhanh. Khi một hộ ND biết tự giác bảo vệ vật nuôi thì lợi thế về con vật nuôi hàng hoá của cả địa bàn sẽ được nâng lên.

"Khi nước lòng hồ mới dâng, nhìn mặt nước mênh mông đã thấy run, chả mấy ai dám ra hồ bắt cá. Nay thì khác rồi, ai cũng biết cách kiếm cơm từ lòng hồ này: Thả đó, trúm, lờ, đánh lưới, kéo vó, hớt tôm dạt...Tính ra ngày ít cũng thu được khoảng trăm ngàn đồng”.Chị Hoàng Thị Thuyết, ND bản Kích, xã Pắc Ma Pha Khinh

Không chỉ chăm lo cho lợi ích riêng mình, hội viên, ND Quỳnh Nhai còn tích cực đóng góp ngày công, tiền của vào công việc chung mỗi khi Hội ND vận động. Bà Hoàng Thị Thành - Chủ tịch Hội ND huyện Quỳnh Nhai cho biết: Từ đầu năm đến nay, Hội đã vận động bà con sửa chữa được 181 công trình thuỷ lợi, dọn được 125,5km kênh, mương dẫn nước với khối lượng đất, đá, rác thải lên tới cả ngàn m3. Số ngày công nhân dân đóng góp lên tới gần 20.000 công và trên 4.200 cây tre, nứa. Trị giá huy động sức dân lên tới gần 1 tỷ đồng. Điều đó phần nào nói lên hiệu quả hoạt động hội với ND huyện Quỳnh Nhai.


Có thể bạn quan tâm

Người Nuôi Lợn Ngại Tái Đàn Người Nuôi Lợn Ngại Tái Đàn

Khi hàng nông sản nào được giá, bán chạy, nông dân lại đổ xô vào đầu tư nuôi, trồng. Vậy mà lần này, giá thịt lợn cao ngất ngưởng, người chăn nuôi ở miền Bắc vẫn chẳng muốn tái đàn, hoặc nếu có cũng chỉ nuôi cầm chừng

23/08/2013
Hàng Việt Về Quê: Quá Ít DN Tham Gia Hàng Việt Về Quê: Quá Ít DN Tham Gia

Để giúp các DN SXKD trong nước từng bước chiếm lĩnh thị trường nông thôn, đồng thời để bà con các địa phương có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao, giá rẻ, năm 2011, Sở Công thương Nghệ An đã tổ chức cho các DN triển khai chiến dịch đưa hàng Việt về các huyện.

23/08/2013
Liên Tổ Trồng Rau An Toàn Ở Tân Phú Trung (Củ Chi) Liên Tổ Trồng Rau An Toàn Ở Tân Phú Trung (Củ Chi)

Liên tổ SX RAT Tân Phú Trung hiện có 5 tổ hợp tác với khoảng 100 xã viên, bao gồm: tổ SX ấp Đình, tổ ấp Xóm Đồng, tổ ấp Bến Đò, tổ ấp Giòng Sao, và tổ ấp Cây Da. Tổng diện tích canh tác 60ha, trong đó 50ha trồng các loại rau ăn quả như: bầu, bí, dưa leo, khổ qua, đậu bắp… và 10ha trồng các các loại rau ăn lá như: rau muống, rau mồng tơi, rau dền, cải xanh, cải ngọt…

23/08/2013