Giá / Tin thủy sản

Để khai thác thủy sản an toàn trong mùa bão

Để khai thác thủy sản an toàn trong mùa bão
Tác giả: Thái Thuận (tổng hợp)
Ngày đăng: 29/08/2017

Khai thác thủy sản trong mùa mưa bão ngư dân sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm. Các chủ tàu, thuyền trưởng và thuyền viên cần có nhận thức về công tác phòng, chống bão, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động khai thác thủy sản.

Bảo vệ an toàn cho ngư dân khi khai thác, hay khi có sự cố, gặp rủi ro, thiên tai trên biển 

Đảm bảo an toàn tàu cá

Các tàu cá của bà con ngư dân hoạt động trong mùa mưa bão phải đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu kỹ thuật về an toàn. Thực hiện tốt việc đăng ký, đăng kiểm đối với phương tiện khai thác theo quy định, đủ giấy tờ của tàu và người đi trên tàu, mua bảo hiểm cho người và phương tiện. Không đưa các tàu không đủ điều kiện an toàn ra khơi, chủ tàu cá phải trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết như: phao cứu sinh, cứu hỏa, hệ thống chống thủng cũng như hệ thống thông tin, tín hiệu trên các tàu cá. Kiểm tra kỹ các bộ phận trên tàu, nếu hư hỏng phải sửa chữa ngay, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án cụ thể để đối phó ngay khi có giông bão. Các công tác này phải được chuẩn bị và kiểm tra thường xuyên nhất là trước khi tàu rời bến.

 Khi xuất bến, cần khai báo đầy đủ tần số liên lạc của tàu, số lượng thuyền viên, ngư trường hoạt động với trạm kiểm soát biên phòng nơi phương tiện cư trú.

Cùng đó, ngư dân cần duy trì và nhân rộng các mô hình tổ hợp tác sản xuất trên biển để bảo vệ an toàn cho ngư dân khi khai thác, hay khi có sự cố, gặp rủi ro, thiên tai trên biển.

Chủ động nắm thông tin bão, áp thấp nhiệt đới

Thuyền trưởng phải thường xuyên theo dõi tin bão, áp thấp nhiệt đới và dự đoán tình hình diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới (nếu có), giữ thông tin liên lạc thường xuyên với bờ qua hệ thống vô tuyến điện được trang bị trên tàu cũng như giữa các tàu với nhau, xác định chính xác vị trí tàu và so sánh vị trí tàu với đường đi của cơn bão.

Khi nghe tin có bão, áp thấp nhiệt đới phải khẩn trương tiến hành kiểm tra kỹ hệ thống máy, hệ lái, đóng chặt các hệ thống thông hơi, thông gió, hệ thống cứu sinh, cứu hỏa, chống thủng, các loại neo, dây neo, dây cột tàu phải ở trong trạng thái sẵn sàng hoạt động; Mặt khác, sắp xếp và buộc chặt tất cả các vật dụng trên tàu kể cả lưới chài, tránh khi sóng gió đồ vật dịch chuyển làm lệch tâm tàu, phổ biến tình hình và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trên tàu.

Xử lý khi có gió bão, áp thấp nhiệt đới trên biển

Tất cả thuyền viên trên tàu phải ở vị trí phân công, hạn chế đi lại không cần thiết trên boong, nếu vì nhiệm vụ cần thiết thì phải có người theo dõi để xử lý khi gặp tai nạn, tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của thuyền trưởng; thường xuyên xác định vị trí tàu và thông báo vị trí, tình trạng của tàu và các tàu trong đội, nhóm, giữ vững liên lạc giữa tàu với bờ, tàu với tàu. Trường hợp bị mất liên lạc, khi gặp nguy hiểm, thuyền trưởng chuẩn bị sẵn can, vỏ chai (được sơn đỏ) bỏ giấy vào và bịt kín, trong đó ghi các nội dung: Tên tàu, số đăng ký, danh sách thuyền viên trên tàu, tọa độ tàu khi thả thư.

Đối với trường hợp gặp sóng to, gió lớn đe dọa đến sự an toàn của tàu, sức khỏe thuyền viên, nên ngừng hoạt động khai thác, tìm nơi tránh trú an toàn. Chú ý, khi tàu vào trú bão tại các khu neo đậu cần phải áp dụng biện pháp neo đậu hợp lý, hiệu quả để tránh va đập gây nguy hiểm, phải tính toán khoảng cách an toàn khi neo đậu, phòng khi gió giật hoặc đổi hướng.

Ở một số địa phương, ngư dân cần theo dõi  tín hiệu bắn pháo để có thêm thông tin và chủ động ứng phó.

Khi bão tan, thuyền trưởng phải báo cáo kịp thời với chủ tàu và chính quyền địa phương về tình trạng người và tàu cá, đồng thời kiểm tra lại điều kiện an toàn của tàu trước khi hoạt động trở lại.

Trường hợp phát hiện tàu cá khác bị nạn, phải đưa tàu đến hỗ trợ ứng cứu kịp thời và thông báo cho Đài Thông tin duyên hải hoặc Bộ đội Biên phòng gần nhất. Đồng thời, chấp hành nghiêm chỉnh lệnh điều động tàu đi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của các cấp có thẩm quyền…


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu thủy sản vào EU: Cơ hội từ cam kết trong EVFTA Xuất khẩu thủy sản vào EU: Cơ hội từ cam kết trong EVFTA

Khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 50% số dòng thuế của EU dành cho thủy sản Việt Nam sẽ được xóa bỏ. 50% số dòng thuế còn lại được xóa bỏ theo lộ trình từ 3-7 năm

29/08/2017
"Vua tôm" Minh Phú cảnh báo Việt Nam đang thừa tôm cỡ lớn

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cảnh báo người nuôi tôm nên chia nhiều đợt để thu hoạch

29/08/2017
Doanh nghiệp tự chủ giám sát chất lượng Doanh nghiệp tự chủ giám sát chất lượng

Là vấn đề nóng, thu hút sự quan tâm của người nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu; việc siết chặt các quy định về vệ sinh ATTP thủy sản là điều cần thiết.

29/08/2017