Giá / Tin thủy sản

Giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm

Giải pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm
Tác giả: TS Nguyễn Thị Hạnh Tiên
Ngày đăng: 27/12/2019

Hiện nay, tình hình dịch bệnh thủy sản nói chung nhất là với con tôm ngày một diễn biến phức tạp, nhiều bệnh chưa có giải pháp chữa trị dứt diểm; chính vì vậy, công tác phòng bệnh là hết sức quan trọng và người nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi tôm được khuyến cáo.

Cải tạo ao là một trong những khâu đặc biệt quan trọng trong nuôi tôm - Ảnh: Hoàng Diệu

Chuẩn bị ao nuôi: Cần phải chuẩn bị ao trước khi thả giống theo quy trình từ khâu tẩy dọn ao, diệt tạp, phơi đáy, khử trùng nền đáy và đảm bảo môi trường nước phù hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của tôm. Chất lượng nước cấp vào ao nuôi bảo đảm giá trị của các thông số như sau: Ôxy hòa tan > 3,5 mg/l, pH từ 7 - 9 và giao động trong ngày không quá 0,5, độ mặn 5 - 35‰, độ kiềm từ 60 - 180 mg/l, độ trọng 20 - 50 cm, NH3 < 0,3 mg/l, H2S < 0,05 mg/l, nhiệt độ 18 - 330C. Nước cần được xỷ lý kỹ và khử trùng trước khi đưa vào ao nuôi.

Chọn và thả giống: Tôm giống sạch bệnh là điều kiện quan trọng quyết định đến sự thành công của vụ nuôi. Người nuôi cần chọn mua con giống ở những cơ sở sản xuất giống có uy tín, có giấy tờ đảm bảo chất lượng giống, có giấy chứng nhận kiểm dịch (nếu mua từ tỉnh khác). Tôm giống phải đáp ứng TCVN 10257: 2014 (TTCT - tôm giống - yêu cầu kỹ thuật. Thả giống đúng lịch thời vụ theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Tôm giống cần được kiểm tra bệnh trước khi thả nuôi để đảm bảo tôm giống không bị nhiễm các bệnh theo quy định. Tôm giống cần đáp ứng được các phản ứng gây sốc bằng formalin 100 ppm và hạ độ mặn đột ngột xuống 0‰ trong 30 phút nhưng tôm có tỷ lệ sống 100%.

Cho ăn: Cho tôm ăn các loại thức ăn nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa. Sử dụng loại thức ăn tùy thuộc cỡ tôm, tỷ lệ cho ăn và số lần cho ăn trong ngày thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Không sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng.

Quản lý tốt và theo dõi các yếu tố môi trường: Dinh dưỡng được tích tụ trong ao từ thức ăn thừa, chất thải của tôm nuôi là nguyên nhân gây ra giảm chất lượng nước, ô nhiễm môi trường và dẫn tới bùng phát dịch bệnh. Do đó, hàng ngày kiểm tra các chỉ tiêu môi trường gồm ôxy hòa tan, pH, độ mặn, độ trong, nhiệt độ và kiểm tra 3 - 5 ngày/lần đối với các chỉ tiêu độ kiềm, NH3, H2S bảo đảm giá trị nằm trong ngưỡng cho phép. Cần đặc biệt chú ý đến việc duy trì ổn định môi trường nuôi bằng các biện pháp cơ học như: quạt nước, sục khí đáy; các biện pháp sử dụng hóa chất và chế phẩm sinh học để cải tạo và ổn định môi trường ao nuôi. Tránh gây biến động môi trường đột ngột, dẫn đến sốc môi trường cho tôm làm cho tôm dễ mẫn cảm với tác nhân gây bệnh và cũng là điều kiện tốt cho bệnh bùng phát.

Sử dụng hợp lý thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường: Chỉ sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam trong NTTS để xử lý môi trường, phòng, chữa bệnh, quản lý sức khỏe tôm nuôi. Sản phẩm sử dụng phải có nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định về ghi nhãn hàng hóa và được bảo quản theo hướng dẫn ghi trên nhãn hàng hóa. Cách dùng thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường thực hành theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý nhà nước. Không sử dụng thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường đã hết hạn sử dụng hoặc nằm trong danh mục cấm.

