Giá / Tin nông nghiệp

Đổi đời từ nước biển dâng

Đổi đời từ nước biển dâng
Tác giả: Nguyễn Tiến Hưng
Ngày đăng: 28/07/2016

Rước tôm về ruộng: Lời lớn

Sau mấy năm tự phát nuôi tôm trên đất trồng lúa, đời sống bà con ở ấp 18, 19, 20 xã Nguyễn Phích (U Minh) dần khấm khá. Ông Đàm Văn Nguyễn, Trưởng ấp 20 cho biết, có khoảng 500 hộ dân nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc trong tỉnh Minh Hải (cũ) nhận khoán đất lâm nghiệp để trồng lúa, trồng rừng từ năm 1992.

Nhưng vì đời sống khó khăn, phần lớn trong số đó đã bỏ đi. “Từ khi nuôi tôm xen canh với lúa có hiệu quả, giá đất chuyển nhượng mỗi khuôn hộ vài trăm triệu đồng, người cũ quay về, người mới đến thuê đất để nuôi tôm, trồng lúa”- ông Nguyễn nói. Trước đây, mỗi năm trồng vụ lúa chỉ được 5-7 giạ/công. Khi chuyển sang nuôi tôm, lúa trúng gấp đôi, khoảng 15-20 giạ/công, đủ ăn no.

Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, lúc đầu bà con nông dân tự chuyển đổi xen canh lúa - tôm chưa có kinh nghiệm, năng suất tôm chỉ 100-200 kg/ha, nhưng hiện nay tăng lên 320- 350 kg/ha và lúa trúng hơn, có thể đạt 4- 4,1 tấn/ha. Ông Đoàn Văn Đây, ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng (Cái Nước) cho biết, từ cuối năm trước đến khoảng tháng 5 của năm sau là thời điểm nuôi tôm tốt. “Luân canh tôm- lúa cho hiệu quả hơn hẳn trồng lúa, chưa kể khi nước bị xâm nhập mặn sớm, lúa mất trắng” - ông Đây đúc kết.

Ông Nguyễn Văn Thới, ở ấp Tân Biên, xã Tân Hưng (Cái Nước, Cà Mau) tính toán: Nuôi tôm thẻ chân trắng- trồng lúa đạt gần 70 triệu đồng/ha. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm khoảng 55 triệu đồng/ha.

Tại Kiên Giang, từ năm 2010- 2015, diện tích tôm - lúa của bà con nông dân ven biển các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, Gò Quao, Hòn Đất... tăng bình quân trên 7%/năm. Năng suất tôm bình quân đạt 373 kg/ha, lúa đạt 4 - 5 tấn/ha, cá biệt có vùng 6 - 7 tấn/ha. Hiện Bạc Liêu là tỉnh đứng thứ ba vùng bán đảo Cà Mau có tôm - lúa, với tổng diện tích 29.867 ha. Ông Lương Ngọc Lân - GĐ Sở NN&PTNT Bạc Liêu cho biết, diện tích canh tác tôm - lúa đan xen tăng nhanh qua các năm, tập trung ở huyện Hồng Dân, Phước Long, Giá Rai, Vĩnh Lợi.

Đừng bắt nông dân trồng lúa nữa

Theo GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL không nên giữ diện tích trồng lúa lớn như hiện nay. “Tôi thấy không cần giữ diện tích trồng lúa quá cao như hiện nay. Muốn nông dân giàu thì không nên bắt nông dân trồng nhiều lúa nữa” - GS Võ Tòng Xuân nói.

Ông kể: “Tôi sang các nước, họ nói là không cần trồng lúa làm gì, để Việt Nam sản xuất lúa, mua gạo rẻ ăn sướng hơn. Họ trồng cây ăn trái, làm thứ khác để làm giàu, tội tình gì phải trồng lúa”. Singapore là một ví dụ. Họ không trồng cây lúa nào nữa mà rất giàu, lợi tức bình quân đầu người cao nhất trong ASEAN. “Tại sao lãnh đạo mình không thấy điều đó, cứ bắt nông dân trồng lúa, thích danh hiệu mỗi năm xuất khẩu 7, 8 triệu tấn gạo, để nông dân chúng ta hy sinh? Điều này quá bất công!” - GS Xuân nói.

Vị giáo sư cả đời gắn bó và tâm huyết với người nông dân cho rằng, từ ngàn xưa ông bà mình đến vùng này trồng lúa nhưng rất thông minh. Thí dụ, nông dân ở phía ngoài vùng ngọt hóa, bà con trồng một vụ lúa, sau đó cho nước mặn vào (lúc đất còn ướt nên sẽ không làm hư đất) để nuôi các loại thủy sản, tăng lợi tức gấp năm, bảy lần. Bà con có khoảng 5 tháng để nuôi tôm, nuôi cua, cá kèo hoặc các loài thủy sản khác để tăng thu nhập. Khi mưa xuống, bà con lại đóng cống lại, rửa mặn, trồng lúa. Như vậy, vừa giữ được an ninh lương thực, vừa làm giàu.

Ông Trần Thanh Liêm, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Cà Mau cho rằng, từ năm 2000 đến nay, tỉnh Cà Mau chuyển dịch sản xuất theo hướng “thụt lùi”, ngược với hướng mặn xâm nhập và khát vọng làm giàu của nông dân.

Vì chuyển dịch “thụt lùi” nên bị động, không có giải pháp kỹ thuật và bà con nông dân phải trả giá không ít trong những năm đầu chuyển dịch. Tuy nhìn nhận về xu hướng thắng thế của con tôm, nhất là ở diện tích xen canh lúa và tôm, song ông Liêm khuyên bà con “đừng bỏ lúa”, vì trồng lúa vừa có gạo ăn, vừa tạo môi trường tốt, sạch bệnh cho tôm và ngược lại.


Có thể bạn quan tâm

Hướng đi mới cho cây ăn trái Hướng đi mới cho cây ăn trái

Vùng ĐBSCL có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu cây ăn trái, thế nhưng tình trạng “tới mùa rớt giá” cứ lặp đi lặp lại, cộng với diễn biến hạn mặn ngày càng phức tạp khiến những hộ làm vườn lao đao. Tìm hướng đi mới để phát triển bền vững các vườn cây ăn trái đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

28/07/2016
Trái vú sữa Việt Nam sẽ được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ quý IV/2016 Trái vú sữa Việt Nam sẽ được phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ quý IV/2016

Tiếp theo các loại quả Việt Nam đã được chính thức cho phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ gồm: thanh long, chôm chôm, vải và nhãn, Bộ Nông nghiệp nước này vừa cho đăng Công báo Liên bang sẽ cho phép nhập khẩu thêm trái vú sữa của Việt Nam, dự kiến từ quý IV năm nay.

28/07/2016
Cam sành mùa nghịch khó đậu trái do mưa lớn kéo dài Cam sành mùa nghịch khó đậu trái do mưa lớn kéo dài

Nhiều nhà vườn trồng cam sành trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết do ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích cam sành xử lý cho trái mùa nghịch đã cho kết quả không như mong đợi.

28/07/2016