Giải Pháp Xen Canh Lúa - Màu
Trước tình hình người trồng lúa ngày càng gặp nhiều khó khăn do giá lúa bấp bênh, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã chủ động phá thế độc canh của cây lúa, trồng xen 1 hoặc 2 vụ màu. Mô hình đang phát huy hiệu quả tốt...
Lãi gấp 2 - 5 lần trồng lúa
Ông Hà Văn Khắn ở ấp Tân Bình Thượng, xã Tân Hòa, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp vừa thu hoạch 5 công rau dền cho biết: "Ngay đầu vụ, thương lái đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá 32.000 đồng/kg. Với giá này sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gần 10 triệu đồng/công, tăng gấp 5 lần so với làm lúa”.
Không ai hiểu rõ hiệu quả từ việc trồng lúa với trồng màu hơn anh Võ Thanh Hưởng, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Vụ đông xuân năm nay, gia đình anh gieo sạ 6 công ruộng lúa giống OM 5451 cùng 3 công bắp (ngô). Năng suất lúa đạt 900kg/công, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về được 18 triệu đồng. Còn với 3 công bắp, sau 2 tháng chăm sóc gia đình anh cũng thu được lợi nhuận bằng 6 công lúa, nhưng đầu ra của bắp thuận lợi hơn.
Tỉnh An Giang nằm ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nhờ ưu thế đất phù sa ngọt nên cây bắp phát triển mạnh nhất so với các tỉnh trong vùng với trên 4.500ha/năm bắp lai và 4.338ha/năm cây bắp nếp. Nổi bật nhất trong mô hình chuyển đổi luân canh lúa - màu là tỉnh Vĩnh Long. Nhờ địa thế nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và hệ thống kênh, rạch tạo nguồn nước tưới tiêu thuận lợi quanh năm, đất đai ở huyện Bình Tân thích hợp cho cây khoai lang xanh tốt. Năm 2010, diện tích khoai lang Bình Tân có khoảng 4.000ha, đến năm 2012 tăng lên 9.000ha.
Một số tỉnh trong vùng đang hình thành các vùng chuyên canh trồng màu và tạo ra sản phẩm đặc trưng có khả năng cạnh tranh trên thị trường như An Giang có bắp, khoai môn; Sóc Trăng có mía, hành tím, củ cải trắng; Hậu Giang có mía, khóm…
Giải pháp chạy lũ, chạy hạn mặn
Hiện nay, những vùng đất gò cao, đất giồng cát ven biển ở các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau vào mùa khô báo động khan hiếm nước ngọt, khô hạn và xâm ngập mặn. Giải pháp các tỉnh đang hướng đến là trồng luân canh trên nền đất lúa những giống cây trồng thích nghi, giảm lượng nước tưới phù hợp như các cây họ đậu, mè, rau màu. “Thời gian qua đã có nhiều diện tích lúa vụ 3 bị thiệt hại do khô hạn, xâm nhập mặn khiến cho nông dân “méo mặt”.
Trong khi trồng màu như tụi tôi lại khỏe re”- lão nông Thạch Đen ở Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu phấn khởi nói. Ông Đen cho biết, trồng màu có thời gian thu hoạch ngắn ngày hơn so với cây lúa, chính vì thế sẽ chủ động được nguồn nước tưới tiêu, tránh được tình trạng xâm nhập của nước mặn vào đồng ruộng.
Theo TS Nguyễn Công Thành (Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam), việc luân canh cây màu trên đất lúa còn góp phần cắt đứt nguồn lây lan của sâu bệnh trên lúa, cải tạo, bồi dưỡng đất, gia tăng năng suất cây lúa vụ sau, giảm sự cạnh tranh của cỏ dại và cải tạo các đặc tính sinh hóa của đất trong hệ thống luân canh.
Ở những vùng có lũ thì giải pháp trồng màu để chạy lũ cũng được các địa phương khuyến khích nông dân trồng thay cho cây lúa vụ 3. Xã Phú Hữu, huyện An Phú, An Giang là địa phương nhiều năm nay có thế mạnh về cây bắp lai gieo trồng chạy lũ tháng 8, mỗi năm diện tích khoảng 1.500ha, kế đến là cây đậu phộng trên đất pha cát khoảng 200ha ven bờ kênh Bảy Xã, cây mè cũng được vài chục ha.
Mặc dù hiệu quả kinh tế của việc trồng màu xen canh lúa đã thấy rõ, nhưng theo các chuyên gia việc đẩy mạnh phát triển mô hình này chưa được thuận lợi. Nguyên nhân do đầu ra nông dân còn phải tự “bơi”. Để có thể thực sự thay thế 1 vụ lúa bằng 1 vụ màu, đòi hỏi các ngành chức năng cần thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc xây dựng một hệ thống thu mua và bao tiêu sản phẩm ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Đi chở hàng cho bọn buôn lậu cũng là vi phạm pháp luật. Nhận thức được điều này, nhiều hộ đồng bào Khmer ở xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh đã trở về làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Đến nay, đã vào giữa mùa khai thác hải sản năm 2013, nhưng ngư dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) chỉ đánh bắt được tổng sản lượng 14.800 tấn hải sản các loại, đạt 46,25% kế hoạch năm, giảm 4.200 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với dịch bệnh ở tôm sú, 3 ngày nay bà con ngư dân trên địa bàn xã Quảng Phước (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) đang lao đao với tình trạng cá kình chết hàng loạt.