Dùng lưới chắn ngăn dịch bệnh lây lan giữa các hồ tôm
Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng đầu tư hệ thống lưới chắn chim, cò, đã giúp nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát “hóa giải” được bài toán tôm bị bệnh lây lan từ hồ này sang hồ khác chết đồng loạt.
Ông Ca sử dụng lưới phản quang phủ lên hồ nuôi tôm.
Những ngày này, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát hạ lưu sông Trà nơi giao thoa với biển ở thôn Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi) rộn ràng mùa thu hoạch vụ tôm thắng lợi nhất từ 6 năm trở lại đây nhờ thực hiện tốt quy trình nuôi tôm theo hướng an toàn sinh học.
Chỉ tay về phía hồ nuôi tôm vừa thu hoạch, ông Lê Văn Ca, ngụ ở thôn Vĩnh Thọ, xã Nghĩa Phú phấn khởi nói: Hồ này có diện tích 1.000m2, mới thả nuôi chưa đầy 60 ngày, tôm đã đạt trọng lượng bằng thời gian nuôi 70 ngày của các vụ trước. Tôi vừa vớt bán được 2,2 tấn, trừ chi phí thu về hơn 150 triệu đồng.
Theo ông Ca thì vụ tôm này, gia đình ông thắng lợi là nhờ tuân thủ lịch thời vụ, quy trình nuôi tôm theo hướng an toàn, quan trọng nhất thực hiện giải pháp “học theo” của mình đã phát huy tác dụng tích cực.
Ông Ca kể, 5 năm trước, ông và các hộ nuôi tôm ở đây đều lâm vào cảnh khốn cùng vì thả lứa nào tôm chết lứa ấy. Một hồ tôm hôm nay bị bệnh thì vài hôm sau các hồ khác, tôm cũng phơi mình trắng hồ. Có nhiều nguyên nhân khiến tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt như môi trường nuôi bị ô nhiễm, con giống kém chất lượng,
Nhưng điều khiến ông Ca cũng như đa số các hộ nuôi tôm “đau đáu” nhất là làm gì để ngăn chặn được dịch bệnh lây lan mà nguồn lây bệnh trung gian chính là sự tấn công của các đàn chim, đàn cò?
Khi tôm bị dịch bệnh, chim, cò đến ăn tôm chết rồi tha tôm rơi vãi đến các hồ tôm khác. Vì vậy, ngăn ngừa được chim, cò đến ao tôm là góp phần đảm bảo vụ nuôi tôm được thắng lợi.
Trong lúc chán nản, hoang mang và không biết làm gì để khắc phục, ông Ca vô tình xem được chương trình Bạn của nhà nông trên truyền hình đề cập đến chuyện một số người nuôi tôm sử dụng lưới chắn để ngăn chim, cò đến hồ tôm hiệu quả.
Ngay lập tức, ông Ca đo diện tích ao và lặn lội tìm mua lưới chắn, đổ trụ bê tông căng lưới phủ lên mặt ao. Lưới sử dụng cho hồ nuôi tôm là lưới cước nhựa cứng, mỗi ký có giá hơn 100.000 đồng, có thể bao được 70 - 80m2.
Như vậy, diện tích 1.000 m2 chỉ tốn vài triệu đồng cho cả tiền lưới, trụ bê tông và nhân công lao động. Để che chắn, các trụ bê tông đóng thẳng hàng quanh ao, rồi kéo vây quanh các trụ bê tông phủ khắp mặt ao.
Nhờ lưới chắn nhiều người nuôi tôm đã vực dậy được hồ nuôi
Hiện nay, vùng nuôi tôm này, hầu như hộ nuôi nào cũng có lưới chắn chim, cò. Với cách làm này người nuôi tôm có thể an tâm vì chim, cò sợ mắc cánh không dám bay lượn đến gần. Bên cạnh đó, loại lưới này có chất phản quang hữu ích trong việc xua đuổi chúng.
Anh Ba, một hộ nuôi tôm cũng sử dụng cách làm như ông Ca cho hay: Lưới chắn phản chiếu dưới ánh sáng mặt trời cùng với sức gió làm dàn lưới tạo ra những “cơn sóng” khiến chim, cò hoảng sợ, không dám đến gần, hạn chế tối đa sự xâm nhập của chim, cò vào ao nuôi tôm, bảo vệ được ao nuôi hiệu quả và tiết kiệm.
“Nếu như trước kia, một hồ bị bệnh thì cả khu vực đều chết theo, nhưng nay tình trạng này đã hạn chế đáng kể. Để đạt hiệu quả cao, bà con đã áp dụng mô hình nuôi an toàn, mỗi hộ đều có hồ chứa nước thải riêng, không xả nước thải trực tiếp ra sông và đầu tư đồng loạt hệ thống lưới chắn, nhờ vậy mà các hộ nuôi đã “vực dậy” được các hồ nuôi, chứ không bỏ hoang như trước kia”- anh Ba nói.
Có thể bạn quan tâm
Công ty nuôi trồng thủy sản Algix Jamaica Limited đang bước vào thị trường XK cá tra, cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam
Giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường trong 7 tháng đầu năm 2017, đạt 328 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016
Mô hình nuôi cá lồng giữa hồ thủy điện được thử nghiệm từ năm 2008, đến nay cho sản lượng trên 100 tấn mỗi năm.