Giá / Tin thủy sản

Dịch Covid-19 tạo ra xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam

Dịch Covid-19 tạo ra xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Ngày đăng: 07/05/2020

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dịch Covid-19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản Việt Nam bao gồm cả những thách thức và cơ hội mới.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dịch Covid-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, đơn hàng bị sụt giảm, hoạt động vận chuyển, vận tải hàng hóa bị trì hoãn, tắc nghẽn tại các cảng, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ/tồn kho trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) phải gia tăng tối đa trách nhiệm xã hội với chuỗi và với người lao động khiến DN chịu nhiều khó khăn và các sức ép lớn trong đợt dịch Covid-19.

Giá trị xuất khẩu (XK) thủy sản tháng 4/2020 ước đạt 563 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2020 đạt 2,18 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Xu hướng của thị trường tiêu dùng thế giới thay đổi do tác động của dịch Covid, lệnh cấm, lệnh phong tỏa của nhiều quốc gia và nỗi lo sợ của người tiêu dùng khiến nhu cầu tiêu thụ trong phân khúc dịch vụ thực phẩm giảm mạnh.

Thu nhập của người tiêu dùng giảm nên tiêu thụ các sản phẩm cao cấp có xu hướng giảm, tác động giảm giá trung bình XK các sản phẩm thủy sản.Trong các sản phẩm XK cá tra giảm mạnh nhất trên 29%, mực bạch tuộc giảm 24%, cá ngừ giảm 10% trong khi XK tôm còn duy trì mức tăng nhẹ 1,8%.

Tuy nhiên, dịch Covid- 19 đang và sẽ tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản, đây là cơ hội, cũng là thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam.

Theo VASEP, những thách thức có thể kể đến là sức mua từ các thị trường giảm và phục hồi “thận trọng”, sẽ có 1 số DN bị đào thải đóng cửa/phá sản hay bán lại cho nhà đầu tư khác, nợ xấu có thể sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến cả các ngành có liên quan, chi phí sản xuất tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng treo ao xảy ra với quy mô không nhỏ khiến nguyên liệu càng thêm thiếu hụt trong tương lai và giá nguyên liệu sẽ tăng cao. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Lượng tồn kho tăng và tình trạng thiếu hụt kho lạnh tiếp tục gia tăng. Lao động sẽ thiếu và ngày càng khó khăn.

Về cơ hội, VASEP đánh giá, niềm tin của các nhà đầu tư với Việt Nam và với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể hiện nay và sau dịch Covid. Các quốc gia cạnh tranh thuỷ sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecuador phải phong toả cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản lượng và XK; Indonesia hay Philippines, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thuỷ sản Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra “chiến tranh” thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid -19. Nhu cầu nguồn nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng tăng. Các sản phẩm thủy sản tiện dụng (RTC và RTE) có giá trị gia tăng có xu hướng được ưa chuộng hơn trên thị trường thế giới. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các DN thủy sản chủ động hơn trong sản xuất.

Diễn biến dịch bệnh Covid còn đang rất phức tạp tại các nước trên thế giới, do vậy, trong vài tháng tới, tình hình XK chắc chắn tiếp tục bị tác động giảm. DN chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn/hủy đơn hàng, vận tải hàng hóa khó khăn, việc thanh toán cũng không thuận lợi.

XK thủy sản trong tháng 4 và cả quý II sẽ chưa thể hồi phục vì một số thị trường vẫn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid, nhất là thị trường EU. XK sang Trung Quốc cũng chưa thể hồi phục được như trước thời điểm có dịch. Các nước ở tâm điểm dịch có thể sẽ nới lỏng phong tỏa, nhưng việc giao dịch chưa thể thông suốt và hồi phục ngay.

VASEP dự báo XK thủy sản quý II sẽ tiếp tục giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2,0 tỷ USD, sau đó sẽ hồi phục dần vào quý III và quý IV, kết quả cả năm 2020 sẽ đạt 8,26 - 8,30 tỷ USD, giảm 3,8% so với năm 2019.


Có thể bạn quan tâm

Ra mắt dự án nghiên cứu sức khỏe mang cá Ra mắt dự án nghiên cứu sức khỏe mang cá

Các nhà nghiên cứu ở Scotland đang bắt tay vào một dự án nhằm tăng cường sự hiểu biết và điều trị bệnh mang cá toàn cầu.

07/05/2020
Về loài nhuyễn thể - một loại thức ăn trong chăn nuôi thủy sản Về loài nhuyễn thể - một loại thức ăn trong chăn nuôi thủy sản

Một trong những dự án khoa học lớn nhất và có ý nghĩa nhất trong năm 2019 đó là khảo sát loài nhuyễn thể trên quy mô lớn ở Nam Cực, xác nhận sinh khối nhuyễn

07/05/2020
Giải mã cơ chế diệt khuẩn của phân tử ion bạc Giải mã cơ chế diệt khuẩn của phân tử ion bạc

Phương thức này đã được đề xuất là giải pháp chống lại các “siêu vi khuẩn” kháng kháng sinh và giúp điều chế các loại kháng sinh hiệu quả hơn từ ion bạc.

07/05/2020