Gần 10 Tỷ Đồng Từ Nhãn Chín Muộn
Vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay chúng tôi về xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội khi bà con nông dân đang hối hả thu hoạch vụ nhãn muộn thắng lợi.
Nhãn chín khắp các vườn nhà trong thôn, nhãn khoe sắc vàng trên những tán cây xanh dọc theo con đê quanh làng, nhãn được đóng thùng xốp để xếp lên các xe tải cỡ lớn chờ vận chuyển đi vào các tỉnh phía trong...
Hỏi về giống nhãn quí của quê hương, anh Nguyễn Văn Thành, chủ nhân của cây nhãn tổ gần 100 năm tuổi hiện vẫn còn xanh tốt, hàng năm cho thu hoạch hàng tạ quả tự hào cho biết: Đại Thành là một xã vùng quê thuần nông nằm ven bờ con sông Đáy có giống nhãn chín muộn ngon nổi tiếng. Đây là giống bản địa được phát hiện từ lâu đời ở xã, được gìn giữ qua nhiều thế hệ cho tới ngày nay. Giống cho quả to, cùi dày, ăn ngọt và thơm.
Quả bắt đầu chín và cho thu hoạch từ cuối tháng 8 cho tới giữa tháng 9, được đưa ra thị trường vào lúc các giống nhãn khác đã hết nên được nhiều người ưa chuộng tìm mua với giá cao gấp 2-3 lần so với nhãn chính vụ (từ 35.000 đến 60.000 đồng/kg tùy theo thời điểm) nên đưa lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Mới đây Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và chính quyền xã Đại Thành tổ chức hội thi để chọn ra giống nhãn quí làm thương hiệu cho vùng quê này. Kết quả, 10 hộ gia đình có giống nhãn chín muộn lọt vào vòng chung kết được chọn làm những cây đầu dòng để cung cấp nguồn giống cho nhân dân trong xã và nhiều địa phương khác mở rộng diện tích trong thời gian tới. Riêng cây nhãn tổ của gia đình anh giành giải nhất.
Đến nay anh Thành đã có 2ha trồng giống nhãn chín muộn được nhân giống từ cây nhãn tổ này, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng từ tiền bán mắt ghép, bán cây giống và bán quả.
“Từ hiệu quả kinh tế của giống cây đặc sản này mục tiêu trong 2 năm 2010-2011 của Đại Thành là sẽ phủ xanh toàn bộ diện tích đất vườn bằng cây nhãn muộn để tạo ra vùng sinh thái trong lòng Thủ đô phục vụ khách du lịch và xây dựng thương hiệu để tiến tới tham gia xuất khẩu”, ông Trần Hữu Hinh nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND xã Trần Hữu Hinh cho biết: Nhờ giống nhãn chín muộn này mà trong những năm gần đây nhiều hộ nông dân đã vươn lên thoát được cảnh đói nghèo, nhiều hộ trở nên giàu có. Giống quả đặc sản này cũng đã được nhân rộng ở nhiều địa phương các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Chủ trương của huyện Quốc Oai (Hà Nội) cũng dành 2.000ha đất vùng bãi để phát triển các loại cây ăn quả đặc sản, trong đó ưu tiên nhân rộng diện tích các giống nhãn chín muộn. Hiện cả xã có hơn 70ha trồng giống nhãn chín muộn chủ yếu nằm trong các hộ gia đình cho hiệu quả kinh tế cao từ 130 đến 150 triệu đồng/ha/năm. Toàn xã hiện có gần 70ha nhãn chín muộn, dự kiến cho thu hoạch khoảng 700 tấn quả. Với giá bán bình quân từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg thì người dân Đại Thành sẽ có nguồn thu trên 10 tỷ đồng từ cây nhãn muộn.
Năm 2010 toàn xã trồng mới thêm được gần 23ha, kế hoạch từ nay đến cuối năm xã sẽ chuyển đổi tiếp 26ha đất xấu vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các giống chín muộn góp phần bổ sung vào cơ cấu giống rải vụ thu hoạch nhằm giảm áp lực nhân công, tránh được hiện tượng được mùa rớt giá và tăng thêm thu nhập cho nông dân một cách thiết thực.
Có thể bạn quan tâm
Khởi nghiệp chỉ với hai con bò sữa, thời gian đầu, gia đình anh Lương Văn Thiết ngụ tại phường Bình Hòa (TX.Thuận An, Bình Dương) đã gặp không ít khó khăn và tưởng chừng như phải dừng lại niềm đam mê nuôi bò sữa. Nhưng bằng tấm lòng yêu nghề, vượt lên mọi điều kiện khó khăn, đến nay anh đã có được một trang trại bò sữa khá thành công.
Tuýp hóa chất có nguồn gốc từ Trung Quốc giá 2.000 đồng đem hòa với 2 lít nước rồi phun trực tiếp vào buồng chuối. Chỉ sau một đêm, chuối chín đều, vàng ruộm như chín cây...
Chăn nuôi heo tại Bến Tre đang phát triển rộng khắp ở nhiều nơi trong tỉnh và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho bà con nông dân. Mặc dù việc thu gom và xử lý chất thải trong chăn nuôi vẫn được người chăn nuôi thực hiện triệt để, đồng bộ bằng biện pháp xây dựng hầm ủ Biogas. Điều này góp phần cho ngành chăn nuôi mang tính bền vững hơn. Tuy nhiên, một số nơi bà con nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại như bệnh tật phát sinh, chi phí đầu tư cao trong thiết kế xây dựng hầm Biogas, điện, nước, công chăm sóc ...