Đồng Bằng Sông Cửu Long nơi xuống giống, nơi... chờ mưa
Chọn giống ngắn ngày, chịu mặn
Trước thông tin Trung Quốc, Lào xả đập, thời gian qua, nhiều ND ở vùng ĐBSCL đã tranh thủ xuống giống hè thu 2016. Phần lớn những giống lúa mà người dân lựa chọn là giống ngắn ngày và có thể chịu ở độ mặn thấp. Ông Nguyễn Văn Luận (ngụ ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho hay: “Tranh thủ nguồn nước giảm mặn, gia đình tôi đã khẩn trương gieo sạ 1,2ha lúa hè thu. Tôi sử dụng giống lúa ngắn ngày IR50404 để có thể thu hoạch được sớm, bán được giá cao”.
Cũng liên quan đến việc gieo sạ trên, TS Dương Văn Ni - Trưởng Bộ môn Quản lý môi trường (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường ĐH.Cần Thơ) phân tích: “Lượng nước sông Mekong về miền Tây rất ít. Vì vậy, rất khó trông đợi lượng nước này sẽ cứu hạn, mặn. Vì vậy, các địa phương cần thận trọng đánh giá tình hình, đưa ra những khuyến cáo cụ thể để nông dân tuân thủ tốt lịch thời vụ, tránh trường hợp nóng vội xuống giống sớm mà chịu nhiều rủi ro”.
Theo phóng viên tìm hiểu, ngoài ông Luận, nhiều hộ dân ở huyện Châu Thành A và nhiều địa phương khác ở tỉnh Hậu Giang đều sử dụng những giống chịu mặn và ngắn ngày như: IR 50404, OM2517, OM576, AS996, OM5451, OM6976, OM5472... Đến nay, người dân đã gieo sạ được hơn 30.000ha trong số 77.000ha dự kiến xuống giống.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang, nhằm đảm bảo vụ lúa hè thu thắng lợi, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất cho người dân trước đợt thiên tai nghiêm trọng đang diễn ra, ngành nông nghiệp đã triển khai mô hình báo tin nhắn điện thoại từ cơ quan chuyên môn đến lãnh đạo các địa phương, đồng thời hỗ trợ các địa phương dụng cụ đo độ mặn nhằm thông tin kịp thời cho người dân.
“ND điều tiết tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất, chủ động bơm tát, tránh để ruộng khô, thiếu nước kéo dài làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Đồng thời, thường xuyên thăm đồng nhằm phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại có khả năng bộc phát mạnh trong mùa khô...” - ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang khuyến cáo.
Cũng như nhiều địa phương khác, người dân ở Cà Mau đang khẩn trương cày ải, phơi đất chuẩn bị đón nước ngọt về. Theo thống kê của các huyện như Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình và TP.Cà Mau, đến nay, bà con ND đã cày ải, phơi đất trên 28.500ha.
Không nên nóng vội
Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau thông tin: “Để chuẩn bị tốt cho vụ lúa hè thu và giảm bớt rủi ro do dịch bệnh và thời tiết, người dân cần cày ải, phơi đất ngay từ đầu vụ để diệt cỏ dại và mầm bệnh còn tồn lưu trong đất từ vụ này sang vụ hè thu này".
Còn đối với Kiên Giang, để bù sản lượng lúa bị thiệt hại trong vụ đông xuân vừa qua ngành nông nghiệp tỉnh này đã điều chỉnh cơ cấu sản xuất vụ hè thu theo hướng tránh hạn, mặn, thích hợp về nguồn nước. Cụ thể, những tiểu vùng trên vùng Tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu tình trạng hạn mặn được cải thiện, lấy được nước sẽ tập trung gieo sạ từ tháng 3-4. Riêng vùng không chủ động được nguồn nước, tỉnh lên kế hoạch… chờ mưa mới gieo sạ.
Ông Lưu Văn Ninh – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh An Giang cho rằng: Nguồn nước ở một số địa phương vùng Tứ giác Long Xuyên giảm độ mặn, có nơi chỉ còn 0,1-0,3‰. Với độ mặn trên, người dân có thể gieo sạ lúa nhưng các địa phương không nên nôn nóng, phải nghiên cứu kỹ lịch thời vụ và nguồn nước tưới. Bởi lượng nước tưới không biết rõ có duy trì, đủ để cung cấp cho cây lúa đến thu hoạch được hay không. Nếu cây lúa đang phát triển mà không có nước ngọt cung cấp thì sẽ tiếp tục bị thiệt hại.
Cũng như vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) phải chờ đến tháng 5, tháng 6 mới xuống giống, nhiều địa phương thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... vẫn đang chờ mưa.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh tỉnh Tiền Giang cho rằng: “Đến nay, diện tích lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh cơ bản đã thu hoạch xong. Riêng vụ lúa hè thu tới, người dân cũng phải chờ có mưa xuống mới gieo sạ”.
Còn ở Bến Tre, lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương khuyến cáo bà con không nên nôn nóng xuống giống vụ hè thu với hy vọng “gỡ vốn” lại thiệt hại vụ đông xuân vừa qua. Còn những khu vực đã được khuyến cáo không an toàn thì người dân không canh tác cây lúa nữa.
Liên quan đến việc người dân nhiều nơi ồ ạt xuống hè thu, PGS-TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ) khuyến cáo: “Bà con ND không nên vội vàng xuống giống sớm vì tình hình hạn, mặn sẽ còn diễn ra gay gắt đến tháng 6”.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 5.4, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ký quyết định về quy hoạch, phát triển cây mắc ca đến năm 2020.
Theo dự báo mới đây của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trong thời gian tới nhiệt độ tại nhiều nơi tiếp tục tăng, nhất là các tỉnh Nam Bộ. PV Dân Việt đã phỏng vấn ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia.
Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) vừa cho biết, giá muối ở nhiều địa phương đang giảm.