Giải Bài Toán Khó Cho Nông Dân
"Nhờ những trợ giúp tích cực của Hội ND, chúng tôi có thêm cơ hội làm ăn tốt hơn, hiểu biết cuộc sống hơn" - ông Lường Văn Hặc, bản Nà Ớt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, Sơn La, tâm sự.
Với nông dân vùng cao, những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo phát triển sản xuất hiệu quả bền vững thì họ đều thiếu, đó là: Khoa học kỹ thuật; giống, vốn; cán bộ hướng dẫn, thực tế mô hình sản xuất… Nắm rõ những yếu kém ấy của ND, phối hợp tốt với các ngành để tháo gỡ, tạo lực vươn cho nhà nông là mục tiêu quan trọng mà Hội ND huyện Mai Sơn luôn theo đuổi.
Hội giúp vốn, kiến thức...
Ông Trần Xuân Quang -Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, tâm sự: Hội ND ở đây luôn chủ động phối hợp với lực lượng khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, kiểm lâm, các ngân hàng và doanh nghiệp để giúp ND tháo gỡ những khó khăn mùa vụ, kinh nghiệm sản xuất. Chỉ riêng lĩnh vực cung ứng giống, phân bón, vật tư sản xuất hàng năm cũng đã có hàng ngàn lượt hộ ND được trợ giúp. Sự trợ giúp kịp thời đó đã thật sự đóng góp vào việc giảm hàng trăm hộ nghèo mỗi năm trên địa bàn.
“5 năm vừa qua, trên 10.000 lượt hộ ND đã được Hội ND huyện Mai Sơn cung ứng hơn 7.000 tấn phân bón; gần 18.000kg giống các loại; phối hợp tập huấn khuyến nông cho gần 6.000 lượt hội viên ND; phối hợp tạo vốn vay với tổng dư nợ hơn 68 tỷ đồng cho ND”.
Đến với Nà Ớt - xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Mai Sơn tới 70km, là nơi cư trú của đồng bào nhiều dân tộc khó khăn như Thái, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú… Ông Lường Văn Hặc, dân bản Nà Ớt, bảo: Cán bộ hội thường xuyên đến với dân nên dân chúng tôi phản ánh được những tâm tư của mình và cũng nhiều nguyện vọng được Hội ND giúp đỡ.
Hàng năm, chúng tôi được học nhiều lớp tập huấn khuyến nông, hướng dẫn sử dụng giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch sản phẩm. Bà con nghèo nhưng vẫn sản xuất kịp thời vụ nhờ vào giống ngô, lúa, phân bón do Hội cung ứng theo phương thức trả chậm. Đàn trâu, bò, lợn tăng lên, nhà tạm được xoá cũng là nhờ Hội tín chấp với các ngân hàng tháo gỡ khó khăn về vốn cho chúng tôi.
Nông dân phát huy nội lực
Không chỉ ở vùng cao Nà Ớt mà đi sang các xã nhiều khó khăn khác như: Phiêng Cằm, Chiềng Nơi, Phiêng Pằn, Chiềng Lương… cũng ghi nhận được những dấu ấn hoạt động của tổ chức Hội ND trong lĩnh vực tam nông. Ông Giàng A Trả ở bản Tong Chinh, xã Phiêng Cằm, cho biết: Cái ruộng nước mới khai hoang, cái ao cá mới đào, những vườn cây ăn quả trong xã này cũng có công rất lớn của cán bộ Hội ND đấy.
Cán bộ hội từ ngoài huyện vào, cán bộ xã xuống, cán bộ chi hội bản chạy sang… Dân muốn vươn lên là có cán bộ giúp đỡ. Nhờ thế mà ở Phiêng Cằm ai cũng trồng ngô, lúa giống mới, năng xuất cao hơn trước nhiều. Hai năm gần đây, trong xã đã xóa được cả trăm cái nhà tạm đấy.
Với lão nông Vì Văn Thật ở bản Xà Cành, xã Phiêng Pằn thì sự giúp đỡ của Hội ND “là cái ơn không thể quên được”. “Trước đây, tôi làm chẳng đủ ăn. Cán bộ hội và bộ đội, khuyến nông đến tận nhà, hướng dẫn cách đào ao lấy nước nuôi cá và làm mấy cái ruộng nước. Thế là chỉ mấy năm sau, lương thực còn dư dôi. Đủ ăn mới tính chuyện lớn được. Tôi khai hoang đất trồng ngô, làm thêm cái vườn cây ăn quả. 5 năm nay không đói nghèo nữa, còn có vốn và kinh nghiệm để giúp mấy hộ khác trong bản thoát nghèo”...
Có thể bạn quan tâm
Anh Phạm Văn Vũ (SN 1968), ngụ tại ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) là một trong những ND đầu tiên nuôi bò sữa và làm giàu từ vật nuôi này.
Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh Đồng Nai có tổng số đàn heo lớn nhất cả nước với hơn 1,2 triệu con đang nuôi tại 1.261 trang trại, trung bình mỗi ngày có 4.000 con heo được xuất bán. Sau khi có thông tin một số trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại Đồng Nai, người tiêu dùng đã giảm sử dụng thịt heo, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh, từ 56.000 đồng/kg giảm còn 42.000 đồng/kg, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi của địa phương. Theo đánh giá của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thiệt hại do giá heo giảm trong thời gian qua ước tính hơn 500 tỷ đồng.
Năm 2002, anh Nguyễn Trung Hiếu quyết định từ bỏ công việc ở phòng nông nghiệp huyện để về quê xây dựng cơ sở sản xuất tôm sú giống. Anh Hiếu tâm sự, thấy dân mình đầu tư nuôi tôm ngày càng nhiều nhưng nguồn con giống lại phải mua ở tỉnh khác, nguồn giống trôi nổi nên rất dễ xảy ra dịch bệnh. Vậy là mình quyết tâm làm, vừa làm vừa học. Đến khi đã sản xuất thành công tôm sú giống rồi thì lại "bí" đầu ra. Khó khăn càng chồng chất.