Giá Thu Mua Mía Ở Hậu Giang Sẽ Giảm Thời Gian Tới
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL vừa có cuộc họp bàn và đã thống nhất về giá thu mua mía trong thời gian sắp tới.
Theo đó, kể từ ngày 25/9 tới, giá thu mua mía tại rẫy của nông dân bán cho thương lái chỉ còn 940 đồng/kg đối với loại mía có chữ đường 10 CCS, giảm 50 đồng/kg so với giá hiện nay.
Cũng theo ông Ngoan, nguyên nhân giá thu mua mía sụt giảm là do giá đường trên thị trường đang xuống quá thấp, chỉ còn 15.000 đồng/kg nên các nhà máy đường trong khu vực không thể giữ giá thu mua mía như đầu năm.
Một số nhà máy đường trong khu vực do phải tốn nhiều chí phí vận chuyển xa dẫn đến thua lỗ trong những ngày sản xuất đầu vụ.
Mặc dù hiện nay, các nhà máy đường vẫn còn áp dụng giá thu mua mía cũ, tức là mức giá 990 đồng/kg đối với chữ đường 10 CCS tại rẫy.
Tuy nhiên, giá thu mua mía thực tế của các thương lái tại huyện Phụng Hiệp chỉ dao động từ 800 đến 950 đồng/kg vì hầu hết lượng mía đang thu hoạch đều chưa đạt chữ đường 10 CCS.
Với giá bán này, sau khi trừ chi phí nhân công thu hoạch khoảng 150 đồng/kg, nông dân chỉ còn được từ 650 đến 800 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất.
Với giá cả nói trên, nông dân trồng mía ở Hậu Giang hiện nay thu được lãi rất thấp, thậm chí nhiều hộ chỉ hòa vốn vì chi phí trồng, vật tư phân bón, công chăm sóc và thu hoạch năm nay đều tăng trong khi giá bán lại thấp hơn cùng kỳ.
Nếu giá mía tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhiều nông dân trồng mía của Hậu Giang sẽ hết sức khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây tại các hồ nuôi cua thuộc khu vực sông Trường Giang của hộ ông Lê Văn Khôi (thôn Phú Ngọc, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam) luôn có nhiều người đến xem và không ngớt lời thán phục về mô hình nuôi trồng thủy sản mới đầy hứa hẹn.
Để nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, tránh được dịch bệnh, mang lại thu nhập cao, ngày 10/10, Chi cục nuôi trồng thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo ứng dụng công nghệ Biofloc vào nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng, với sự tham dự của các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản trong và ngoài nước, các công ty, các trại sản xuất tôm giống cùng hàng trăm hộ dân nuôi tôm tại tỉnh.
Sinh năm 1983, đến nay anh Đào Trọng Hiệp, xã Thủ Sĩ (Tiên Lữ - Hưng Yên) đã là chủ một trang trại chuyên sản xuất lợn giống và nuôi lợn thịt, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho mọi người trong gia đình.