Giá / Tin nông nghiệp

Điều kiện cần và đủ để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn

Điều kiện cần và đủ để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn
Tác giả: Hoàng Văn
Ngày đăng: 17/05/2022

Thời gian tới, các địa phương phải tập trung xây dựng, nhân rộng cơ sở chăn nuôi ATDB.

Kinh tế nông thôn giới thiệu một số cách xây dựng vùng chăn nuôi ATDB tại một số địa phương và điều kiện và đủ để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn?

Hình thành vùng chăn nuôi an toàn, nhìn từ Hà Nội

Hà Nội là địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, đứng tốp đầu cả nước và có  tốc độ phát triển tăng trưởng tốt. Những năm qua, tuy bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng các trang trại áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn không những kiểm soát được dịch bệnh mà còn truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng đòi hỏi của các nhà phân phối và nâng cao giá trị sản phẩm.  

Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, ở xã Thọ Lộc (Phúc Thọ), cho biết, do áp dụng mô hình chăn nuôi ATDB nên trong thời gian dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở nhiều nơi, trang trại vẫn giữ ổn định với tổng đàn 200 con, được gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên giá bán cao hơn 10-20% so với lợn nuôi theo phương pháp truyền thống.

Theo ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (Thanh Oai), HTX có trang trại nuôi 500 lợn nái, 5.000 lợn thương phẩm. Để hạn chế dịch bệnh phát sinh, trang trại đã đầu tư hệ thống chuồng trại hiện đại, chăn nuôi theo hướng ATDB, kiểm soát chặt chẽ từ con giống, quy trình sản xuất đến tiêu thụ. Năm 2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi tác động mạnh đến ngành chăn nuôi nhưng trang trại không bị thiệt hại về kinh tế.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, xây dựng được vùng ATDB chính là “chìa khóa” quan trọng nhất trong chăn nuôi, thú y để có thể phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững. Do đó, các tỉnh, thành phố cần tổ chức xây dựng các vùng an toàn, cơ sở an toàn dịch bệnh, tập trung ở các xã, vùng trọng điểm tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại theo quy hoạch. Việc tổ chức xây dựng vùng ATDB cũng cần kêu gọi xã hội hóa để triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, hướng tới cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cao cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Hoàng Lê Đại Thắng, Phó phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Chương Mỹ, cho rằng, việc các trang trại thực hiện mô hình chăn nuôi ATDB không chỉ giúp chính quyền địa phương chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà còn tạo thuận lợi cho công tác quản lý, giám sát cũng như giảm thiểu tác động chất thải ra môi trường…

Hiện tại, các trang trại quy mô lớn có xu hướng tăng nhanh và đang giảm dần quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ với 110 trang trại quy mô lớn; 1.609 trang trại quy mô vừa; 5.809 trang trại quy mô nhỏ; 195.539 hộ chăn nuôi. Hà Nội đến nay có 38 cơ sở chăn nuôi gia súc ATDB. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô xác định, phối hợp với các địa phương tiếp tục phát triển cơ sở chăn nuôi ATDB tập trung ở 76 xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư ở các huyện, thị xã. Cùng với đó là hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi ATDB về kỹ thuật chăm sóc, khoa học kỹ thuật  để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Để xây dựng các cơ sở chăn nuôi ATDB, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có kiểm soát, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, ATDB, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, ATDB, vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất chất lượng giống vật nuôi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện. Đề xuất bổ sung chính sách đặc thù hỗ trợ di dời các trại chăn nuôi trong khu dân cư nhằm đáp ứng các quy định của Luật Chăn nuôi và giữ vững an sinh xã hội.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch kịp thời các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, các khu giết mổ tập trung xa khu dân cư tại các vùng sản xuất chăn nuôi tập trung trên địa bàn thành phố để bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu phù hợp với công suất của các cơ sở giết mổ.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các tỉnh trong công tác quản lý giết mổ; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch…

Bình Phước phấn đấu thành trung tâm chăn nuôi

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp Bình Phước, hiện tổng đàn lợn đạt khoảng 1,9 triệu con, được chăn nuôi ở 349 trang trại, chiếm khoảng 92% tổng đàn heo cả tỉnh; đàn gia cầm khoảng 9,5 triệu con, trong đó trên 57% được chăn nuôi trang trại. Tổng đàn trâu, bò, dê ước trên 200 ngàn con, chủ yếu tập trung tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 116 trại lợn và 46 trại gia cầm được công nhận cơ sở ATDB động vật. Tỉnh có 1 huyện được công nhận vùng ATDB và 5 huyện đã và đang lập hồ sơ đề nghị Cục Thú y công nhận. Tại đây, bước đầu hình thành 1 chuỗi sản xuất thịt lợn an toàn để xuất khẩu của Công ty Japfa và đang hoàn thiện 1 chuỗi sản xuất thịt gà an toàn để xuất khẩu của Công ty TNHH CPV Food.

 

Công ty Chăn nuôi và Chế biến Thực phẩm Sài Gòn - Sagrifood cung cấp lợn con giống 3 máu chất lượng cao.

Theo quy hoạch đến năm 2025, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Phước đạt 2,7 triệu con; đàn gia cầm trên 18 triệu con; đàn trâu, bò trên 60.000 con. Năm 2030, tổng đàn heo trên địa bàn 3,2 triệu con; đàn gia cầm trên 27 triệu con; đàn trâu, bò trên 70.000 con. Từ nay đến năm 2025, tỉnh xác định xây dựng 9 huyện, thị xã, thành phố an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle (gà rù) trên gà, trong đó phấn đấu xây dựng thành công 4 huyện, thành phố an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE. Xây dựng 8 huyện, thành phố an toàn đối với bệnh long móng lở mồm trên gia súc và bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó phấn đấu xây dựng thành công 4 huyện, thành phố an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE.

Ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết, định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh là ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi hướng đến chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, đảm bảo môi trường; đồng thời hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Ông Minh cho biết thêm, thời gian tới, Bình Phước sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chăn nuôi đầu tư xây dựng, phát triển các trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn để cung cấp nguồn giống, sản phẩm chất lượng cao. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chăn nuôi, thú y, đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm các sản phẩm chăn nuôi lưu thông trên thị trường và đáp ứng điều kiện xuất khẩu.

Ngoài Hà Nội, Bình Phước còn có Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Bắc Giang, Hà Nam, Đồng Nai… có số lượng cơ sở chăn nuôi ATDB lớn, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển và phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Rào cản cần tháo gỡ

Việc xây dựng vùng ATDB là rất cần thiết, nhưng việc triển khai hiện còn rất nhiều vướng mắc. Bởi tình trạng chăn nuôi của nước ta chủ yếu nhỏ lẻ, đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung. Do đó, việc theo dõi giám sát lưu hành vi khuẩn, virus gặp nhiều khó khăn, khó kiểm soát. Công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm trong chăn nuôi nông hộ gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, lực lượng thú y cơ sở mỏng, nhận thức của một số người chăn nuôi còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gặp khó khăn.

Hiện, cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được cấp chứng nhận ATDB. Riêng các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã xây dựng được 575 cơ sở chăn nuôi gia cầm và 567 cơ sở chăn nuôi heo ATDB còn hiệu lực với một hoặc nhiều bệnh trên gia súc.

Từ nước nhập khẩu lớn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đã đạt 440 triệu USD. Trong đó, thịt gà chế biến xuất khẩu đạt hơn 2,5 nghìn tấn, tăng gần 36,6% so với năm 2020. Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này còn rất lớn khi Việt Nam đã đàm phán thành công việc xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu...

Nguồn kinh phí thực hiện cũng là rào cản. Do phải bố trí kinh phí lấy mẫu, xét nghiệm đối với các loại bệnh khi xây dựng vùng, cơ sở ATDB nên các tỉnh, thành chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho người chăn nuôi. Mặt khác, việc xây dựng cơ sở ATDB không thuộc tiêu chí bắt buộc đối với cơ sở, nên chưa khuyến khích được tổ chức, cá nhân thực hiện.

Cùng với đó, kinh phí xét nghiệm hàng năm đối với cơ sở ATDB còn cao nên nhiều cơ sở đã không duy trì khi không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay, các cơ sở còn phải thực hiện các quy định để được cấp giấy chứng nhận điều kiện chăn nuôi đồng nghĩa với việc thực hiện cả hai loại thủ tục hành chính về điều kiện chăn nuôi và ATDB.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, cho biết, qua kiểm tra thực tế ở các địa phương xây dựng vùng chăn nuôi ATDB, vướng mắc lớn nhất là chi phí thực hiện xét nghiệm và hoàn thiện các thủ tục để được công nhận vùng an toàn dịch bệnh (lên tới 2-3 tỷ đồng). Cùng với đó, chăn nuôi nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh thú y, tỷ lệ tiêm phòng và quy trình giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi chưa đạt yêu cầu cũng là “rào cản” đối với việc xây dựng vùng ATDB.

