Để Quả Điều Luôn “Vàng” Trên Đất Bình Phước: Thời Vàng Son Của Điều
Tác giả:
Ngày đăng: 17/06/2012
Là thủ phủ của điều và một thời được mệnh danh là cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào bản địa, nhưng vài năm trở lại đây người dân Bình Phước không còn mặn mà với cây điều. Họ đua nhau chặt điều trồng cao su vì giá rớt liên tục, thu không đủ chi.
“CẦM VÀNG LẠI ĐỂ VÀNG RƠI”
Không chỉ Long Hưng, Long Hà, Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) hay Bom Bo (Bù Đăng) được mệnh danh là vương quốc của điều mà khắp nơi trong tỉnh, ở đâu cũng có cây điều. Từng là cây xóa đói, giảm nghèo của người dân Bình Phước và là cây làm giàu của không ít hộ dân, nhưng giờ đây, nông dân trong tỉnh đua nhau chặt điều trồng cao su.
Nếu chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật, điều sẽ cho lợi nhuận không kém nhiều loại cây trồng khác
Ông Điểu Ghê, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Thuận Lợi (Đồng Phú) kể lại, vào những năm 1991 - 1992, trên đất Bình Phước chưa có phong trào trồng điều, các hoạt động mua bán, trao đổi cũng không nhiều. Lâu lâu mới có vài người vào xã mua. Khoảng những năm 1993 - 1994, người dân mới ào ạt trồng điều và bắt đầu có các cơ sở thu mua, doanh nghiệp chế biến điều. Lúc bấy giờ, thực hiện Chương trình 327 của Chính phủ, mỗi hộ dân ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi được giao 1 ha rừng trồng điều (toàn ấp được 51 ha). Nhà nước cho vay vốn mua phân bón, chống cháy trong mùa khô... Được Nhà nước hỗ trợ nên người dân yên tâm gắn bó với cây điều. Giá điều lúc này chỉ dao động từ 5.000 đến 6.000 đồng/kg nhưng cũng đủ cho người dân chi phí sinh hoạt hằng ngày. Vụ điều năm 2000 - 2001 là trúng nhất. Điều được mùa, được giá. Thu hoạch từ 1 ha điều có thể mua được khoảng 2 cây vàng. Nhiều hộ giàu lên nhờ điều.
Thế nhưng, cũng có không ít hộ, khi có trong tay số tiền khá lớn từ bán điều đã không đầu tư trở lại phát triển sản xuất mà chủ yếu để mua sắm đồ dùng cá nhân và ăn nhậu. Cũng vào thời gian này, nhiều người từ đồng bằng lên các huyện vùng biên giới thu mua điều đã trở lên giàu có, trong khi người trồng và là chủ nhân của vương quốc điều thì vẫn nghèo.
Điều rớt giá liên tục. Thiên tai, dịch bệnh khiến năng suất điều giảm mạnh, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, mọi hoạt động mua bán đều phải thông qua thương lái, chúng tôi phải chấp nhận chặt bỏ điều để trồng cao su - ông Điểu Ghê phân trần.
Ngược lại, vẫn có nhiều nông dân gắn bó với cây điều. Họ đã đầu tư thâm canh, phát triển vườn điều với hy vọng điều Bình Phước sẽ vươn cao, bay xa. Ông Nguyễn Thanh Hồng, người dân xã Long Hưng (Bù Gia Mập) có 4 ha điều nói: Vườn điều đã gắn bó với gia đình tôi hàng chục năm nay. Nhờ đó mà gia đình tôi mới có điều kiện cho các con ăn học... Tôi tin trong tương lai, Nhà nước sẽ có những chính sách đầu tư, phát triển cây điều. Bởi trồng điều không tốn kém bằng trồng cao su. Nếu đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây điều sẽ cho lợi nhuận không kém cây cao su.
PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN CÂY ĐIỀU
Những năm qua, tỉnh luôn coi trọng và đầu tư, phát triển cây điều. Hàng năm, tỉnh đã dành hàng tỷ đồng để hỗ trợ cây giống cho người dân, đặc biệt là giống điều cao sản với diện tích hàng trăm héc ta. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các mô hình cải tạo vườn điều năng suất thấp, tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh cho cây... Các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật được thực hiện thường xuyên, thu hút nhiều người tham gia. Ngành nông nghiệp đã trình UBND tỉnh phê duyệt dự án xây dựng thí điểm vùng điều năng suất cao, bền vững (2 tấn/ha) tại 4 xã, thuộc địa bàn thị xã Phước Long và huyện Bù Đăng, trong đó đặc biệt chú ý phát triển mô hình trồng xen ca cao dưới tán điều... Đáng tiếc là một thời gian dài và cho đến nay, điều vẫn chưa trở thành cây xóa đói, giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, bình quân mỗi năm, Bình Phước xuất khẩu trên 20 ngàn tấn điều nhân. Nguồn thu từ xuất khẩu điều chưa lớn và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Bởi vài năm trở lại đây, giá điều thấp, thị trường trong nước và quốc tế khó khăn, hạt điều Bình Phước có thời điểm chỉ bán được 15 - 17 ngàn đồng/kg điều thô.
Một nguyên nhân khác là do thời gian qua, các cơ sở chế biến điều mọc lên như nấm, nhiều cơ sở sản xuất không bảo đảm điều kiện hoạt động làm ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hạt điều Bình Phước. Là thủ phủ của điều với nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 1 cơ sở chế biến dầu vỏ hạt điều và các cơ sở, nhà máy chế biến nhân hạt điều mà chưa tận dụng được hết công dụng của quả điều, thân cây điều... Giải quyết được vấn đề này sẽ góp phần nâng cao giá trị cây điều.
Thực trạng này lãnh đạo tỉnh, các ngành hữu quan đã nhìn thấy từ nhiều năm trước và có sự chỉ đạo quyết liệt để giữ vững diện tích, nâng cao chất lượng hạt điều Bình Phước. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa như mong đợi. Diện tích, sản lượng điều Bình Phước vẫn liên tục giảm. Năm 2008, diện tích điều cả tỉnh đạt gần 160 ngàn ha, thì nay chỉ chưa đầy 150 ngàn ha. Để người dân yên tâm, gắn bó với cây điều, đã đến lúc các ngành chức năng phải có những giải pháp tập trung, đồng bộ và quyết liệt hơn cho những vùng nguyên liệu để giải quyết những khó khăn, trăn trở của người dân.
Có thể bạn quan tâm
Sò Huyết Ô Loan “Đổi Hình Thay Dạng”
Sò huyết ở đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là đặc sản nổi tiếng vì thịt dai, ăn ngọt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người dân sống ven đầm đã đi thu mua sò huyết từ các nơi về bán cho du khách dưới thương hiệu sò huyết Ô Loan!
17/06/2012
80% Tôm Giống Không Rõ Nguồn Gốc Ở Bạc Liêu
Bạc Liêu có 394 cơ sở sản xuất và ương tôm giống để bán. Tuy nhiên, số cơ sở sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để tạo giống chất lượng cao chỉ chiếm 20%.
17/06/2012
Xuất Hiện Cặp Bê Con Song Sinh Ở Hà Tĩnh
Con bò cái “đặc biệt” của gia đình ông Cao Xuân Sơn, trú tại xã Sơn Lễ (Hương Sơn - Hà Tĩnh) vừa sinh 2 con bê con cùng một lúc. Sự kiện hy hữu này đã thu hút rất nhiều người dân hiếu kỳ đến xem.
17/06/2012