Giá / Mô hình kinh tế

Đi Lên Từ Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh

Đi Lên Từ Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh
Tác giả: 
Ngày đăng: 25/04/2011

Người tiên phong đưa mô hình kinh tế mới và hiệu quả cao này đi vào hoạt động tại nơi đây là ông Lê Văn Thủy, sinh năm 1959, một nông dân địa phương dám nghĩ dám làm.

Tâm sự với chúng tôi, ông Thủy cho biết: Ông từng bôn ba buôn bán khắp nơi, từ Bắc vào Nam, rồi sang cả Lào, Trung Quốc, nhưng cuộc sống gia đình khó khăn vẫn hoàn khó khăn. Từ đó ông rút ra kết luận: “Là nông dân thì phải đi lên từ đồng ruộng”. Với suy nghĩ đó, năm 1997, ông Thủy đề nghị với địa phương được đấu thầu khu đồng cỏ lâu nay vẫn bỏ hoang để canh tác. Nhiều người ái ngại cho ông, vì đây là khu vực thuộc đồng chiêm trũng, lại nằm sâu trong thung lũng núi, chưa mưa đã ngập, lúa chỉ cấy được một vụ song thường bị mất trắng. Tuy nhiên, với quyết tâm đi lên từ đồng ruộng, dám nghĩ dám làm, ông Thủy vẫn nhận phần đất mà ai cũng ngán đó để thực hiện giấc mơ của mình.

Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào xây dựng, ông Thủy tâm sự: “Lúc mới vào, nơi đây đều là ruộng bỏ hoang, cây cối cũng không có. Đường đi lại rất khó khăn, nhìn bốn bề toàn nước là nước. Tôi dành mấy tháng ròng rã chỉ làm một việc là dùng thuyền vận chuyển từng hòn đá, viên gạch vào để san lấp mặt bằng, xây tạm chòi để ở. Sau khi nhà được dựng tạm, mới bắt đầu thuê xe chở đất làm đường, mua dây điện, cột điện để xây dựng đường dây dài hơn 2 cây số. Tôi phải bán hết đồ đạc quí giá trong nhà, thậm chí vay lãi cao để có tiền đầu tư”.

Lo xong chỗ ở, ông Thủy bắt tay vào việc sản xuất. Do đặc thù của địa hình vùng chiêm trũng, lúa chỉ cấy được vụ chiêm, nên mấy năm đầu ông kết hợp nuôi thả thêm các loại cá truyền thống như: cá trôi, cá chép, cá trắm… trên toàn bộ diện tích. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, nên thu hoạch từ lúa và cá cũng ngày càng có hiệu quả cao, giúp ông và gia đình trang trải nợ nần, dần ổn định cuộc sống.

Năm 2001, Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Nam thực hiện dự án nuôi tôm càng xanh, ông Thủy đã mạnh dạn xin nuôi thử nghiệm. Ông học hỏi kỹ thuật nuôi tôm, tập trung vốn đào ao, hồ đúng quy cách. Sau đó vay của dự án 80 nghìn con tôm giống, nuôi thả trên 6 thửa ao rộng. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật, sau 6 tháng, gia đình ông thu hoạch được 4 tạ tôm thành phẩm, tính ra lãi suất được 15 triệu đồng. Ông kể: “Cầm số tiền thu hoạch được từ dự án thí điểm nuôi tôm càng xanh trên tay mà tôi sung sướng khôn xiết, tôi nghĩ đây chính là vật nuôi sẽ đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình, cho bà con lối xóm của mình”. Sau đợt thí điểm ông đã vay thêm bạn bè, họ hàng, thậm chí vay lãi cao bên ngoài để đầu tư mở rộng mô hình nuôi tôm càng xanh. Lần này ông đã đầu tư trên 100 triệu đồng để đào thêm ao hồ, mua tôm giống nhập từ Trung Quốc, thức ăn cho tôm từ miền Nam… Vụ tôm đó cho gia đình ông thu hoạch rất cao.

Giờ đây, diện tích trang trại kinh tế của gia đình ông Thủy đã lên tới trên 3 ha. Trong đó, có khoảng 2 ha là diện tích mặt nước để nuôi tôm, còn lại đắp bờ trồng cây ăn quả. Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi của mình, ông Thủy cho biết: “Với diện tích nuôi tôm này, mỗi năm gia đình tôi thu được 2 đến 2,5 tấn tôm, cho thu nhập gần 250 triệu đồng. Không chỉ gia đình tôi, hiện nay đã có nhiều các gia đình khác nuôi tôm càng xanh. Họ thường đến nhà tôi học hỏi kinh nghiệm, đối với ai tôi cũng chỉ bảo tận tình, chỉ mong cho bà con có thu nhập cao, làm giàu cho gia đình và quê hương”.

