Giá / Trồng lúa

Giống lúa Hưng Long 555 được cả năng suất, chất lượng

Giống lúa Hưng Long 555 được cả năng suất, chất lượng
Tác giả: Nguyễn Hải Tiến
Ngày đăng: 07/10/2020

Ngoài giống lúa thuần Hưng Long 555 triển vọng cao, IAS còn có nhiều giống lúa tiềm năng khác như Bắc hương 9, Rồng đỏ 234, Nếp thơm Thiên thảo…

Nhà nông đến từ các tỉnh, thành miền Bắc tham quan mô hình ở Ân Thi.

Cty CP Giống nông nghiệp Quốc tế (IAS) vừa tổ chức hội nghị kỷ niệm 5 năm thành lập, tri ân khách hàng và ra mắt sản phẩm mới – giống lúa thuần Hưng Long 555 tại huyện Ân Thi, Hưng Yên.

Ông Bùi Hồng Mạnh và hơn 20 người dân từ huyện Thanh Chương, Nghệ An ra Hưng Yên từ sáng sớm, khi tham quan mô hình sản xuất giống lúa Hưng Long 555 ở Ân Thi đã tâm đắc đánh giá: Lúa cứng cây, ít sâu bệnh, thoát cổ bông, độ thuần đồng ruộng cao, góc lá đòng hẹp và xanh bền, tỷ lệ hạt lép/bông thấp, số bông hữu hiệu nhiều (bình quân đạt 5,7 bông/khóm), hạt thóc dạng thuôn dài, năng suất thực thu ước đạt 69 tạ/ha, vượt so với giống Khang dân 18 đang gieo cấy phổ biển ở nhiều địa phương trên trên miền Bắc từ 3-6 tạ/ha. Do vậy, chúng tôi rất mong được tiếp cận giống lúa Hưng Long 555 tại quê nhà.

Chia sẻ với mọi người, ông Hoàng Thanh Bình cùng một số nhà nông đến từ thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang cho hay: Mục đích tham gia hội nghị là để giao lưu học hỏi, chứ giống lúa Hưng Long 555 đã quen thuộc với bà con vùng núi phía Bắc từ năm 2018. Đỉnh điểm có vụ Sơn Dương tiến hành khảo nghiệm sản xuất tới 20ha lúa Hưng Long 555. So với mô hình của Ân Thi hiện nay, thì giống lúa Hưng Long 555 tại Sơn Dương có thời gian sinh trưởng tương đương, nhưng năng suất lại nhỉnh hơn đáng kể, bình quân đạt gần 70 tạ/ha, cá biệt có hộ đạt trên 80 tạ/ha, có thể do sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm ở miền núi lớn hơn, nên năng suất lúa cao hơn. Nếu các nhà nông chúng tôi cũng sử dụng chế phẩm vi sinh Sumitri xử lý rơm rạ sau thu hoạch, cấy bằng mạ non gieo trên nền đất cứng như Ân Thi, thì chắc chắn năng suất lúa Hưng Long 555 còn cao hơn nữa.

Bà Lê Thị Sinh ở xã Khuyến Nông, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa cho biết: Vụ mùa vừa qua tỉnh Thanh Hóa đưa vào khảo nghiệm sản xuất 56ha giống Hưng Long 555, năng suất lúa trung bình đạt 70,5 tạ/ha. Riêng gia đình tôi cấy 0,3ha giống Hưng Long 555 theo hướng thâm canh cao, nên đạt 3,75 tạ/sào (500m2) tương ứng 75 tạ/ha, cao hơn giống Khang dân 18 cấy ruộng kề bên hơn 13 tạ/ha. Chất lượng gạo thì khỏi phải nói! Lúc nào cũng được giá cao hơn gạo Khang dân 18 cùng thị trường từ 2.000-2.500 đồng/kg.

Chị Lò Thị Son ở xã Chiềng Khoi, Yên Châu, Sơn La sau quan sát kỹ các ruộng sản xuất hạt giống Hưng Long 555 ở huyện Ân Thi đã nói ngay: Miền xuôi thua vùng núi rồi, nhìn ruộng là biết. Cùng giống này, trên eng cho bông dài hơn, hạt nhiều hơn, mấy vụ nay đều đạt trên 70 tạ/ha (cao hơn Ân Thi 1 tạ/ha). Cơm ăn vừa ngon vừa đậm, để quá bữa vẫn mềm, bà con các dân tộc rất ưa chuộng. 

Trải lòng với các thực khách tại hội nghị, Thạc sĩ Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Cty Giống nông nghiệp Quốc tế, tác giả giống lúa thuần Hưng Long 555 tâm sự: “Thành công của giống mới quyết định sự sống còn của công ty. Nên một giống cây trồng nói chung, giống lúa nói riêng dù có tốt đến mấy, mà ít được bà con nông dân đưa vào gieo cấy, thì cũng không thể coi là thành công. Vì vậy cá nhân tôi cũng như các nhà khoa học của công ty, luôn chú ý lắng nghe phản hồi từ các nhà nông về chất lượng giống, để đổi mới cách nghiên cứu, chỉnh sửa gen, sao cho các chỉ tiêu năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu và độ bền di truyền các tính trạng ưu tú đạt được cao nhất”.

Để gieo cấy thành công lúa Hưng Long 555, Thạc sĩ Lê Ngọc Ánh khuyến cáo: Thời vụ gieo cấy theo nông lịch của địa phương. Mật độ cấy 40-42 dảnh/m2. Cấy nông tay, 2-3 dảnh/khóm. Tuổi mạ 3-3,5 lá (gieo nền cứng), 4-4,5 lá (mạ dược). Nên ưu tiên các chân ruộng chủ động tưới tiêu cho gieo sạ. Lượng giống khoảng 40-70 kg/ha, tùy phương thức gieo, cấy. Nên dùng phân NPK tổng hợp để đảm bảo chăm bón cân đối. Sau cấy giữ nước ruộng sâu 3-5cm để lúa đẻ nhánh thuận lợi. Tưới và rút cạn nước xen kẽ khi lúa kết thúc đẻ nhánh. Từ sau lúa trỗ báo duy trì mực nước sâu 5-7cm. Trước thu hoạch khoảng 7 ngày rút kiệt nước, cho rễ lúa ăn sâu, hút được nhiều dưỡng chất không thể thay thế, giúp tăng chất lượng gạo. Thăm đồng thường xuyên. Phát hiện phòng trừ sâu bệnh sớm theo IPM. Sử dụng thuốc BVTV theo phương pháp 4 đúng…


Có thể bạn quan tâm

Những 'siêu giống lúa' chống biến đổi khí hậu Những 'siêu giống lúa' chống biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những "siêu giống lúa" có thể trụ vững được trong điều kiện khắc nghiệt do biến đổi khí hậu.

07/10/2020
Bệnh vi khuẩn vụ lúa thu đông, làm gì để quản lý hiệu quả? Bệnh vi khuẩn vụ lúa thu đông, làm gì để quản lý hiệu quả?

Vi khuẩn hại lúa có một đặc điểm chung là lây lan nhanh, nhất là trong mùa mưa. Chủ yếu xuất hiện 3 loại bệnh như cháy bìa lá, lép vàng và thối gốc.

07/10/2020
Lúa VNR20 đẹp rực rỡ tại Bắc Ninh Lúa VNR20 đẹp rực rỡ tại Bắc Ninh

Mô hình 30 ha trồng tại xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, giống lúa VNR20 của Vinaseed có năng suất cao, khảo sát tại ruộng là 1,18 kg/m2, gần 12 tấn lúa

07/10/2020