Dừa Tươi Có Giá, Nông Dân Trồng Dừa Phấn Khởi Ở Trà Vinh
Do thời tiết nắng nóng kéo dài, giá các loại trái cây có tính thanh nhiệt, giải khát tăng mạnh, đặc biệt là dừa tươi. Tại Trà Vinh, giá dừa tươi đã tăng gần gấp đôi so với cách đây vài tháng, nhà vườn rất phấn khởi.
Thời điểm này năm ngoái, giá dừa tươi thương lái vào tận vườn thu mua chỉ khoảng 35.000 - 40.000 đồng/chục (12 trái). Nhưng từ sau Tết Nguyên đán năm 2013 cho đến nay, giá dừa cứ tăng dần từ 50.000 đồng lên 60.000 đồng/chục và hiện nay 70.000 - 80.000 đồng/chục, thậm chí có thời điểm trên 90.000 đồng/chục, trong khi nhiều nhà vườn không còn dừa để bán.
Ông Nguyễn Văn Hùng, ở ấp Nhuận Thành, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, cho biết: Mùa nắng nóng giá dừa tươi tăng cao, hầu như năm nào cũng vậy, một mặt do nhu cầu người dân tiêu thụ dừa tươi giải nhiệt tăng cao, mặt khác đối với cây dừa, vào thời điểm mùa nóng, năng suất giảm đi gần phân nửa so với mùa mưa nên sản lượng dừa tươi mùa này giảm mạnh. Còn ông Trần Văn Ba, ngụ cùng ở ấp Nhuận Thành, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, hiện trồng 2 công dừa xiêm lùn cho biết, vườn dừa của gia đình ông đang vào giai đoạn cho trái sai, những ngày này thương lái vào tận vườn tự hái (chặt nguyên buồng) với giá 85.000 đồng/chục (12 trái), còn dừa khô 12.000 đồng/trái, dừa giống 25.000 - 35.000 đồng/cây.
Theo nông dân trồng dừa, nếu giá dừa đứng ở mức cao như hiện nay, người trồng dừa sống "rất khỏe", vì trồng cây dừa không tốn nhiều tiền đầu tư và chăm sóc như các loài cây khác. Hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Càng Long đang tích cực chăm sóc vườn dừa và chuyển sang trồng dừa bán trái tươi vì lợi nhuận cao hơn so với bán dừa khô do rút ngắn được thời gian thu hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình trồng nhãn xen cây màu cho thu nhập trên 50 triệu đồng/vụ của anh Hoàng Ngọc Chung ở thôn Bản Nhuần I - xã Quảng Chu (Chợ Mới, Bắc Kạn) đang được xem là cách làm mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao và cần được nhân rộng.
Đến vùng đất cổ Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội ai cũng biết đến mô hình chăn nuôi gà Mía hiệu quả nhờ mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học của ông Nguyễn Quốc Quân (60 tuổi), người gắn liền với thương hiệu này nhiều năm nay.
Để giúp cho hộ trồng rừng có thêm thu nhập bên cạnh cây rừng, từ năm 1996, Chi Cục Kiểm Lâm đưa cây xoài Bưởi vào cơ cấu cây rừng. Riêng trên địa bàn xã An cư huyện Tịnh Biên, diện tích trồng Xoài xen Sao trong 3 năm, từ năm 1996 đến 1998, là 350ha. Với công thức kỹ thuật: Keo lá tràm 444 cây/ha + Sao 500 cây/ha + Xoài Bưởi 200 cây/ha. Sau bao năm vất vả, đến hôm nay, các hộ dân trồng rừng khu vực xã An Cư phấn khởi vì được mùa xoài.