Giá / Mô hình kinh tế

Giáo viên mầm non nuôi cá lóc khép kín lãi cả tỷ đồng

Giáo viên mầm non nuôi cá lóc khép kín lãi cả tỷ đồng
Tác giả: Thành Hiệp
Ngày đăng: 14/09/2020

Nhờ nuôi cá lóc, mỗi năm vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Loan thu hoạch trên dưới 30 tấn cá, bán với giá 40.000 - 45.000 đồng/kg, thu về hàng trăm triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Kim Loan giời thiệu khô cá lóc đã đóng gói thành phẩm. Ảnh: Thành Hiệp

Thời gian gần đây, nhất là từ khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát và lây lan ra nhiều tỉnh thành, nhiều bà nội trợ đã quay sang dùng thủy sản nhiều hơn, do đó mặt hàng cá tươi và cá khô ngày càng trở nên có giá, thị trường tiêu thụ cũng mạnh hơn.

Miền Tây Nam Bộ là nơi sản xuất cá lóc và khô cá lóc nhiều nhất, phổ biến nhất là ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ. Huyện Chợ Mới (An Giang) là nơi nuôi trồng thủy sản đa dạng, đặc biệt là cá lóc. Ngoài việc sản xuất cá tươi, bà con địa phương còn làm mắm và làm khô để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Cá lóc làm sạch trước khi chế biến. Ảnh: Thành Hiệp.

Nuôi cá lóc hiệu quả cao

Một trong những hộ nuôi cá lóc thành công nhất ở Chợ Mới  là vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Loan và anh Nguyễn Văn Tiền. Chị Loan sinh năm 1985, giáo viên, hiện công tác tại trường mầm non thuộc xã Long Kiến, huyện Chợ Mới. Chị vừa giảng dạy vừa tranh thủ thời gian cùng chồng nuôi cá lóc đầu vuông, kết hợp với chế biến cá khô.

Chị Loan cho biết, sở dĩ chị nuôi đạt hiệu quả cao là nhờ quyết tâm, dám nghĩ dám làm. Sau nhiều năm theo dõi phong trào nuôi cá lóc ở địa phương, vợ chồng chị thấy giá cả bấp bênh, có người lời, có người lỗ, thậm chí có người trắng tay. Sau khi tham quan, học hỏi từ nhiều mô hình khác nhau, chị đã chịu khó tìm tòi và sáng tạo một mô hình nuôi thích hợp với điều kiện đất đai tại nhà. Nhận thấy con cá lóc đầu vuông mau lớn, có sức đề kháng cao, đầu ra dễ dàng, giá cả tương đối ổn định nên chị chọn mô hình nuôi trong bể lót bạt, thay vì nuôi trong ao, hồ kiểu truyền thống.

Sau 6 tháng nuôi thử nghiệm, lứa đầu tiên chị lãi được 15 triệu đồng. Từ kết quả phấn khởi đó, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng 3 bể lớn và 7 bể nhỏ với diện tích khoảng 500 m2 để thả nuôi theo cách riêng của mình.

Chị Loan khẳng định cá lóc đầu vuông nuôi trong bể lót bạt có nhiều cái lợi. Một là không cần tốn nhiều diện tích; hai là ít lãng phí thức ăn; ba là dễ thay đổi nguồn nước, bảo đảm được vệ sinh môi trường, giúp cá khỏe mạnh và lớn nhanh. Bình quân cá nuôi 5 - 6 tháng tuổi đạt trọng lượng mỗi con từ 500 - 800gr.

Để đạt hiệu quả cao, vợ chồng chị tham gia các lớp tập huận kỹ thuật do ngành khuyến nông khuyến ngư tổ chức và tiếp tục học hỏi, nghiên cứu qua các báo, đài và mạng Internet. Nhờ vậy mà hiệu quả ngày càng cao.

