Giá / Tin nông nghiệp

Đôi vợ chồng vừa dạy chữ, vừa trồng lúa lãi 1 tỷ đồng/năm

Đôi vợ chồng vừa dạy chữ, vừa trồng lúa lãi 1 tỷ đồng/năm
Tác giả: Kỳ Phương
Ngày đăng: 02/03/2017

Khởi nghiệp với nghề “gõ đầu trẻ” ở vùng đất heo hút giáp biên giới Campuchia, vợ chồng nhà giáo Trần Hoàng Thông, Lưu Thị Hoài (xã Tân Hiệp, Thạnh Hóa, Long An) lại có niềm yêu nông nghiệp đến lạ thường.

Trong ảnh: Anh Thông đang hì hục đặt máy bơm nước để chuẩn bị cho mùa vụ mới. Ảnh: K.P

Để rồi, sau những tháng năm sáng lên bục giảng, chiều về ra đồng cày sâu cuốc bẫm, tài sản họ có được là hàng trăm bằng khen, 30ha đất canh tác cùng sự tin yêu của người dân trong vùng.

Từ gieo chữ miền biên ải…

Có đi mới biết, Tân Hiệp là xã vùng biên hẻo lánh thuộc huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An, có đường biên giới giáp với Campuchia. Cuộc sống người dân trong vùng hết sức khó khăn bởi quanh năm ngập trũng, đất đai cằn cỗi, điều kiện kinh tế vô cùng eo hẹp. 

Nói về quá trình đến với nghề dạy học và vươn lên từ việc trồng lúa trên miền đất giáp biên, anh Trần Hoàng Thông (SN 1977) nhớ lại, đầu năm 1998, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, anh trực tiếp nhận công tác tại xã Tân Hiệp. Ngày đó, nơi này là vùng khó khăn nhất nhì huyện Thạnh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Đường sá cách trở, người vùng khác muốn vào đây chỉ có thể đi thuyền, cơ sở vật chất không có gì ngoài những đám tràm chạy xa tít, bất tận. Thêm vào đó, khu này không có điện thắp sáng, không nước sạch, dân cư thưa thớt, quạnh hiu. Chính vì vậy giai đoạn này, phải có sự yêu thương, hy sinh lắm giáo viên mới về đây dạy học.

Với tấm chân tình của một người con sinh ra và lớn lên tại đây, anh Thông hiểu rõ nỗi khổ của người dân khi phải “đốt đuốc tìm chữ” nên đã chọn vùng đất quê hương làm điểm dạy học. Tuy quyết tâm là thế, nhưng nhiều khi, nhìn vào sự thiếu thốn nơi muỗi kêu như sáo thổi, không ít lần khiến anh chạnh lòng muốn bỏ cuộc rồi cao chạy xa bay đến chốn thị thành.

Những khi nỗi buồn lòng đi qua, lúc bình tâm nghĩ lại, anh không nỡ bỏ đám trò nghèo bởi sự chăm ngoan, đam mê vì “cái chữ” và hơn hết là niềm thân thiện, tấm chân tình của người dân chân chất nơi vùng đất “hẻo lánh” này.          

Đầu năm 2000, anh Thông lập gia đình cùng cô giáo Lưu Thị Hoài (SN 1978, quê Hà Tĩnh), một giáo viên trẻ mới về nơi này công tác. Sau kết hôn, đôi vợ chồng son dựng một căn nhà nhỏ ven kênh làm chỗ trú ngụ cũng là nơi để vợ chồng vui vầy sau những giờ mệt nhoài đứng lớp.                                 

Sau bao năm nuôi mầm từ những con chữ trên vùng biên, thầy Thông cùng vợ được người dân bản địa quý mến vì sự tận tâm, hết lòng với sự nghiệp “trồng người” ở vùng đất xa xôi của Tổ quốc. “Ngoài cái chữ để dạy học cho bọn trẻ trong vùng, thầy Thông, cô Hoài được mọi người nơi đây kính nể bởi sự chịu khó, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm trong việc trồng và phát triển cây lúa, nâng cao đời sống của gia đình và nhiều hộ dân trong khu vực” - anh Nguyễn Văn Hùng (hàng xóm gia đình anh Thông) nhận xét.

Đến ươm mầm cây lúa làm giàu

Nhớ lại cơ duyên khởi nghiệp, anh Thông trầm giọng, thời đó đồng lương giáo viên ba cọc ba đồng, hai vợ chồng ngoài giờ đi dạy lại lo tăng gia sản xuất thêm, ai mướn gì làm nấy. Sau 5 năm lao động cật lực, với số tiền tích góp được cùng vay mượn bạn bè, vợ chồng anh Thông quyết định mở trang trại nuôi gà, vịt nhằm kiếm thêm thu nhập. Vậy mà, đến năm 2006, khi nhà trường tăng thời gian dạy, anh Thông bàn với vợ và quyết định dừng hẳn việc chăn nuôi để thực hiện tốt công việc giảng dạy. Nhưng với bản chất nông dân, từ nhỏ quen với việc đồng áng, thấy đất đai vùng này rộng lớn, anh Thông nghĩ đến việc đầu tư trồng lúa. Nói là làm, với phương châm “lấy công làm lời, sống tiết kiệm...” anh Thông gom góp số tiền tiết kiệm cùng vay mượn người thân mua được 2ha đất ruộng.

