Đẩy Mạnh Phát Triển Mô Hình Lúa - Cá Ở Yên Đồng (Ninh Bình)

Những năm qua, nông dân xã Yên Đồng (Yên Mô - Ninh Bình) đã chuyển đổi từ chân ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá nhằm khai thác diện tích mặt nước trên ruộng, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập.
Thăm quan mô hình lúa - cá kết hợp chăn nuôi của hộ ông Phạm Như Bồn ở thôn Phong Lẫm mới thấy hết được hiệu quả của chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi ở vùng đất chiêm trũng này. Ông Bồn cho biết: Gia đình ông đã chuyển đổi được 1 ha đất nông nghiệp để đào ao, thả cá, nuôi vịt và cấy lúa kết hợp. Mỗi năm ông xuất bán trên 5 tấn cá thương phẩm và nuôi trên 1.300 con vịt đẻ. Ngoài cá và vịt, trên diện tích khoảng 2 mẫu ông đã gieo trồng các giống lúa mới có năng suất cao như Thục hưng 6, GS9 và các giống lúa chất lượng cao.
Mô hình lúa - cá rất dễ làm vì tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên làm thức ăn cho cá. Đồng thời bảo vệ được môi trường, tạo điều kiện cho cá trong tự nhiên phát triển. Ngoài ra, nhờ nuôi cá trong ruộng lúa sẽ làm đất luôn tơi xốp, cung cấp lượng phân cá cho ruộng lúa làm giảm chi phí phân bón và tăng năng suất lúa, như ở vụ đông xuân vừa rồi năng suất lúa của gia đình ông Bồn đạt trên 70 tạ/ha.
Nhờ vào việc chuyển đổi ruộng trũng sang mô hình lúa - cá kết hợp chăn nuôi, doanh thu mỗi năm gia đình ông đạt gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí, thu nhập đạt trên 200 triệu đồng, trong đó thu nhập từ cá nuôi ao và cá thả xen lúa đạt gần 150 triệu đồng.
Ông Phạm Trọng Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết: Qua công tác vận động, tuyên truyền, xã Yên Đồng đã có 223 hộ dân tự nhận ruộng để chuyển đổi mô hình. Đến nay toàn xã có 88 ha đã chuyển đổi và là xã có diện tích chuyển đổi lớn nhất huyện Yên Mô. Nhiều hộ đã biết áp dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật đưa cơ giới hóa vào sản xuất mang lại thu nhập cao từ 100 - 200 triệu đồng/năm. Cũng nhờ mô hình lúa - cá đã tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Việc phát triển mô hình lúa - cá ở Yên Đồng hiện nay đã đạt kết quả khá cao, phù hợp với điều kiện kinh tế vùng có nhiều diện tích ruộng trũng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Trong thời gian tới, xã Yên Đồng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên tuyền, biểu dương những điển hình, vận động bà con nông dân tiếp tục dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi ruộng trũng sang mô hình lúa - cá kết hợp. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, hiện nay bà con vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn đầu tư và kỹ thuật nuôi trồng.
Người dân mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của các cấp, ngành để việc chuyển đổi mô hình lúa - cá thuận lợi, giúp người dân có cơ hội vươn lên làm giàu, góp phần phát triển quê hương.
Có thể bạn quan tâm

Bồ câu có nhiều loại, mỗi loại đều có ưu điểm và giá trị thương phẩm khác nhau, nhưng hiện nay đa phần người nuôi bán công nghiệp thường chọn bồ câu Pháp để lấy thịt và sản xuất con giống. Ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Cần, ở ấp Long Thạnh, xã Đông Hiệp, huyện Thới Lai, đã bước đầu thành công với mô hình nuôi bồ câu này.

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Bến Tre), toàn huyện hiện có 373 bè nuôi cá; tập trung nhiều nhất ở xã Tân Thạch với hơn 30 hộ nuôi, tổng số trên 120 bè và tổng thể tích nuôi gần 15.000m3.

Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn xã Lương Hòa (Giồng Trôm) thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả. Trong đó, hộ ông Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1962, ở ấp Phong Điền, thí điểm thành công mô hình trồng dưa gang, đạt hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập.