Giá / Tin thủy sản

Giải pháp phát triển tôm nuôi Việt Nam

Giải pháp phát triển tôm nuôi Việt Nam
Tác giả: Kim Phượng
Ngày đăng: 18/11/2017

Ngành tôm Việt Nam mặc dù được coi là “quý tử” trong lĩnh vực thủy sản, nhưng sự đầu tư vẫn khiêm tốn, trong quá trình thực hiện từ sản xuất tới tiêu thụ còn nhiều khó khăn, do đó, việc thực hiện giải pháp tổng thể để đưa con tôm xứng đáng với vị trí của mình là điều cần thiết hơn bao giờ hết.

Thu hoạch tôm tại Bạc Liêu     Ảnh: Ngọc Anh 

“Hổng” nhiều khâu

Có thể nói, lỗ hổng của lĩnh vực này liên quan đến cả chu trình thực hiện, từ sản xuất con giống, nuôi, thức ăn, thu mua, chế biến xuất khẩu. Như vùng ĐBSCL, thời gian qua, việc ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào các vùng nuôi tôm đã được một số địa phương thực hiện nhằm kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng con tôm. Tuy nhiên, quy mô nuôi tôm ở ĐBSCL còn nhỏ lẻ, năng suất thấp, trong khi giá thành thức ăn và dịch bệnh ngày một tăng. Theo ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, chất lượng tôm giống có vai trò quan trọng, quyết định đến năng suất và chất lượng, do đó cần quản lý chặt vấn đề tôm giống. Cùng với đó, giá thành thức ăn tăng làm chi phí sản xuất tôm tăng theo. Ngoài ra, một số vấn đề lớn cần phải giải quyết của ngành tôm hiện nay là vấn đề kháng sinh và tiếp cận chuỗi; trong đó vai trò quản lý nhà nước cần theo xu hướng thị trường, đòi hỏi các chứng nhận nhanh và thuận tiện.

Trong quá trình nuôi tôm, cần nâng cao quy trình sản xuất tôm giống để đảm bảo chất lượng đầu vào; tập trung quy hoạch các vùng nuôi một cách phù hợp. Quy hoạch vùng nuôi để đảm bảo diện tích nuôi tổng thể của các địa phương, từ đó có những khuyến cáo kịp thời. Song song với đó là việc hoàn thiện hệ thống đường giao thông để giảm giá thành và rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa.

Trên cơ sở những tính toán cụ thể, cần có những định hướng thị trường, vì hiện nay mỗi thị trường đòi hỏi chứng nhận khác nhau. Do đó cần xác định lộ trình và bước đi chặt chẽ để đạt được mục tiêu thời gian tới.

Hiện nay, cùng với tôm thẻ chân trắng, tôm sú vẫn là lợi thế của Việt Nam cho nên cần quan tâm, nhân rộng và tạo những vùng nuôi phù hợp để giảm dần dịch bệnh. Trong đó, ưu tiên lợi thế nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến với điều kiện tự nhiên ở một số tỉnh. Tổ chức liên kết doanh nghiệp chế biến với các thành viên trong chuỗi sản xuất, để phát huy sức cạnh tranh của con tôm và khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.

Giải pháp kỹ thuật

Trên cơ sở phát huy thế mạnh của sản phẩm tôm, đưa sản phẩm chủ lực ngày càng độc quyền, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống các cấp ngành liên quan. Đứng đầu là ngành nông nghiệp, và sự hỗ trợ của hệ thống chính trị cấp trên.

Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian tới, Tổng cục sẽ rà soát lại quy hoạch từng vùng nuôi để áp dụng và triển khai tiến bộ kỹ thuật vào từng loại hình nhằm phát triển một cách tốt nhất. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tập trung vào những mô hình phù hợp để giảm thiểu rủi ro cho người dân.

Để giải quyết vấn đề cấp bách đặt ra cho ngành chuyên môn cũng như các địa phương về phát triển con tôm thời gian tới là tiêu chuẩn chất lượng, liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp chế biến với các thành viên trong chuỗi, vai trò của các hiệp hội… Trong đó, vai trò quản lý nhà nước là chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi, giám sát vật tư đầu vào; hỗ trợ xây dựng hệ thống thủy lợi, điện, giao thông…

Đồng thời, muốn phát triển ngành tôm cần phải thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn. Nhà nước cần quản lý chặt chất lượng đầu vào để giảm thiệt hại. Cần thay đổi tư duy của người nuôi, tránh tư tưởng mất 1 - 2 vụ nhưng thắng 1 vụ thì vẫn hòa vốn.

Giải pháp lâu dài là việc liên kết sản xuất để tạo ra những cánh đồng lớn, thực hiện sản xuất theo chuỗi, thông thương sản phẩm theo hướng sạch từ nông trại tới bàn ăn. Ngoài ra, cần tiếp cận vật tư đầu vào, giảm giá thành sản xuất và chất lượng được đảm bảo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đầu vào để kiểm soát tốt giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp một địa phương mạnh về nuôi tôm, giải pháp tổng thể cho phát triển tôm là đầu tư, nâng cấp hệ thống kênh cấp và thoát nước, cơ sở hạ tầng đầu mối đảm bảo tiêu chuẩn ngành, quy hoạch, thiết kế các hạng mục ao nuôi phù hợp đảm bảo điều kiện nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình GAP; Khuyến khích các cơ sở sản xuất tôm giống sản xuất giống. Chất lượng con giống phải được kiểm dịch, quản lý nghiêm ngặt trước khi cung cấp cho người nuôi; Ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt công nghệ sinh học cho sản xuất giống và nuôi thương phẩm…

>> Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần rà soát lại quy hoạch để có thể khẳng định vùng phù hợp cho phát triển nuôi tôm, từ đó triển khai tiến bộ kỹ thuật để phát triển một cách tốt nhất.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi cua thương phẩm từ con giống nhân tạo Nuôi cua thương phẩm từ con giống nhân tạo

Khi được Nhà nước hỗ trợ, tôi đã nuôi 5.000 con giống/5.000m², lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng (qua 3 tháng nuôi)”, ông Đông hồ hởi kể.

18/11/2017
Cà Mau: Đột phá nuôi tôm siêu thâm canh Cà Mau: Đột phá nuôi tôm siêu thâm canh

Năm 2017, diện tích nuôi tôm thẻ siêu thâm canh ở tỉnh Cà Mau có nên tốc độ tăng đột biến trên không ngoài hai chữ: “Lợi nhuận”.

18/11/2017
Thủy sản Ấn Độ: Phát triển bằng 3D mapping Thủy sản Ấn Độ: Phát triển bằng 3D mapping

Bằng những hình ảnh vệ tinh và các cuộc khảo sát địa hình mở rộng, công nghệ 3D mapping đang nâng cao hiệu quả nuôi và khai thác thủy sản

18/11/2017