Đổ Xô Trồng Ớt, Giá Rớt Mạnh
Những ngày đầu năm 2013, giá ớt đầu mùa ở các tỉnh ĐBSCL bất ngờ giảm mạnh. Hiện tại, giá ớt chỉ nằm ở mức 15.000 - 18.000 đồng/kg, bằng gần phân nửa so với mức giá 40.000 - 50.000 đồng/kg thời điểm tháng 6 - 7 năm ngoái. Với mức giá ớt này, người trồng ớt phải chịu lỗ hàng chục triệu đồng cho mỗi héc ta ớt thu hoạch.
Những ngày này, các cánh đồng ớt trên địa bàn huyện Chợ Gạo - địa phương có diện tích trồng ớt lớn nhất tỉnh Tiền Giang bắt đầu cho thu hoạch rộ vụ ớt thứ 2 trong năm (tính theo âm lịch). Tuy nhiên, không khí thu hoạch vụ ớt này không còn hối hả, rộn ràng như vụ ớt hồi tháng 6 - 7 năm ngoái do giá ớt đang ở mức thấp dưới giá thành sản xuất.
Bà Huỳnh Thị Mai, nông dân trồng 5.000 m2 ớt ở xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, hiện nay giá ớt đang ở mức thấp kỷ lục trong hai năm trở lại đây, với mức giá 15.000 - 18.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành trồng ớt hiện nay đã lên tới 20.000 - 21.000 đồng/kg do các chi phí phân, thuốc, nhân công chăm sóc, thu hoạch liên tục tăng lên.
Theo bà Mai, với giá ớt hiện nay nông dân trồng ớt phải chịu lỗ 3.000 – 6.000 đồng/kg. Năng suất bình quân mỗi héc ta ớt ở địa phương này khoảng 11 - 12 tấn/vụ, tính ra người trồng ớt phải chịu lỗ khoảng 30 - 70 triệu đồng/héc ta cho mỗi vụ.
Hiện nay sức tiêu thụ ớt cũng rất chậm, nhiều đại lý thu mua ớt đã ngưng hoạt động trong khi nhiều vườn ớt trong khu vực này đang vào giai đoạn chín tới. Nếu như vụ ớt trước, người trồng ớt chỉ cần thu hoạch xong là có thương lái đến tận nhà thu mua, trả tiền ngay thì hiện nay nông dân phải chở ớt ra tận các đại lý thu mua để giao ớt.
Ông Nguyễn Văn Năm, xã Bình Phục Nhất, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết, gia đình ông có 3.000 m2 trồng giống ớt “chỉ thiên” sắp đến thời điểm thu hoạch. Nếu những ngày tới, giá ớt không có chuyển biến tốt thì vườn ớt của ông phải chịu lỗ trên 20 triệu đồng vì năng suất ớt thấp, chỉ đạt khoảng 0,8 - 1 tấn/1.000 m2.
“Hi vọng giá ớt những ngày cận Tết Nguyên đán sẽ khả quan hơn để bà con trồng ớt đỡ khổ. Nếu như giá ớt vẫn giữ mức này từ nay đến Tết, nông dân trồng ớt như chúng tôi khó có được một cái Tết ấm no, sung túc vì người trồng ớt lỗ nặng”, ông Năm than.
Về nguyên nhân giá ớt vụ này xuống thấp kỷ lục như hiện nay, một thương lái thu mua ớt ở thị trấn Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) cho biết, năm ngoái giá ớt cao “ngất ngưởng”, người trồng ớt lãi hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta nên diện tích trồng ớt trong tỉnh và các tỉnh lân cận trong vụ này tăng mạnh, dẫn sản lượng ớt tăng cao.
Trong khi đó, thời gian qua, ớt chủ yếu được tiêu thụ bằng con đường xuất khẩu sang Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ nhưng hiện nay các thị trường này tiêu thụ ít hoặc không mua. Điều này dẫn đến tình trạng cung vượt xa cầu, giá ớt giảm mạnh.
Nhiều người trồng ớt ở xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo) cho biết, mỗi năm bà con nơi đây trồng 2 vụ ớt, chủ yếu là giống ớt “chỉ thiên” do giống này dễ trồng, năng suất lại cao. Thường vụ 1 kéo dài từ tháng 4 - 7, sau đó bà con nhổ ớt, cải tạo đất, gieo hạt trồng vụ tiếp sao cho thu hoạch trước Tết âm lịch khoảng hơn một tháng.
Mỗi vụ ớt chỉ khoảng hơn 100 ngày, trong đó 70 - 80 ngày là thời gian từ khi gieo hạt đến bắt đầu thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài trong khoảng 1 tháng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, toàn huyện hiện có khoảng 650 héc ta ớt, chủ yếu tập trung ở các xã Bình Ninh, Bình Phục Nhứt, Bình Phan...; riêng xã Bình Ninh đã có tới hơn 350 héc ta ớt, chiếm khoảng 97% diện tích đất trồng hoa màu của xã.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, toàn tỉnh có trên 70% nông dân, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội khác. Trước khi nghị quyết “tam nông” ra đời, việc đầu tư của Nhà nước cho phát triển nông nghiệp chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đặt đầu tư cho nông nghiệp thành động lực để tái cơ cấu và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Cây việt quất đã được chứng minh rất có lợi cho não và mới đây các nhà khoa học Canada cho biết loại quả này còn tốt đối với tim do có tác dụng làm giảm lượng cholesterol.
Bao bọc xung quanh khu đồng cỏ của xã miền núi Khả Phong (Kim Bảng – Hà Nam) là núi đá cằn cỗi, đất đồng chiêm trũng, cây lúa sống còn chật vật. Không ai có thể ngờ nơi đây lại xuất hiện một khu nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm càng xanh cho lợi nhuận kinh tế cao