Giá / Mô hình kinh tế

Điêu Đứng Vì Giống Bắp Dỏm

Điêu Đứng Vì Giống Bắp Dỏm
Tác giả: 
Ngày đăng: 28/06/2013

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, đến ngày 25-6 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện gần 500 hécta bắp từ giống NK 67 phát triển không bình thường. Khả năng bị mất trắng là rất cao.

Các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và Long Thành là 3 nơi có nhiều diện tích bắp bị thiệt hại do trồng giống NK 67 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (Công ty Syngenta) cung cấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bắp sinh trưởng kém là do giống.

* Thiệt hại lớn

Ông Phan Văn Hòa ở ấp 4, xã Lâm san (huyện Cẩm Mỹ) than: “Tôi trồng gần 2 héc ta bắp giống NK 67 của Công ty Syngenta, đều bị tình trạng cây phát triển kém, lá nhỏ, vàng hoe. Gia đình tôi sống nhờ vào nông nghiệp, vụ bắp này coi như mất trắng, chưa biết lấy tiền đâu mà trang trải nợ nần”.

Nông dân Lê Hữu, ấp 1, xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) nói: “Vụ hè - thu năng suất bắp thường từ 6-7 tấn/hécta, trừ chi phí nông dân còn lời 15-20 triệu đồng/hécta. Nay trồng phải giống bắp kém chất lượng, mất cả chì lẫn chài vì tiền bồi thường không đủ chi phí đầu tư”.

Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), cho hay: “Trong vòng nửa tháng đầu, cây bắp NK 67 phát triển bình thường, nhưng sau đó lá ngả vàng và cây phát triển rất èo uột. Những hộ có vốn thì nhổ bỏ trồng lại giống bắp khác, song các hộ thiếu vốn vẫn để lại với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đó”.

Ông Bá cho biết thêm, cả xã có 130 hộ bị tình trạng bắp kém phát triển, dùng giống NK 67 của Công ty Syngenta với diện tích lên đến 100 hécta. Huyện Cẩm Mỹ có 6 xã bị thiệt hại do dùng bắp giống NK 67.

Huyện thứ hai bị thiệt hại nặng do bắp giống NK 67 là Xuân Lộc. Ở các vùng trồng bắp lớn, như các xã: Lang Minh, Xuân Phú, Xuân Tâm, Xuân Thành đều xảy ra cảnh nông dân khốn đốn vì bắp không trổ cờ ra trái. Khoảng 8 héc ta bắp hè - thu của xã bị hiện tượng không hạt đều là dùng giống NK 67.

Hiện công ty Syngenta đã cùng với huyện xuống xác minh thiệt hại và bồi thường 13 triệu đồng/hécta. Song có một số hộ không đồng ý, đòi phải bồi thường trên 20 triệu đồng/hécta. Theo các hộ có bắp kém chất lượng thì chi phí đầu vào của cây bắp khoảng 16-17 triệu đồng/hécta, nên tiền bồi thường chưa đủ chi phí đầu vào.

* Syngenta bán giống dỏm?

Các trường hợp bắp không hạt gần đây tại Đồng Nai đều do sử dụng giống của Công ty Syngenta. Cụ thể, trong vụ đông - xuân 2012, nhiều vườn bắp ở huyện Tân Phú bị tình trạng không hạt và công ty đã phải bồi thường cho dân.

Chiều ngày 25-6, bà Lê Thị Khánh Hòa, phụ trách đối ngoại của Công ty Syngenta, thừa nhận: “Hai lô bắp giống NK 67 mà công ty nhập về từ Indonesia đều bị tình trạng phát triển kém. Hiện công ty đang tiến hành xác minh thiệt hại để bồi thường cho dân, đồng thời kiểm tra kỹ lỗi do khâu nào trong sản xuất hạt giống”. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi 2 lô hàng bắp giống NK 67 chất lượng thấp, công ty nhập về từ Indonesia số lượng là bao nhiêu thì bà Hòa từ chối trả lời.

Theo ông Trần Lâm Sinh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, gần 500 hécta bắp dùng giống NK 67 đều có hiện tượng sinh trưởng không bình thường. Cây nhỏ, lá như lá cỏ, một số đã đến giai đoạn trổ cờ không ra trái được. Thế nhưng, trong văn bản xác minh thiệt hại do dùng giống NK 67, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh chỉ ghi giảm năng suất từ 30-60% và chỉ bồi thường 13 triệu đồng/hécta.

Được biết, không chỉ riêng Đồng Nai mà nhiều nông dân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang khốn khổ vì bắp không hạt do sử dụng giống NK 67 của Công ty Syngenta.

Vớt vát hay chặt bỏ?

Hiện nay, nhiều nông dân ở huyện Long Thành trồng phải giống bắp NK 67 phát triển không bình thường đang rất băn khoăn không biết nên để hay chặt bỏ? Theo tính toán, trung bình 1 hécta bắp lời khoảng 15 triệu đồng. Nhưng với tình hình hiện tại, khả năng mất vốn rất cao.

Điều đáng nói là nhiều người mua giống bắp ở các đại lý, các điểm bán lẻ rải rác nhiều nơi mà không mua từ Trạm Khuyến nông huyện Long Thành để tránh rủi ro và dễ dàng kiểm soát. Mặt khác, nhiều hộ gieo trồng lẫn lộn nhiều loại giống bắp trên cùng một diện tích, xong rồi vứt bỏ bao bì. Nên hiện tại chính quyền địa phương rất khó xác định có bao nhiêu diện tích sử dụng giống bắp NK 67 nhập về từ Indonesia.

Ông Trần Văn Khương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Đường (huyện Long Thành), cho hay: “Xã có hàng chục hécta đã gieo trồng giống bắp NK 67 có nguồn gốc nhập về từ Indonesia. Hiện nay địa phương đang tiếp tục theo dõi diễn biến của cây bắp, đến khi có kết quả chính xác sẽ báo cáo các ngành chức năng của huyện xử lý”.

Hiện tại chỉ có Đại lý phân, giống Cao Minh ở xã Cẩm Đường là cầu nối giữa nông dân và Công ty Syngenta vì trước đó đại lý bán ra khoảng 200 kg giống NK67 - Lai đơn F1 có nguồn gốc từ Indonesia. Do đó, những hộ trồng giống bắp NK 67 bị ảnh hưởng, đại lý Cao Minh có thể giúp xác minh để có cơ sở làm rõ.


Có thể bạn quan tâm

Triển Khai Mô Hình Nuôi Cá Vược Ở Bình Định Triển Khai Mô Hình Nuôi Cá Vược Ở Bình Định

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Phù Mỹ vừa tiến hành xuống giống mô hình nuôi cá vược (cá chẽm) trong ao

28/06/2013
Tín Hiệu Tốt Cho Ngành Cá Tra Tín Hiệu Tốt Cho Ngành Cá Tra

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), tính đến ngày 15/8, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2011.

28/06/2013
Nhà Vườn Trồng Xoài, Lãi Gần 13 Triệu Đồng/công Nhà Vườn Trồng Xoài, Lãi Gần 13 Triệu Đồng/công

Vụ xoài chính năm nay, các nhà vườn trồng xoài ở Tân Thuận Đông, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) thu hoạch sớm đạt lợi nhuận cao do vừa có năng suất, vừa được giá. Bình quân mỗi công xoài lãi 12.800.000 đồng.

28/06/2013