Giá / Mô hình kinh tế

Dự Báo Mất Mùa Sầu Riêng

Dự Báo Mất Mùa Sầu Riêng
Tác giả: 
Ngày đăng: 16/06/2012

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến vụ thu hoạch sầu riêng Khánh Sơn (Khánh Hòa) nhưng tại các nhà vườn trồng sầu riêng, năng suất rất thấp, chỉ bằng 30 - 40% so với mọi năm. Ảnh hưởng của cơn bão số 1, thời tiết nhiều mưa và vụ sầu riêng năm ngoái kéo dài là những nguyên nhân gây mất mùa sầu riêng năm nay. Dự báo, sản lượng sầu riêng năm nay sẽ thấp và giá cả sẽ nâng lên.

Những ngày này, đi thăm các nhà vườn trồng sầu riêng ở Khánh Sơn, đều thấy những cái lắc đầu của những chủ vườn sầu riêng. Ông Trần Văn Quốc, chủ một trang trại tại thôn Liên Hòa (Sơn Bình, Khánh Sơn) cho biết, cả vườn sầu riêng của ông rộng 2 ha với hơn 200 cây, thường xuyên được tưới và đang độ sung mãn nhưng chỉ lèo tèo một vài cây có trái, chủ yếu là các giống trồng từ hạt. Ông Quốc cho rằng, tuy ra bông khá nhiều nhưng hầu hết đều bị rụng do sương muối, mặc dù ông đã dùng nhiều loại chất kích thích ra hoa, dưỡng bông, dưỡng trái. Ông Quốc nhận định, vụ sầu riêng năm nay chắc chắn sẽ thất thu bởi đến thời điểm này, nếu sầu riêng không đậu quả thì không có sầu riêng chính vụ?



Ông Nguyễn Bá Chiến, một người có kinh nghiệm trồng sầu riêng ở Khánh Sơn cũng chung nhận xét như ông Quốc. Theo ông Chiến, do ảnh hưởng của bão số 1, trên địa bàn lại thường xuyên có mưa, mưa sớm, khiến việc hãm đọt rất khó. Sầu riêng không chịu ra hoa mà tiếp tục ra lá, cho dù nhà vườn đã xịt rất nhiều loại thuốc kích thích ra hoa. Chính sự cạnh tranh dinh dưỡng này làm cho cây không tạo được mầm hoa, nếu có ra hoa cũng không thể đậu quả và rụng nhiều, cùng với số lượng bông hạn chế do thời tiết thất thường làm nấm, bệnh phát triển. Với tình hình như vậy, sản lượng năm nay chỉ bằng 30 - 40% so với năm ngoái.

Vụ sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch rộ vào khoảng tháng 7 - 8 âm lịch, ra bông tập trung vào khoảng tháng 1, 2 âm lịch. Các giống như Mongthoong kéo dài 6 tháng, thời gian xả nhụy đến thu hoạch kéo dài 160 - 165 ngày; giống Chín Hóa và Ri 6 khoảng 150 ngày. Hiện nhiều người vẫn hy vọng sầu riêng sẽ tiếp tục ra hoa lứa 2, 3 để bù lại sản lượng do mất mùa.

