Giá / Mô hình kinh tế

Đổi Đời Từ ‘Độc Chiêu’ Bắt Tôm Hùm Giống

Đổi Đời Từ ‘Độc Chiêu’ Bắt Tôm Hùm Giống
Tác giả: 
Ngày đăng: 11/09/2011

Ngư dân làng chài Cửa Sức (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) có cách bắt tôm hùm giống độc nhất vô nhị, nhờ đó cả làng đổi đời... Chiêu bẫy tôm hùm con độc đáo này được chính ngư dân làng chài Cửa Sức phát minh gần 10 năm nay. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày xóm nhỏ Cửa Sức cung cấp từ 1.000 - 1.500 con tôm hùm giống cho các trại nuôi trong vùng với giá “khủng”.

“Độc chiêu”...

Xóm biển Cửa Sức chỉ chừng 80 nóc nhà, được hình thành sau giải phóng từ chương trình phát triển kinh tế mới, với nghề duy nhất là đánh bắt hải sản. Tuy nhiên, do chỉ đánh bắt gần bờ nên thu nhập từ những chuyến biển ngày càng ít. Ngư dân Cửa Sức sau những mùa biển thất bát, tản đi khắp các trại tôm hùm vùng Khánh Hòa, Phú Yên làm thuê lại nảy ra sáng kiến săn tôm hùm giống bán cho những trại nuôi tôm thịt trong vùng.

Ông Dương Cu (chú Sáu, 53 tuổi) chính là người phát minh ra chiêu bẫy tôm hùm giống độc đáo này kể, trước đây, sau nhưng chuyến biển không đủ nuôi cả gia đình gần 10 người con, chú đành treo lưới, quẩy ba lô ra Phú Yên làm thuê cho các hộ nuôi tôm hùm bè. Những ngày làm thuê, chú mới biết là tôm hùm không thể làm giống như tôm sú, mà phải bắt con giống trong tự nhiên với giá đắt đỏ. Sực nhớ bãi biển quê mình với những rặng san hô ngầm gần bờ là nơi trú ngụ của tôm hùm con, chú vội vã quay về làng, nghĩ chuyện bắt tôm hùm giống.

Ban đầu, ông thả đùm lưới cước bắt tôm, hình thức tốn kém này lại chỉ cho thu nhập nhỏ giọt. Những ngày vắt óc tìm cách bắt tôm hùm con, chú Sáu phát hiện tôm mới nở thường chui vào hốc san hô để trú. Đặc biệt vào 2 mùa sinh sản, từ tháng 5 - 8 âm lịch và tháng 11 - 2 âm lịch, tôm mẹ càng tập trung về nhiều hơn. Những con tôm mẹ to kềnh, mỗi lần đẻ hàng vạn trứng. Trứng tôm hùm theo nước bám vào rạn san hô. Từ đây, trứng nở ra tôm con, sống bám trong rạn đá. Thế nhưng, để bắt được con tôm nhỏ như cọng tăm nằm trong hang hốc, thật không dễ dàng gì.

Chú Sáu nảy ra sáng kiến lấy những hòn đá san hô to bằng trái bóng, đục những hốc nhỏ như ngón tay để làm "nhà" nhân tạo cho tôm con. Thả thử vài viên đá và đợi, một hai ngày sau vớt lên, chú vui mừng khôn xiết khi thấy vô số tôm con chui vào các hốc đá trú ngụ. Thế là bài toán có lời giải. Chú Sáu mang bí quyết khoe với cả làng. Hàng trăm hòn đá to nhỏ được đục lỗ rồi buộc vào tấm lưới (cho nổi lưng chừng trong nước), viên này cách viên kia 20 - 80 cm. Tôm hùm con bơi đi kiếm ăn, gặp những chiếc tổ nhân tạo này bèn chui vào trú ngụ, còn những con bơi lơ lửng trong nước thì bám vào lưới. 1 - 2 giờ chiều thả đá, đến khi mặt trời vừa ló dạng là cả làng rủ nhau chèo thuyền, lắc thúng đi kéo đá bắt tôm.

Xóm nhà lá lên đời

Bằng cách này, vào mùa tôm hùm tập trung sinh sản, mỗi người bắt được cả chục con tôm hùm giống. Giá mỗi con tôm nhỏ như chiếc tăm được trả với mức “khủng”, có khi lên đến 150.000 đồng. Trẻ con 7 - 8 tuổi có ngày cũng kiếm được tiền triệu chỉ từ vài viên đá. Chú Sáu khoe: “Nếu trúng mánh, sau một đêm ngủ dậy có thể bỏ túi gần chục triệu. Vì thế, cứ đến mùa tôm giống là cả làng lại vui như hội". Từ ngày phát minh ra nghề thả đá bẫy tôm, cuộc sống của ngư dân Cửa Sức sung túc hẳn lên, nhà tranh vách lá được thay bằng nhà ngói khang trang.

Xóm trưởng Đoàn Xuân Dũng vui vẻ: Nghề thả đá bắt tôm là hoàn toàn tự nhiên, không mang tính hủy diệt. Công việc không đòi hỏi kỹ thuật cao, không phải mất nhiều chi phí đầu tư, cũng không lo lắng thời tiết nên già trẻ, gái trai trong làng đều làm được... Trong làng, phụ nữ đi nhặt đá về, đàn ông khoan lỗ, buộc lưới, hoàn tất bộ “đồ nghề” bẫy tôm. Nghề bẫy tôm bằng đá giờ đã là nghề chủ đạo trong xóm. Nhà nào ít thì vài trăm hòn đá, nhiều thì có thể lên tới 2.000 - 3.000 viên, thêm 1 chiếc thúng chai hoặc “sang” hơn là chiếc ghe nhỏ, thế là có đủ đồ nghề làm giàu. Mỗi nhà đều có “bãi” bắt tôm riêng mà không ai lấn của ai.

Hàng ngày, cứ sáng sớm đến xế trưa, làng lại rộn ràng không khí giũ tôm, bán tôm.


Có thể bạn quan tâm

Doanh Nghiệp Mở Lớp Dạy Nông Dân Nuôi Chồn Ở Đắk Lắk Doanh Nghiệp Mở Lớp Dạy Nông Dân Nuôi Chồn Ở Đắk Lắk

Theo ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiên Cường thì mục đích của các lớp tập huấn là nhằm tạo nghề, giúp nông dân có kỹ thuật sản xuất mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời cũng để góp phần cho thương hiệu cà phê chồn Dak Lak ngày càng lớn mạnh hơn, đủ sức vươn xa ra và cạnh tranh trên thị trường thế giới.

11/09/2011
Thu Hoạch Và Bảo Quản Lạc Giống Thu Hoạch Và Bảo Quản Lạc Giống

Xác định thời điểm thu hoạch là một khâu quan trọng vì nó ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng hạt giống. Nên chọn ngày nắng ráo, mặt ruộng khô để thu hoạch. Lạc giống nên thu hoạch khi kiểm tra thấy lá vàng, vỏ quả cứng, chắc, ít quả lép, 70-75% quả chín sinh lí (với dạng cây phân cành liên tục tỷ lệ này còn có thể thấp hơn).

11/09/2011
Tiếp Vốn Cho Nông Dân Nuôi Thủy Sản Tiếp Vốn Cho Nông Dân Nuôi Thủy Sản

Thông qua Dự án Nuôi thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (do T.Ư Hội NDVN và Hội ND tỉnh Nam Định thực hiện), 26 hộ dân vùng ven biển xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã được tiếp vốn để nuôi tôm.

11/09/2011