Đổi Đời Nhờ Ngô Lai
Đến xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hỏi ông Đào Ư thì ai cũng biết bởi ông là nông dân sản xuất giỏi của xã nhiều năm liền nhờ trồng ngô (bắp) lai.
Từ năm 2007 đến nay, năm nào ông cũng đạt năng suất ngô lai cao. Nếu giống ngô lai cho năng suất trung bình khoảng 8 tấn/ha thì ông Ư đã nâng lên được tới 13 tấn/ha.
Ông cho biết, trước đây nhà ông rất khó khăn, vốn liếng chỉ có 1ha đất, chủ yếu trồng ngô thường nên năng suất không cao, thu nhập chẳng đáng là bao, không đủ trang trải cuộc sống gia đình và lo cho các con ăn học.
Từ khi Công ty CP Giống cây trồng Việt Nam cung cấp giống ngô lai, qua học tập, tìm hiểu mô hình của các địa phương khác, ông mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng ngô lai. Chỉ với 1ha đất trồng ngô lai, nhờ bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, tìm tòi, áp dụng phương pháp kỹ thuật hiệu quả, gia đình ông đã thu lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm.
Ông Ư chia sẻ kinh nghiệm: “Không chỉ áp dụng đúng phương thức kỹ thuật mà còn phải kiểm soát, phòng trừ sâu bệnh tốt cho cây ngô. Phải thường xuyên theo dõi để biết được độ ẩm của ngô, qua đó phát hiện sâu bệnh đúng lúc và có cách phòng trị hiệu quả. Ngoài ra, bí quyết của tôi còn là lúc ngô trổ cờ thì bẻ cờ cây cái, sau đó 10 ngày thì chặt cây đực, cây sẽ cho năng suất cao”.
Với những phương pháp trồng ngô lai hiệu quả, gia đình ông đã khấm khá lên nhiều. Không những lo được cho 4 người con học đại học đàng hoàng, ông còn xây được căn nhà khang trang. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Ư còn luôn nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn những người khác kinh nghiệm trồng trọt để cùng phát triển kinh tế và nhân rộng mô hình.
Bí thư Đảng ủy xã Phước Tân - ông Nguyễn Xuân Bằng nhận xét: Ông Ư là một trong những tấm gương nông dân cần cù, ham học hỏi và biết chia sẻ với cộng đồng rất đáng học hỏi.
Có thể bạn quan tâm
Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Chile (INIA) cho biết đang hỗ trợ Việt Nam trồng cây diêm mạch, loại lương thực được mệnh danh là "hạt vàng" bởi giá trị dinh dưỡng cao.
Giá cam sành tăng cao, người trồng thắng đậm, nhiều nhà vườn trồng chuyên canh cây cam sành ở các xã: An Phú Tân, Hoà Tân, Tam Ngãi, Thông Hòa… huyện Cầu Kè (Trà Vinh) trở thành tỷ phú. Chính sự hấp dẫn này khiến nhiều người ở huyện Cầu Kè đang “đổ xô” lên liếp trên ruộng trồng lúa, phá bỏ vườn cây trái để trồng cam sành.
Mỗi sáng, trước lúc lùa vịt ra đồng cho ăn, chủ vịt thường chuẩn bị sẵn các thứ: cờ, bình nước, hộp cơm, bì thuốc lá, nếu “đã” hơn thì có thêm chiếc radio cà tàng.