Giá / Tin nông nghiệp

Điện Bàn đi ngược chiều vẫn nhanh về đích

Điện Bàn đi ngược chiều vẫn nhanh về đích
Tác giả: Đoàn Hồng
Ngày đăng: 27/04/2016

Phóng viên Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn về cách làm cũng như những bài học kinh nghiệm quý báu trong xây dựng NTM tại địa phương.

Nhìn lại chặng đường triển khai Chương trình xây dựng NTM ở Điện Bàn thời gian qua, theo ông đâu là những thành quả ấn tượng nhất?

- Có thể nói, thành quả có được trong xây dựng NTM của Điện Bàn như ngày hôm nay phải kể đến sự kế thừa và phát huy có hiệu quả các thành tựu kinh tế - xã hội của những năm trước đây. Đặc biệt từ năm 2011, khi bắt tay triển khai xây dựng NTM, Điện Bàn đã nhanh chóng vào cuộc, xây dựng nhiều đề án phát triển có hiệu quả. Năm 2011, qua rà soát đánh giá, số tiêu chí đạt bình quân của các xã 8,38, trong đó Điện Quang là xã đạt cao nhất với 12/19 tiêu chí. Đây là nền tảng bước đầu để địa phương tăng tốc nhằm đưa các xã về đích trong năm 2015.

Các kết quả mà Chương trình xây dựng NTM đạt được rất rộng, trên tất cả các lĩnh vực đời sống, văn hóa và xã hội ở nông thôn. Tuy nhiên có 2 nội dung rất quan trọng, đó là kết cấu hạ tầng nông thôn được chú trọng đầu tư đồng bộ và đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Khi hạ tầng được đầu tư, bộ mặt nông thôn thị xã Điện Bàn ngày càng hiện đại, khang trang và văn minh hơn. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của thị xã Điện Bàn đã đạt hơn 1.256 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn của chương trình thì việc huy động từ các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất lớn, trong đó đóng góp của nhân dân đạt trên 96 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, yếu tố quyết định là địa phương đã tập trung đầu tư trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Theo đó, thị xã Điện Bàn đã triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn... Nhờ đó đến nay, thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 26,6 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 11 triệu đồng so với năm 2011; hộ nghèo giảm còn 3,63% (giảm 6,11% so với năm 2010)...

Giai đoạn 2016 -2020, thị xã Điện Bàn sẽ tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa tại 19 xã, phường (trừ phường Vĩnh Điện) với diện tích 3.560ha, kinh phí dự kiến khoảng 1.501,2 tỷ đồng. Trung bình hàng năm thị xã thực hiện dồn điền đổi thửa 700ha.

Đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên, các hoạt động văn hóa diễn ra tích cực. Nhất là việc đầu tư, sử dụng các thiết chế văn hóa hiệu quả đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho người dân ở khu vực nông thôn và cũng là điều kiện để rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Mặt khác, nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường được nâng lên thông qua Chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là xây dựng đề án thu gom rác thái triển khai hiệu quả. Hiện nay ở các làng quê không còn cảnh vứt rác bừa bãi, cảnh quan môi trường ở nông thôn xanh, sạch đẹp hơn rất nhiều...

Ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm, cách làm hay của Điện Bàn trong xây dựng NTM?

- Qua quá trình triển khai xây dựng NTM, Điện Bàn rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó, công tác tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ thị xã đến cơ sở được triển khai sâu rộng. Phải làm sao để cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, tạo hiệu quả lớn.

Mặt khác, để biết tâm thế của nhân dân trong phong trào xây dựng NTM thì chúng ta phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt để người dân nhận thức rõ vai trò chủ thể của mình rồi tích cực tham gia đóng góp. Phương châm của Điện Bàn là “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng lợi”, vì thế phong trào xây dựng NTM diễn ra rất sôi nổi, hào hứng.

Thành quả của xã Điện Bàn sau 5 năm xây dựng NTM

- Vốn huy động đạt hơn 1.256 tỷ đồng

- Thu nhập bình quân trên 26,6 triệu đồng/người/năm

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,63% (giảm 6,11% so với năm 2010)

- 10/13 xã đã đạt chuẩn

Làm NTM phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể. Không có kế hoạch, lộ trình cụ thể thì không thể làm tốt được. Chẳng hạn, trong năm nay anh làm bao nhiêu tiêu chí, làm như thế nào phải có kế hoạch cụ thể, có sự phân công con người cụ thể, đặc biệt là phân công người chuyên làm NTM để tham mưu, triển khai từng việc sâu sát.