Chị Loan chia sẻ: Tuy nói là dễ nhưng muốn thành công, người nuôi phải hết sức chú trọng về vệ sinh môi trường, mặt nước phải có đủ ánh sáng, có máy sục khí ngày lẫn đêm để tạo nguồn oxy cho cá. Kế đến là thức ăn phải an toàn, tốt nhất là thức ăn công nghiệp, tuyệt  đối không dùng thuốc kháng sinh để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. 

Với cách nuôi bài bản và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, bình quân mỗi năm vợ chồng chị thu hoạch trên dưới 30 tấn cá, bán với gía từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, thu về khoản lãi khá.  

Cá lóc đã rút xương trước khi tẩm gia vị. Ảnh: Thành Hiệp.

Lợi nhuận chồng lợi nhuận

Từ thành quả về sản xuất cá thương phẩm, gần đây, chị Kim Loan tiến thêm một bước phát triển mới, đó là việc làm khô cá lóc. Nhưng nhờ óc sáng tạo và tài chế biến khéo léo, chị đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, biến cá tươi thành sản phẩm khô. Chị chế biến khô theo quy trình sạch và chất lượng thơm ngon.

Kỹ thuật làm khô của cơ sở khô Kim Loan có khác với nhiều người. Cá sau khi đánh vảy, làm sạch, chị bắt đầu thái mỏng, bỏ xương (phi lê). Công đoạn quan trọng là tẩm gia vị gồm muối, đường, tiêu, tỏi, bột ngọt (không sử dụng phẩm màu). Kế đến là phơi và trữ đông ở nhiệt độ từ  0 - 4 dộ C. Đặc biệt sau khi cho khô vào túi ny lon chị không hút chân không mà chỉ hút sau khi chuẩn bị xuất bán để giữ mùi thơm và màu sắc tự nhiên của cá khô.

Cá lóc phơi khô. Ảnh: Thành Hiệp.

Theo tính toán của chị Loan, cứ 4 kg cá nguyên liệu sẽ cho ra 1 kg cá khô thành phẩm. Bình quân mỗi tháng chị xuất bán xấp xỉ 500 kg với giá từ 220.000 - 240.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Hà Nội, Hải Dương, TPHCM, các tỉnh miền Trung và ĐBSCL. Sản phẩm này đã được các ngành chuyên môn cấp giấy chứng nhận An toàn thực phẩm.

Chị thật tình cho biết, trừ hết các khoản chi phí mỗi tháng còn lãi trên 30 triệu. Nếu tính luôn tiền bán cá thương phẩm, mỗi năm lời trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, chị còn giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Niềm vui lớn nhất của chị hiện nay là mặt hàng cá khô của chị đã được khách hàng và thị trường tín nhiệm cao. Mới đây, sản phẩm khô cá lóc đầu vuông Kim Loan đã được huyện Chợ Mới chọn là sản đạt chuẩn OCOP và đề nghị tỉnh An Giang công nhận sản phẩm tiêu biểu của tỉnh năm 2020.


Có thể bạn quan tâm

Bỏ nghề lái xe về trồng sen, thu nửa tỷ/năm Bỏ nghề lái xe về trồng sen, thu nửa tỷ/năm

Bỏ nghề lái xe đường dài, anh Đoàn về quê cùng 2 người khác thuê ruộng bỏ hoan trồng sen bán hoa và củ, năm 2019 thu về hơn 500 triệu đồng.

14/09/2020
Nuôi lươn giống làm giàu tại Cần Thơ Nuôi lươn giống làm giàu tại Cần Thơ

Mô hình này có ưu điểm là chi phí đầu tư thấp, dễ chăm sóc, lợi nhuận cao. Tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, ông Nguyễn Văn Khuynh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân

14/09/2020
Kiếm tiền tỷ từ nuôi ốc nhồi tại Thái Nguyên Kiếm tiền tỷ từ nuôi ốc nhồi tại Thái Nguyên

Kiếm tiền tỷ từ nghề nuôi ốc nhồi, anh Trần Mạnh đã quyết định mở rộng quy mô khách hàng và nghiên cứu sâu mô hình nuôi ốc...

14/09/2020