Vợ chồng anh Thông, chị Hoài vừa là giáo viên ưu tú, vừa là nông dân sản xuất giỏi. Ảnh: K.P

Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong quá trình canh tác, cộng thêm điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phức tạp nên gia đình liên tiếp thất thu, kinh tế rơi vào cảnh túng thiếu, kiệt quệ...

Không chấp nhận thất bại, ngoài thời gian dạy trên lớp, anh Thông đăng ký học các lớp hướng dẫn phương pháp sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Hai vợ chồng mạnh dạn đầu tư thêm ruộng, mua máy cày, máy làm đất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật để cải tạo lại quỹ đất của gia đình.

Nói về diện tích lúa rộng lớn hiện tại, anh Thông kể, cứ năm nào được mùa, bán có lợi nhuận, vợ chồng anh lại chắt chiu mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác. Trước đây mỗi năm làm chỉ được 1 vụ, nhưng bây giờ công tác thủy lợi, đê điều được đảm bảo nên người dân vùng này đã có thể canh tác được 2 vụ/năm, nhờ đó mà đời sống người dân cũng được ổn định phần nào.

Ông Trần Ngọc On – Bí thư xã Tân Hiệp cho biết, thầy Thông và cô Hoài có nhiều thành tích trong việc giảng dạy, đáng được biểu dương. Đồng thời, họ cũng là nông dân sản xuất giỏi, có nhiều thành tích trong sản xuất nông nghiệp. Vợ chồng thầy Thông, cô Hoài xứng đáng là nông dân tiêu biểu cho sự nghiệp xây dựng ở địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Địa phương đã nhiều lần trao giấy khen cho sự nghiệp trồng người ở vùng biên giới này.

Khi khâu sản xuất đã được định hình, mà câu chuyện “được mùa mất giá” mãi đeo bám bà con nông dân, công sức của mình làm ra luôn bị thương lái ép giá, anhThông lại ngược xuôi lần theo các thương lái để tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như giúp nhiều bà con nơi đây có thể bán được lúa với giá cao.

Trong những ngày hè, tranh thủ thời gian nghỉ dạy, anh Thông giao việc đồng áng lại cho vợ rồi lần theo thương lái xem họ nhập hàng ở đâu, giá cả thị trường thế nào. “Để có được nơi nhập hàng ổn định như bây giờ tôi đã mất đến mấy tháng trời đi tìm cũng như tham khảo tất cả thị trường ở vùng này, có khi phải âm thầm đi theo các thương lái cả tuần không về nhà”-anh Thông kể.

Trải qua biết bao thử thách, từ 2ha đất ruộng ban đầu, giờ đây đôi vợ chồng giáo viên miền biên đã là chủ của gần 30ha đất sản xuất. Kinh tế gia đình đã ổn định, hai người không còn phải sớm tối tất bật với công việc đồng án như trước nữa mà thuê sức lao động của người dân địa phương.

Với vốn kiến thức về nông nghiệp đã tích lũy được từ nhiều năm qua, anh Thông không ngần ngại chia sẻ phương pháp kỹ thuật cũng như tận tình hướng dẫn mọi người phòng chống sâu bệnh, thiên tai... Trong năm 2016, sản xuất lúa của gia đình anh Thông đạt từ 400 – 500 tấn/vụ. Khấu trừ nhân công, chi phí sản xuất, tiền lãi thu được khoảng 1 tỷ đồng.


Có thể bạn quan tâm

Từ bỏ mức lương “nghìn đô ” về quê nuôi lợn với giấc mơ tỷ phú Từ bỏ mức lương “nghìn đô ” về quê nuôi lợn với giấc mơ tỷ phú

Với thu nhập cả ngàn USD mỗi tháng, nhưng do đam mê làm trang trại nên chàng thạc sỹ ngành Kỹ thuật công trình giao thông người Hà Tĩnh đã về quê mở trang trại

02/03/2017
Trí thức trẻ lo chuyện trồng lan, nuôi cá... Trí thức trẻ lo chuyện trồng lan, nuôi cá...

Đội ngũ trí thức trẻ TP.HCM đang quan tâm hỗ trợ nông dân từ chăm sóc con gà, con lợn, vườn rau đến chất lượng nguồn nước sạch, môi trường sống đội

02/03/2017
Nỗi lo từ chim trời mang virus cúm Nỗi lo từ chim trời mang virus cúm

Việc chim trời nhiễm virus cúm gia cầm (CGC) bay qua biên giới mang dịch bệnh là vấn đề mới cần được đặt ra để có phương án phòng chống hợp lý

02/03/2017