Xây dựng NTM cần phải đảm bảo các yếu tố nguồn lực, theo hướng đa dạng và xã hội hóa. Việc sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm và đặc biệt là giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở luôn cần được quan tâm. Đặc biệt là biểu dương, động viên  kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích để từ đó trở thành một phong trào mạnh mẽ trong xây dựng NTM.

Điện Bàn cũng có cách làm hơi khác so với một số địa phương, đó là khi đầu tư xây dựng NTM, các địa phương làm từ nhà ra đường, rồi ra đồng, còn Điện Bàn lại  đầu tư từ ngoài đồng rồi đến đường về nhà. Quan điểm của địa phương là đầu tư hạ tầng nông nghiệp tốt thì sản xuất của bà con nông dân sẽ thuận lợi, phát triển hiệu quả, giảm chi phí, giúp nông dân có thu nhập cao hơn. Khi người dân có thu nhập, tâm thế rất vui và họ sẵn sàng đóng góp xây dựng NTM…

Để tiếp tục đưa các xã còn lại hoàn thành xây dựng NTM, trong những năm tới mục tiêu của thị xã Điện Bàn đề ra như thế nào?

- Theo quy định của T.Ư, trong năm 2015, Điện Bàn đủ điều kiện đạt chuẩn NTM, theo đó thị xã có 10/13 đạt chuẩn NTM, 3 xã còn lại đạt từ 14 - 15 tiêu chí, các tiêu chí còn lại cũng phải đạt 70%. Như vậy, nhiệm vụ năm 2016 của thị xã là sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện để 3 xã còn lại (Điện Tiến, Điện Phương và Điện Minh) phải đạt chuẩn 19/19 tiêu chí.

Trong đó, 10 xã đã đạt chuẩn thì sẽ tiếp tục lồng ghép các đề án, chương trình nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí nhu cầu vốn ít, nhưng tính bền vững không cao như văn hóa, môi trường, an ninh trật tự…

Hiện Điện Bàn đang triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp nhằm hướng tới một nền sản xuất hiệu quả và bền vững; sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường sống và hướng đến nền nông nghiệp đô thị, sạch và sử dụng hàm lượng chất xám cao, hiệu quả mang lại lớn.

Vì thế, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Điện Bàn đã xác định 3 nội dung chính, đó là xác định hiện trạng ngành nông nghiệp, những tồn tại, hạn chế để từ đó tập trung giải quyết một cách hiệu quả. Thứ nữa là xây dựng ngành nông nghiệp đô thị theo 2 vùng nội thị (các phường) và ngoại thị (các xã NTM) và tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ cụ thể.

Trong đó, tập trung dồn điền đổi thửa, chỉnh trang ruộng đồng và xây dựng cánh đồng lớn với hạ tầng hợp lý về đường sá, kênh mương, bờ ruộng để tổ chức sản xuất hiệu quả. Đối với lĩnh vực trồng trọt thì xác định lúa giống, lúa chất lượng cao, rau sạch… là thế mạnh. Riêng ở vùng nội thị, thị xã sẽ tập trung chăn nuôi các loại con có giá trị cao như cá, thỏ, dế… để bảo vệ môi trường. Còn vùng ngoại thành thì quy hoạch 26 điểm chăn nuôi tập trung với diện tích 2 ha/điểm và hiện nay đã quy hoạch 2 khu chăn nuôi tập trung trên 10ha ở Điện Tiến và Điện Quảng...

Xin cảm ơn ông!


Có thể bạn quan tâm

Thí điểm Quỹ Xây dựng nông thôn mới Thí điểm Quỹ Xây dựng nông thôn mới

Vừa qua, tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình), Văn phòng Điều phối T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) phối hợp tỉnh Quảng Bình tổ chức hội thảo thí điểm Quỹ Xây dựng NTM, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020.

27/04/2016
Bướm vàng xuất hiện dày đặc ở Đam Rông có ảnh hưởng mùa màng? Bướm vàng xuất hiện dày đặc ở Đam Rông có ảnh hưởng mùa màng?

Những ngày gần đây, tại các cánh đồng Cil Mup (xã Đạ Tông) và đồng Cọp xã Đạ Mrông (đều thuộc huyện Đam Rông, Lâm Đồng) xuất hiện rất nhiều bướm khiến nhiều nông dân lo lắng. Tuy nhiên, theo Chi cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng, loài bướm này không gây hại cho lúa và hoa màu.

27/04/2016
Mở đường cho trái cây vào Australia Mở đường cho trái cây vào Australia

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp, ngày 26.4, tại Hà Nội, Bộ NNPTNT và Đại sứ quán Australia tổ chức hội thảo “Nghiên cứu và sáng tạo nông nghiệp 2016”.

27/04/2016