Độc đáo đặt xà di bắt cá rô miền Tây
Ở miền Tây người dân có nhiều cách bắt cá rô như: đặt lọp, giăng lưới, đăng, dớn, kéo vó… và gần đây phát minh rất độc đáo của nhiều người dân là dùng xà di bỏ mồi vào dụ bắt cá rô, tuy rất đơn giản mà đem lại hiệu quả cao.
Người dân có nhiều cách bắt cá rô như: đặt lọp, giăng lưới, đăng, dớn, kéo vó…
Xà di là dụng cụ để bắt cá rô được làm bằng tre rất gọn nhẹ không cần phải đi bằng ghe hay vỏ lãi (tắc ráng), mà chỉ cần một chiếc xuồng nhỏ là có thể làm được nghề. Để làm xà di, người ta phải đốn tre, cắt ra từng khúc dài khoảng 1,2 m, ngâm nước một thời gian rồi chẻ ra, vót nan cho thật tròn, đều. Sau đó, dùng dây bện (buộc) lại thành hình tròn giống như cái lọp, đầu trên túm lại như cái chóp, đầu dưới hình tròn như vành thúng, được gọi là đáy. Đáy cũng được bện kín bằng tre để khi cá vào không thoát ra được.
Xà di phải đặt ở bờ mẫu có nhiều cỏ, gợt lớp bùn để khi cắm xà di bùn không trộn lẫn mồi. Tụm cỏ lại để có chỗ êm cá vô ăn mồi. Đặt xà di sao cho cao hơn mặt nước khoảng 10 cm để cá chạy không bị chết, buộc dây để xà di đặt được vững. Để cá vô nhiều nhất cần chọn những nơi có nhiều cỏ mà đường nước cắt ngang, vì thường cá đi theo nước nên những chỗ đó chạy rất nhiều và được cá lớn.
Mồi nhử cá rô thường dùng loại lúa non hoặc bằng mắm sống băm nhuyễn, trộn với đất nhão rồi vo tròn lại. Trước khi đặt phải cho mồi vào xà di, sau đó chọn vị trí cần đặt rồi làm trống cỏ và gợt lớp bùn dưới ruộng, tiếp theo cắm xà di xuống đất, tủ cỏ buộc lại bằng một sợi dây chì. Cứ vài mét đặt một xà di. Thường khi đặt xà di, cứ khoảng vài tiếng đồng hồ là thăm (dỡ) một lần, có khi đặt suốt cả đêm mới dỡ. Nếu thấy có cá, người ta lật ngược chiếc xà di lại để trút cá ra.
Hiện tại, cá rô loại 1 có giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg; còn loại 2 giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Với chi phí đầu tư sắm xà di khoảng 2 - 2,5 triệu đồng (sẽ có trên 100 cái), người làm nghề chỉ cần đặt 7 - 10 ngày là lấy lại vốn. Chia sẻ của các hộ dân, người đặt xà di kiếm được 4 - 5 kg, còn nhiều 10 - 15 kg/ngày (số lượng xà di từ 100 - 150 cái). Nhờ có nhiều loại hình đánh bắt này mà các hộ dân ở ĐBSCL không sợ thất nghiệp; người ít nhất cũng có thu nhập cả trăm nghìn đồng, người nhiều lên gần cả triệu đồng mỗi ngày.
Có thể bạn quan tâm
Trước tình trạng sá sùng ngoài tự nhiên đang dần cạn kiệt do khai thác quá mức, các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu phát triển nuôi thương phẩm sá sùng
Vi tảo Scenedesmus là một trong những loài tảo nước ngọt đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái thủy vực.
Để xử lý và cải thiện môi trường, kiểm soát dịch bệnh người nuôi tôm cần sử dụng một số loại hóa chất, thuốc và chế phẩm sinh học