Giá / Tin thủy sản

Để có vụ tôm mới thành công

Để có vụ tôm mới thành công
Tác giả: KS. NGUYỄN VĂN THƯỚC
Ngày đăng: 07/06/2016

Những ngày qua, mưa chuyển mùa đã rải khắp các vùng trong tỉnh Cà Mau, độ mặn các nguồn nước kênh rạch đã giảm bớt, người nuôi tôm cần phải quan tâm tạo những yếu tố để đảm bảo có được vụ tôm nuôi mới thành công trong điều kiện thời tiết vẫn còn bất lợi.

Trước tiên hãy xem xét các điều kiện cần. Đó là, hạ tầng phục vụ có đảm bảo cho việc nuôi tôm, nhất là khi muốn nuôi theo hình thức công nghiệp: Nguồn nước, điện, giao thông đi lại, kiến thức quản lý, kỹ thuật nuôi tôm và khả năng nắm bắt thông tin về thị trường tôm, giá cả vật tư, tình hình dịch bệnh… Tiếp theo là vấn đề kiến thiết đồng ruộng, sên vét lại ao đầm. Đặc biệt và quan trọng nhất là đồng vốn phục vụ cho nuôi tôm công nghiệp (NTCN), bởi chi phí đầu tư khá lớn, tránh vay hỏi nợ và mua chịu, ứng trước vật tư, khi thu hoạch xong sẽ phải trả tiền có cả lãi thì phần lợi nhuận vụ nuôi sẽ không còn là bao.

Cần chú ý các điều kiện đủ, là vấn đề kỹ thuật trực tiếp trong mỗi vụ nuôi, như chọn mùa vụ, chọn thời điểm thả giống sao cho né được bệnh mà lại bán được giá cao khi thu hoạch, vì có được lợi ích hay chịu thiệt hại đôi khi chỉ cách nhau đôi ba tuần nên càng phải suy tính thận trọng. Phải nghiêm chỉnh tuân thủ nuôi theo hệ thống quản lý chất lượng nào đó như VietGAP, nuôi sinh thái, công nghệ vi sinh… để bán được cho khách hàng, cho thị trường có yêu cầu. Và điều quan trọng hơn là dù nuôi hình thức nào cũng phải thiết kế ao đầm phù hợp, mà hai yếu tố không thể thiếu là ao lắng phục vụ xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi hay cấp bù khi cần, và khu chứa xử lý nước, bùn, chất thải sau mỗi vụ nuôi, hay khi vụ nuôi gặp sự cố để không đổ trực tiếp ra sông rạch. Vấn đề chọn con giống tốt, thức ăn đạt chuẩn - chất lượng, cách cho ăn đúng kỹ thuật và việc theo dõi chăm sóc, đối phó các vấn đề thay đổi môi trường ao nuôi phải được tuân thủ quy trình chặt chẽ; nuôi vụ nào ra vụ nấy, không nên thả giống nối vụ. Phải thận trọng trong sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc phòng trị bệnh tôm, tuyệt đối không nghe theo “tư vấn dạo” bán thuốc lạ, dù phải đối phó dịch bệnh, kể cả bệnh nguy cấp để tránh dùng nhầm hóa chất, kháng sinh bị cấm sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu.

Một vấn đề rất quan trọng và tuy đơn giản dễ làm, nhưng trước đây ít được người nuôi tôm chú ý chỉ vì lợi ích trước mắt từ con tôm, hiện nay cho thấy nó mang lại hiệu quả rất tích cực, giúp nông dân thực hiện được các mô hình đa canh ngay trên vùng đất mặn, ổn định được sản xuất, đời sống và có tính bền vững cao, đó là vấn đề cắt vụ, luân canh, xen canh bằng những mô hình nuôi nương theo sinh thái có chọn lọc đối tượng nuôi và không dùng thuốc diệt cá tạp. Để nhờ đó có thêm sản phẩm phụ rất có hiệu quả, có thể giúp người nuôi tôm tránh tình trạng phá sản chỉ vì “ba vụ trúng tôm không đủ bù một lần bể hầm”! Cụ thể, các loại hình nuôi quảng canh thì thả giống mật độ vừa phải 2 - 4 con/m2 theo mùa vụ thuận, không thả nối và không dùng thuốc diệt cá tạp, mà chỉ dùng các công cụ truyền thống như lưới, lú… bắt tỉa, giữ mật số cá thể cua, cá hợp lý để không ảnh hưởng đến tôm nuôi. Còn nếu nuôi tôm công nghiệp, sau khi nuôi 1 - 2 vụ tôm thì ngừng nuôi, cho ao đầm nghỉ ngơi bằng cách giữ ngọt hóa 1 - 2 vụ hay vài tháng rồi xử lý cải tạo thật kỹ, hoặc thay đổi đối tượng nuôi phù hợp.

Trong thực tiễn nuôi tôm thời gian qua tại các địa phương ở Cà Mau đã chỉ ra rằng nếu nông dân biết cân nhắc, tính toán kỹ trước khi nuôi và thực hiện xen canh, cắt vụ luân canh với các loài cá phi, cá bổi, các loài cá đồng, sò huyết, vọp, cá kèo… sẽ có được những vụ tôm đạt kết quả tốt hơn và cũng tăng thêm thu nhập từ những đối tượng nuôi phụ đó. Đây là hướng đi đúng, giúp cho người nuôi tôm vượt qua những điều kiện nuôi khó khăn.


Có thể bạn quan tâm

Bà Rịa Vũng Tàu chủ động phòng chống bệnh cho tôm nuôi mùa nắng nóng Bà Rịa Vũng Tàu chủ động phòng chống bệnh cho tôm nuôi mùa nắng nóng

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa bất thường làm môi trường ao nuôi tôm thay đổi đột ngột. Sau mưa là nắng nóng gay gắt khiến tôm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh như Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS), bệnh Đốm trắng (WSSV), bệnh đầu vàng, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.

07/06/2016
Cá giống tăng giá Cá giống tăng giá

Do hiện nay mùa mưa đã bắt đầu, người dân chuẩn bị thả vụ cá ruộng thay lúa vụ 3, nên các loại cá giống cũng bắt đầu tăng giá. Hiện nay theo ghi nhận ở một số điểm bán cá giống trên địa bàn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), giá các loại cá giống đều tăng từ 10 - 20% so với cùng kỳ năm trước.

07/06/2016
Cảnh giác với thông tin thương lái Trung Quốc mua cá tra quá lứa Cảnh giác với thông tin thương lái Trung Quốc mua cá tra quá lứa

Người nông dân Đồng Tháp rất thận trọng trước thông tin một số thương lái Trung Quốc tìm mua cá tra nguyên liệu cỡ lớn, quá lứa.

07/06/2016