Các chủ trang trại sầu riêng tại Sơn Bình rất băn khoăn không biết cha con ông Nguyễn Thế Hiển (một chủ trang trại tại Sơn Bình) dùng thuốc gì mà sầu riêng vẫn đạt hiệu quả cao. Ông Hiển tiết lộ, trong thời gian kích thích ra hoa, ông tăng cường dinh dưỡng nhiều hơn mọi năm từ 2 - 3 lần. Năm 2011, ông bón 0,5 kg NPK mỗi gốc, còn năm nay tăng lên 1 - 1,5 kg/gốc sầu riêng. Ngoài ra, ông Hiển còn dùng KNO3 bón trực tiếp trên lá để kích thích mầm hoa. Nhờ vậy, tỉ lệ hoa đậu tới 70%, cao hơn nhiều so với các nhà vườn khác. Ông Hiển nhận định, năm nay không những sầu riêng mất mùa mà chi phí vật tư lại quá cao, không có lợi cho nông dân. Giá vật tư, phân bón phục vụ cây sầu riêng tăng 5 - 20%. Phân Urê tăng 75.000 đồng/bao 50 kg so với giá 505.000 đồng/bao trước đây; phân lân tăng 20 - 30 ngàn đồng/bao; phân NPK tương đối bình ổn, 600.000 đồng/bao 50 kg. Ngoài ra, giá công lao động cũng tăng. Trong khi đó, giá các loại nông sản đều đứng, thậm chí xuống giá. Việc cung cấp vật tư, thuốc chuyên dùng tại các đại lý ở K
hánh Sơn lại chưa bảo đảm, chưa đầy đủ, đặc biệt là các loại thuốc chống nấm, kích thích ra hoa, đậu quả, nhiều loại chưa đủ hàm lượng ghi trên bao bì, buộc người mua phải tìm về xuôi để mua.

Mất mùa, nhiều nhà vườn chạy đôn chạy đáo tìm mua các loại chất kích thích ra hoa, đậu trái về sử dụng. Đây cũng là dịp để các nhà vườn nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất kích thích do mình phối hợp. Ông Chiến cho rằng, vụ sầu riêng này thất thu một phần còn do vụ năm ngoái kéo dài khiến cho thời gian nghỉ của cây chưa đủ, do vậy cây chưa thể ra hoa. Nếu biết áp dụng kỹ thuật, có thể làm cho mầm hoa phân hóa, kích thích ra hoa trái vụ. Theo ông, trong trường hợp cấp bách, có thể dùng Kali trắng (KCl) “đánh” vào đọt, sẽ cho hiệu quả rõ rệt. Với cách làm này, ông hy vọng sẽ tạo ra đợt trái mới, cho thu hoạch vào tháng 11, 12 âm lịch.

Nhiều chủ vườn cho biết, mọi năm, đến thời điểm này, đã có thương lái về tìm mua, đặt cọc, nhưng hiện tại không thấy bóng tư thương. Hiện tại, giá sầu riêng đã khá cao: 35.000 đồng/kg, nhưng nhà vườn lại không có sầu riêng để bán (năm 2011, giá sầu riêng là 18.000 - 20.000 đồng/kg). Các chủ vườn hy vọng, không được mùa nhưng được giá cũng phần nào bớt thua lỗ cho nông dân.

Có thể bạn quan tâm

Cánh Đồng Mẫu Lớn Của Cây Ớt Không Còn Xa Cánh Đồng Mẫu Lớn Của Cây Ớt Không Còn Xa

Những ngày này đi vào vùng trồng ớt thuộc xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mới có thể thấy hết không khí nhộn nhịp của người trồng ớt nơi đây. Nhiều rẫy ớt nằm san sát nhau cùng rộ lên một màu đỏ thắm của ớt chín với cảnh rộn rã nói cười của người thu hoạch ớt...

16/06/2012
Nuôi Nai Dễ Làm, Lãi Lớn Nuôi Nai Dễ Làm, Lãi Lớn

Hơn 10 năm nay, nhiều hộ nông dân tại xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, tỉnh Đắk Nông đã thành công trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hoàng (thôn Vinh Đức) với mô hình nuôi nai đạt hiệu quả cao.

16/06/2012
Ngư Dân Bội Thu Mùa Cá Cơm Ngư Dân Bội Thu Mùa Cá Cơm

Vào vụ cá nam năm nay, nhất là thời gian gần đây ở Bình Thuận, mỗi chuyến biển ra khơi ngư dân trở về với những khoang cá cơm đầy ắp. Ở các bến cảng tấp nập tàu thuyền tập kết, tiếng cười, tiếng nói ngư phủ cũng rộn rã hơn sau những ngày “hái bạc”…

16/06/2012