Giá / Tin nông nghiệp

Đẩy mạnh sản xuất thanh long VietGAP, GlobalGAP

Đẩy mạnh sản xuất thanh long VietGAP, GlobalGAP
Tác giả: Kim Sơ
Ngày đăng: 22/06/2017

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm quả thanh long, đảm bảo VSATTP và phục vụ cho yêu cầu xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh SX thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Bình Thuận là thủ phủ trồng thanh long của cả nước, với diện tích trên 26.500ha, sản lượng trên 500 ngàn tấn/năm. Trong đó, khoảng 80 - 85% sản lượng trái thanh long Bình Thuận dành cho xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Bình Thuận đang đẩy mạnh sản xuất thanh long VietGAP, GlobalGAP

Để nâng cao năng lực sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thu hút các DN tham gia chế biến, tiêu thụ trái thanh long. Song song đó, đẩy mạnh sản xuất thanh long VietGAP và GlobalGAP.

Ông Phan Văn Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, đến nay toàn tỉnh có khoảng 262ha thanh long được cấp chứng nhận GlobalGap và hơn 9.200ha thanh long được cấp chứng nhận VietGap với 450 tổ nhóm và 12 HTX. Và dự kiến đến cuối năm 2017, toàn tỉnh sẽ nâng diện tích SX thanh long VietGAP lên đến gần 10.000ha.

“Để nâng cao chuỗi giá trị thanh long, xuất khẩu chính ngạch, các hộ dân buộc phải SX thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm tạo ra trái thanh long chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Để làm được điều này, chúng tôi đang vận động doanh nghiệp liên doanh, liên kết, ký kết hợp đồng bao tiêu. Đồng thời đào tạo, tập huấn cho cán bộ khuyến nông về cây thanh long, các tổ trưởng THT, cán bộ HTX, THT, xã viên nòng cốt để có thể nhân rộng, xây dựng những đơn vị SX kinh doanh thanh long mạnh”, ông Tấn chia sẻ.

Về lợi ích mang lại khi sản xuất thanh long VietGAP, theo nông dân, chi phí SX giảm từ 20 - 30% so với SX thanh long theo cách truyền thống, do hạn chế dùng thuốc BVTV độc hại và giảm được lượng phân bón, trong khi đó sản phẩm an toàn, bởi người trồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình SX.

Để tăng giá trị xuất khẩu và thu nhập, nông dân phải SX thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP

Nông dân Nguyễn Minh Tấn ở xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) cho biết, gia đình ông có 2ha thanh long (2.000 trụ) đã duy trì SX thanh long VietGAP từ năm 2012 cho đến nay. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP nên những năm qua vườn thanh long sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi năm thu hoạch 4 lứa (2 chính vụ, 2 trái vụ), năng suất 1 trụ đạt 50kg/năm, sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi hàng trăm triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Đăng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hàm Minh cho biết, xác định mục tiêu để phát triển thanh long bền vững, xuất khẩu thanh long vào thị trường khó tính nên thời gian qua địa phương luôn định hướng cho bà con sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Đến nay toàn xã đã có 1.043/1.500ha thanh long VietGAP, với hơn 48 tổ nhóm và trang trại. Diện tích trên ngày càng được mở rộng.

Còn ông Trần Đình Trung, GĐ HTX thanh long Thuận Tiến, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) cho biết, nhờ sản xuất được thanh long VietGAP và GlobalGAP nên đến nay HTX đã xuất được 60% sản lượng sang Pháp, Đức và Hà Lan. Về giá bán xuất khẩu chính ngạch, theo ông Trung tăng hơn 50% so với bán trôi nổi trên thị trường. Được biết, hiện toàn HTX có 12 thành viên với gần 25ha thanh long đạt VietGAP và GlobalGAP với sản lượng gần 1.000 tấn/năm.

Thu hoạch thanh long ở Bình Thuận

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, theo quy hoạch sẽ nâng tỉ lệ diện tích trồng thanh long an toàn (VietGAP, GlobalGAP) đến năm 2020 đạt trên 50% và đến năm 2025 đạt trên 70%. Nâng giá trị XK thanh long, phấn đấu đến năm 2020 các doanh nghiệp thanh long của tỉnh XK đạt 20 - 25 triệu USD, đến năm 2025 đạt 50 - 60 triệu USD. Phấn đấu đến năm 2020, nâng giá trị sản xuất của ngành hàng thanh long chiếm 35 - 36% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, giá trị tăng thêm chiếm 28 - 30% GRDP ngành nông nghiệp, đóng góp từ 7 - 8% trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Ăn nên làm ra nhờ ươm cây giống Ăn nên làm ra nhờ ươm cây giống

Tại ĐBSCL, nhiều nông dân đang ăn nên làm ra nhờ sản xuất cây giống. Điển hình là bà Trần Thị Hiền, 60 tuổi ở ấp Phước Thủy, xã An Phước, huyện Mang Thít

22/06/2017
Đánh thức cây ăn quả miền Trung Đánh thức cây ăn quả miền Trung

Nhìn lại, cây ăn quả ở miền Trung đang có diện tích không nhỏ, lại hội đủ ưu thế để phát triển thành vùng cây ăn quả tập trung, có lợi thế cạnh tranh với các

22/06/2017
Lập nghiệp từ hoa hồng Lập nghiệp từ hoa hồng

Chàng trai trẻ Đào Mạnh Hùng, sinh năm 1988, ở khu 8 xã Tứ Mỹ, huyện Tam Nông đã bắt tay vào gây dựng sự nghiệp với loài hoa vừa lãng mạn lại vừa có giá trị

22/06/2017