Một số ý kiến cho rằng, việc sáp nhập trạm chăn nuôi và thú y về cấp huyện quản lý, tuy giảm được đầu mối, nhưng chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp bị hạn chế, ảnh hưởng lớn đến việc nắm bắt, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh ban đầu và triển khai thực hiện công tác tiêm phòng, công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm.

Điều kiện xây dựng vùng chăn nuôi an toàn

Theo yêu cầu của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được vùng chăn nuôi ATDB. Trong khi, việc triển khai vùng ATDB ở nước ta còn khá khiêm tốn. Để nhân rộng vùng ATDB, các địa phương cần quy định vùng và cơ sở ATDB động vật, tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh, tổ chức thực hiện theo quy định của Luật Thú y, Luật Quy hoạch, xác định rõ các vùng cần xây dựng để đạt ATDB theo quy định của Việt Nam và OIE. Đồng thời, tập huấn nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về chăn nuôi ATDB.

Song song đó, cần tăng cường quản lý chăn nuôi trong vùng bảo đảm ATDB và giai đoạn đầu chủ động phòng bệnh bằng vaccine. Chủ động giám sát chứng minh bảo đảm an toàn thực phẩm tại các vùng; kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB. Ngoài ra, duy trì hệ thống tổ chức và tăng cường năng lực thú y các cấp để bảo đảm tổ chức xây dựng thành công, quản lý và duy trì có hiệu quả vùng ATDB.

Vùng, cơ sở ATDB động vật là vùng, cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống động vật được xác định không xảy ra bệnh truyền nhiễm thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y trong vùng, cơ sở đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.

(Điểm 5, Điều 3, Luật Thú y 2015)

Ông Tạ Văn Tường, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, cho biết, để xây dựng các cơ sở chăn nuôi ATDB, bảo đảm sản phẩm đưa ra thị trường có kiểm soát, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt chú trọng chế biến sâu các sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

 

Thời gian tới, Hà Nội tập trung xây dựng trang trại chăn nuôi an toàn để kiểm soát dịch bệnh.

Về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, cơ quan đang hoàn thiện dự thảo dự án “Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người”, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle tại 9 huyện thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai; và xây dựng vùng an toàn với các bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn cổ điển, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi ở 7 huyện thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước...

Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thời gian qua, hệ thống khuyến nông đã triển khai gần 70 dự án khuyến nông chăn nuôi, thông qua các dự án đã từng bước thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo VietGAHP và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ nhằm tạo sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã và thôn, bản, ấp; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định. Tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng, buôn bán các loại vaccine không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Theo ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cần bổ sung số liệu thiệt hại do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hằng năm, trong đó cần làm rõ thêm ngân sách hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đối với mức độ tác động đến môi trường, cần bổ sung phần đánh giá lại mức độ ô nhiễm môi trường tại các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi và các lò giết mổ. Trong đó, cần lưu ý, tuyệt đối không phát triển chăn nuôi trong khu vực đô thị.

Ngày 22/4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030 (Quyết định số 414/QĐ-TTg). Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 3.000 cơ sở, vùng chăn nuôi đạt tiêu chuẩn là vùng ATDB, an toàn thực phẩm, trong đó có nhiều cơ sở, vùng chăn nuôi được OIE công nhận theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Đức Tiến nhấn mạnh, thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE, làm cơ sở bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong nước và xuất khẩu, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Đồng thời, các địa phương cần nhân rộng các mô hình chăn nuôi ATDB để kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất ở những cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Nỗ lực kìm giá phân bón Nỗ lực kìm giá phân bón

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá phân bón tăng cao chưa từng có trong 50 năm qua đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệ

17/05/2022
Quảng Trị thiếu giống lúa trầm trọng sau đợt mưa lũ trái mùa Quảng Trị thiếu giống lúa trầm trọng sau đợt mưa lũ trái mùa

UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản báo cáo Bộ NN-PTNT, đề xuất kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 950 tấn giống lúa cho nông dân tái sản xuất sau ảnh hưởng của đợt mưa.

17/05/2022
Bài học tiêu thụ vải thiều Bài học tiêu thụ vải thiều

Trong khi nhiều loại trái cây vẫn khó tiêu thụ thì giá vải đầu mùa 2022 tại Thanh Hà (Hải Dương) đang được bán dao động từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg.

17/05/2022