Giá / Tin nông nghiệp

Đầu tư trồng rừng thâm canh

Đầu tư trồng rừng thâm canh
Tác giả: Võ Thái Hòa
Ngày đăng: 10/11/2017

Không giống như trồng rừng phòng hộ, hiện nay người dân trồng rừng kinh tế đã đầu tư thâm canh lớn để nâng cao chất lượng rừng và rút ngắn chu kỳ canh tác, tăng cao hiệu quả kinh tế. Việc đầu tư trồng rừng thâm canh đã giúp người dân có được nguồn thu nhập đáng kể và yên tâm với nghề rừng.

Vườn ươm giống cây rừng đạt chất lượng trên địa bàn huyện Cam Lộ

Huyện Cam Lộ là một trong những địa phương có nhiều diện tích rừng trồng phục vụ mục đích kinh tế. Những năm qua, người dân trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác trồng rừng sản xuất. Nông dân đã đầu tư khá nhiều cho công tác trồng rừng, không chỉ khai thác tối đa diện tích đất lâm nghiệp mà còn đầu tư thâm canh ở các khâu sản xuất rừng.

Ngoài công tác chọn giống chất lượng tốt từ vườn ươm được cấp giấy chứng nhận thì người dân còn đầu tư khá mạnh lượng vật tư phân bón hàng năm cho rừng sản xuất nhằm làm cho tỷ lệ cây sống cao, rừng phát triển nhanh, sinh khối lớn. Là một nông dân có diện tích đất rừng khá nhiều và cũng đã tham gia trồng rừng từ lâu năm, nhưng mấy năm trở lại đây, anh Lê Ngọc Hoài, ở thôn An Thái, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ đã mạnh dạn chuyển hình thức từ trồng rừng quảng canh sang thâm canh.

Trước đây, gia đình anh Hoài trồng rừng theo kiểu “nhờ trời”, không bón phân, ít chăm sóc nên chất lượng rừng không tốt, thời gian trồng rừng kéo dài và năng suất rừng vào thời điểm khai thác không cao. Do đó, nguồn thu nhập của gia đình anh Hoài từ việc trồng rừng không đáng kể nên ít chuyên tâm với việc trồng rừng. Những năm trở lại đây, từ phong trào trồng rừng phát triển và áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật vào trồng, chăm sóc rừng của nông dân trong vùng nên anh Hoài đã thay đổi phương pháp canh tác rừng.

Anh cũng đã tham gia học hỏi các biện pháp kỹ thuật về trồng, chăm sóc rừng, đầu tư kinh phí cho trồng rừng có bón phân, kỹ càng hơn trong việc chọn giống đảm bảo chất lượng, làm đất, mật độ cây trồng…Với phương pháp trồng rừng thâm canh này, cũng giống như sản xuất nông nghiệp, người nông dân trồng rừng phải đầu tư công sức và kinh phí nhiều hơn so với trồng rừng quảng canh. Đầu tư trồng rừng thâm canh chi phí trong 5 năm khoảng 10- 12 triệu đồng/ha (còn trồng rừng quảng canh khoảng 2- 3 triệu đồng/ha).

Từ khâu chọn giống, làm đất, bón phân, trồng, chăm sóc, tỉa thưa đều áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Đặc biệt, nông dân còn đưa cơ giới vào các khâu trong sản xuất lâm nghiệp như cày đất, đào hố, vận chuyển cây giống, vật tư phân bón… Nhờ đó, tỷ lệ sống của phương pháp trồng rừng thâm canh đạt gần 100%, cây rừng sinh trưởng và phát triển nhanh. Chu kỳ trồng rừng thông thường được rút ngắn từ 7 năm xuống còn 5 năm, trong khi năng suất lại tăng gần gấp 1,5 lần so với trồng rừng quảng canh.

Sau chu kỳ 5 năm, trồng rừng theo phương pháp thâm canh khai thác cho giá trị từ 50- 70 triệu đồng/ha, trong khi trồng rừng quảng canh sau 7 năm trồng khai thác chỉ cho giá trị 30- 40 triệu đồng/ha. Để khai thác tốt thế mạnh vùng gò đồi trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, những năm qua, huyện Cam Lộ đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân đầu tư nhiều hơn cho công tác trồng rừng. Đồng thời, huyện đã ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp như hỗ trợ giống và phân bón để nông dân chuyển sang trồng rừng thâm canh và bảo vệ rừng ngày một tốt hơn.

Đối với việc trồng rừng thâm canh, các biện pháp kỹ thuật được tiến hành đồng bộ như tiến hành phát, đốt, dọn thực bì; cây giống được chọn phải là các cây có bầu ươm trên 3 tháng tuổi, sạch bệnh; mật độ trồng thích hợp là 1.600- 2.000 cây/ha; phân bón có cả phân chuồng và phân NPK; cần chú ý đến việc làm đất, cải tạo được địa hình có lợi cho việc giữ và thấm nước. Về việc bón phân cho rừng, ngoài bón lót lúc trồng, hàng năm nông dân còn tiến hành bón thúc để giúp cây phát triển tốt.

Bên cạnh các biện pháp trồng và chăm sóc cho cây rừng sinh trưởng và phát triển tốt, các biện pháp bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cũng được người dân quan tâm như làm đường ranh cản lửa, thường xuyên thăm rừng, kịp thời ngăn chặn các tình huống gây cháy rừng có thể xảy ra. Hiện nay trên địa bàn huyện Cam Lộ, nông dân đang trồng trên 500 ha rừng theo hình thức thâm canh và diện tích này tăng lên hàng năm do nhiều người dân đã chuyển hướng đầu tư trồng rừng.

Với việc thực hiện giải pháp trồng rừng thâm canh dựa trên cơ sở áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp và liên hoàn để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, hiệu quả kinh tế không chỉ nâng cao thu nhập cho người trồng rừng mà còn bồi dưỡng được chất đất và môi trường, đảm bảo sản xuất an toàn, môi trường đất không bị khai thác cạn kiệt mà còn được bổ sung dinh dưỡng và bảo vệ tốt, từ đó bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển trồng rừng ổn định lâu dài và bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Tăng năng suất chăn nuôi mùa nóng bằng kỹ thuật phòng bệnh khoa học Tăng năng suất chăn nuôi mùa nóng bằng kỹ thuật phòng bệnh khoa học

Thời tiết nắng nóng, oi bức, nhiệt độ cao khiến gia súc giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh khiến năng suất giảm sút. Nông dân cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật

10/11/2017
Dư lượng thuốc trừ sâu cao trong thực phẩm có thể gây vô sinh Dư lượng thuốc trừ sâu cao trong thực phẩm có thể gây vô sinh

Theo một nghiên cứu mới, điều trị vô sinh có thể ít hiệu quả hơn đối với những người ăn nhiều thực phẩm với mức dư lượng thuốc trừ sâu cao.

10/11/2017
Tín hiệu vui từ mô hình măng tây xanh trên đất Bình Thạnh Tín hiệu vui từ mô hình măng tây xanh trên đất Bình Thạnh

Để cây măng tây xanh sinh trưởng tốt và cho chồi đẹp, người trồng phải bỏ công dọn cỏ, tỉa cành thường xuyên, sử dụng nguồn nước sạch để tưới

10/11/2017