Song không phải vụ nào người nuôi tôm cũng thu hoạch cao. Ông Thủy kể: “Vụ năm 2005, tôm của nhà tôi và nhiều hộ trong vùng tự nhiên chết nhiều lắm, tôm chết trắng cả mặt ao. Hôm đó xót quá, tôi lội xuống ao, vớt nắm bùn lên tay thì thấy rất nhiều cám thừa lẫn trong bùn. Tôi nghĩ ngay chắc do thức ăn thừa của tôm lắng xuống khiến nước bị ô nhiễm làm tôm chết hàng loạt. Vụ đó coi như thất thu. Tôi liền cho tháo nước, làm vệ sinh và nạo vét đáy ao. Vụ tiếp sau đó thì năng suất lại cao như cũ. Tôi bèn đem kinh nghiệm của mình chia sẻ với bà con trong vùng. Bà con áp dụng theo nên các vụ sau đều thắng lớn. Từ đó, tôi rút ra bài học: Tôm càng xanh cũng là một loài ưa sạch, nên cứ 2 năm cần phải vệ sinh, nạo vét đáy ao một lần. Khi đưa nước vào ao phải dùng chất vi sinh xử lý cho nước thật sạch, mới có thể thu hoạch cao từ việc nuôi tôm".

Ông Thủy cũng chính là người đầu tiên mày mò tìm ra và dạy cho các hộ mô hình “Nuôi cá xen tôm”. Tức là, trong ao thả tôm, ông thả thêm 1 số loại cá như cá trắm, cá chép với số lượng ít để tận dụng diện tích mặt ao. Những loại cá này lại có thể dọn sạch đáy ao, mang lại hiệu quả cao hơn chỉ nuôi mình tôm. Hiện tại, ông Thủy còn là người cung cấp tôm giống và thức ăn của tôm cho bà con. Năm 2010, ước tính tổng thu nhập của gia đình ông Thủy lên đến 400 triệu đồng. Tổng giá trị tài sản lên tới trên 10 tỷ đồng.

Từ chỗ chỉ có mình hộ ông Thủy, giờ đây trên 116 ha đất trong khu chuyển dịch của vùng chiêm trũng đã quy tụ 141 hộ vào canh tác, với mô hình nuôi tôm, nuôi cá xen tôm và trồng cây có hiệu quả kinh tế cao. Các hộ đều làm ăn khấm khá. Từ cơ sở trên, năm 2009, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Khả Phong được thành lập, làm ăn đạt hiệu quả kinh tế cao, làm gương cho nhiều nông dân ở khắp nơi như: Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Ninh… về thăm và học tập.

Bây giờ có ai đến Khả Phong, hỏi về ông Thủy, sẽ được bà con nông dân ở đây dẫn đến tận nhà ông và tự hào cho biết: “Ông Thủy tôm càng xanh” của bà con chúng tôi đấy!


Có thể bạn quan tâm

Nguy Cơ Dịch Cúm Gia Cầm Cút Và Yến Ngoài Vòng Kiểm Soát Nguy Cơ Dịch Cúm Gia Cầm Cút Và Yến Ngoài Vòng Kiểm Soát

Việc phát hiện đàn chim yến ở tỉnh Ninh Thuận dương tính với cúm A/H5N1 khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên, không chỉ chim yến, chim cút tại Đồng Nai cũng nằm “ngoài vòng kiểm soát” của dịch bệnh.

25/04/2011
Một Số Giống Lúa Có Thể Sử Dụng Trong Vụ Đông - Xuân 2013 - 2014 Một Số Giống Lúa Có Thể Sử Dụng Trong Vụ Đông - Xuân 2013 - 2014

Theo Trung tâm Giống nông nghiệp Bến Tre, để sản xuất vụ lúa Đông - Xuân thành công, bà con nông dân có thể sử dụng một số giống lúa dưới đây

25/04/2011
Sản Xuất Xoài GlobalGAP Lãi 100 Đến 200 Triệu Đồng Sản Xuất Xoài GlobalGAP Lãi 100 Đến 200 Triệu Đồng

Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới, bình quân mỗi ha trồng xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc lãi từ 100 - 200 triệu đồng/ha.

25/04/2011