Tăng sức đề kháng cho tôm: Cần bổ sung thêm các chất bổ sung thức ăn như: Vitamin, khoáng, men tiêu hóa, chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi giúp tăng cường khả năng tiêu hóa, tăng cường sự miễn dịch cho tôm giúp phòng bệnh. Liều lượng và cách sử dụng phải tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Hệ thống xử lý nước cấp và nước thải: Khu vực nuôi cần có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt. Nước trước khi lấy vào ao nuôi, cơ sở sản xuất giống phải được kiểm tra chất lượng. Phải xử lý nước trước khi xả thải ra môi trường. Nước thảichỉ được xả ra môi trường xung quanh khi bảo đảm giá trị như sau: pH từ 5,5 - 9, BOD5 (200C) < 50 mg/l, COD < 150 mg/l, chất rắn lơ lửng < 100 mg/l, Coliform < 5.000 MPN/100 ml. Không xả nước thải sinh hoạt vào các ao. Rác thải trong sinh hoạt, bao bì của các sản phẩm sử dụng trong cơ sở nuôi phải được cho vào thùng chứa có nắp đậy. Thùng chứa không được đặt trên bờ ao nuôi và ao chứa/lắng.

Quản lý lao động: Công nhân làm việc tại cơ sở nuôi phải được tập huấn về an toàn lao động, bảo vệ môi trường; được hướng dẫn và biết cách bảo quản và sử dụng thức ăn, thuốc, vi sinh vật, chế phẩm sinh học, hóa chất và chất xử lý cải tạo môi trường. Công nhân phải vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với ao nuôi và khi chăm sóc quản lý tôm. Công nhân cần nghiêm túc khử trùng dụng cụ trước khi sử dụng và sử dụng dụng cụ như sàng, thuyền, chài và dụng cụ chăm sóc riêng cho từng ao để tránh lây lan dịch bệnh.

Đảm bảo an toàn sinh học trong quá trình nuôi bằng các công nghệ mới: Vấn đề then chốt và quyết định nhất để nuôi tôm thành công là tạo ra môi trường kín, biệt lập, ngăn chặn tuyệt đối sự ảnh hưởng của mầm bệnh, chất hữu cơ và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến ao nuôi. Nên nuôi tôm theo quy trình khép kín theo phương pháp ít thay nước, nguồn nước đưa vào ao phải được lọc kỹ và diệt mầm bệnh, cần có ao chứa lắng lọc và xử lý trước khi sử dụng cho nuôi tôm. Tùy vào điều kiện kinh tế, kỹ thuật, kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng, người nuôi có thể áp dụng các công nghệ nuôi tiên tiến trên thế giới như công nghệ nuôi sử dụng hệ thống tuần hoàn nước (RAS), công nghệ biofloc, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống nước chảy (Raceway). Ở Việt Nam đã có nhiều mô hình nuôi tôm thành công bằng công nghệ nuôi kết hợp như nuôi tôm với cá rô phi, nuôi tôm với cá điêu hồng… với mục đích sử dụng cá để xử lý nước ao nuôi tôm. Khi ao nuôi xuất hiện dịch bệnh người nuôi cần có phương án xử lý thích hợp để tiêu diệt mầm bệnh, tránh lây lan sang khu vực khác.

Thực hiện nghiêm ngặt quy trình nuôi và áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học nhằm loại bỏ mầm bệnh từ những yếu tố đầu vào như sử dụng con giống sạch bệnh, nguồn nước được xử lý đúng kỹ thuật, quản lý tốt môi trường, quản lý và chăm sóc tôm đúng kỹ thuật là giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế dịch bệnh trên tôm.

Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I


Có thể bạn quan tâm

Tôm chữa lành cá bị thương Tôm chữa lành cá bị thương

Ông cho biết mối quan hệ giữa tôm bác sĩ và cá là khá phức tạp, với tôm được biết là ăn chất nhầy của cá và cá thỉnh thoảng cũng ăn tôm.

27/12/2019
Kỹ thuật lựa chọn tôm giống tốt Kỹ thuật lựa chọn tôm giống tốt

Tôm giống tốt là thắng lợi ngay điểm xuất phát, bởi chiếm tới 65% tỷ lệ thành công của vụ nuôi, phải lựa chọn giống F1 sạch bệnh là then chốt.

27/12/2019
Nâng cao hiệu quả mô hình tôm càng xanh - lúa Nâng cao hiệu quả mô hình tôm càng xanh - lúa

Giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm càng xanh - lúa do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Bạc Liêu tổ chức.

27/12/2019