Giá / Tin nông nghiệp

Dấu ấn chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Bá Thanh

Dấu ấn chủ nhiệm hợp tác xã Nguyễn Bá Thanh
Tác giả: Hồng Đoàn
Ngày đăng: 17/02/2016

Vực dậy sản xuất

Ông Bùi Ngọc Cang- Chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn 3, trước là phụ trách bộ phận trồng trọt HTX, một người đã gắn bó với anh Thanh trong khoảng thời gian dài, kể lại: Cuối năm 1980, ông Thanh được cử về làm chủ nhiệm HTX.

Hồi đó, HTX hoạt động rất khó khăn, việc huy động nhân dân tăng gia sản xuất gặp nhiều trở ngại nên hầu hết đời sống bà con xã viên đều thiếu ăn, thiếu mặt...

Tuy nhiên, sau 3 năm làm chủ nhiệm HTX, ông Thanh đã xây dựng đơn vị thành một đơn vị điển hình của ngành NN huyện Hòa Vang lúc bấy giờ.

Gần 36 năm đã trôi qua, nhưng những việc của ông Nguyễn Bá Thanh làm chủ nhiệm HTX Hòa Nhơn 3 đối với ông Cang vẫn còn nguyên trong tâm trí.

Theo lời ông Cang, để ổn định tổ chức và có nguồn lực đẩy mạnh hoạt động của HTX, anh Thanh đã tổ chức họp nhiều lần với cán bộ, xã viên nhằm tìm hướng đóng góp vào hợp tác xã.

Thời đó, dân nghèo lăm, người có tiền thì góp tiền, có trâu góp trâu, có bò  góp bò, người thì góp cái cày, cái cuốc…  Cứ như vậy, vốn của HTX tăng lên tới 240 triệu đồng- một số tiền có thể nói là rất lớn thời bấy giờ.

Có tiền và được bà con nhân dân, xã viên tin tưởng, anh Thanh bắt đầu tái thiết HTX với nhiều cách làm mới lại và độc đáo…

Theo ông Cang, điều đầu tiên anh Thanh làm là tái thiết lại sản xuất nông nghiệp cây lúa, cây hoa màu bằng việc  quy hoạch lại  những vùng sản xuất lúa, vùng trồng rau, trồng mía, trồng bắp.

Khi đã quy hoạch xong, anh nghiên cứu, tìm tòi các loại giống lúa, giống cây trồng thích hợp để đưa vào sản xuất.

Đặc biệt, những vùng sản xuất khó khăn, không chủ động được nước tưới như: Ninh An, Diên Phong, Phước Hưng Nam… anh Thanh đã chỉ đạo bà con xã viên chuyển sang trồng cây ngô, cây mía…Sản xuất hiệu quả, lúa được mùa, nhân dân bắt đầu có cái ăn, của để nên rất phấn khởi…

Đặc biệt, vào thời đó, anh Thanh là người đã đưa được giống mía F134 vào vùng đất Hòa Nhơn để trồng tại các thôn Phước Hưng Nam, Diêu Phong, Ninh An…với diện tích trồng hằng năm từ 50 -60 ha.

Bà con nhân dân vừa sản xuất vừa đưa vào làm thủ công (ép rồi nấu thành đường) rồi bán cho công ty cấp ba để họ làm đường.

“Trước đó, đời sống nhận dân rất khó khăn, nhưng sau khi có sự xuất hiện của anh Thanh, năng suất lúa, cây màu được nâng lên, bà con xã viên rất phấn khởi, đời sống nông dân đã thay đổi hẳn đi.” – Ông Cang chia sẻ.

Không để bị dân chửi

Trò chuyện cùng ông Huỳnh Bông – một cán bộ HTX Hòa Nhơn 3, người cũng gắn bó 3 năm với ông Nguyễn Bá Thanh chia sẻ, thời bao cấp, người giữ chức vụ chủ nhiệm HTX thường bị người dân mắng chửi nhiều lắm! Ông chủ nhiệm làm không được việc thì đời sống xã viên khốn khổ, thế mà anh Thanh thì lại khác: Dân yêu mến, còn xã viên thì tôn sùng lắm.

Lúc đó, anh Thanh đang còn trẻ, lại giữ chức chủ nhiệm nên đối mặt nhiều áp lực và trở ngại.

Tuy vậy, trong công việc, anh nói là làm và làm cái gì là thành công.

Hoặc như nếu anh em nào sai thì xử lý, ai đến kiến nghị thì giải quyết dứt điểm…

 “Anh Thanh là người sống giản dị, có tính nói thẳng, nói thật, nhưng điều anh nói trúng và đúng lắm.

Cách làm của anh đơn giản nhưng hiệu quả.

Chỉ 3 năm làm chủ nhiệm HTX, nhưng anh làm được nhiều việc lớn cho bà con xã viên của HTX Hòa Nhơn 3” – Ông Huỳnh Bông.

Ông Cang cho rằng, chỉ trong vòng 3 năm làm chủ nhiệm HTX, anh Thanh không những là người có công đóng góp cho sự khởi sắc của HTX mà còn xây dựng được rất công trình phúc lợi, dân sinh về đường xá, trụ sở làm việc của HTX, trường tiểu học Ninh An, kênh mương thủy lợi, cầu Tất Thắng… Tất cả điều này đã góp phần tích cực tạo nên một diện mạo mới cho Hòa Nhơn.

“Anh Thanh là người khởi xướng và là kiến trúc sư xây dựng nên công trình hồ chứa nước Trước Đông.

Đây là công trình rất ý nghĩa đối với bà con nhân dân xã Hòa Nhơn.

Bởi vào những năm 1981-1982, hầu hết diện tích sản xuất lúa của nông dân trên địa bàn Hòa Nhơn chủ yếu sản xuất dựa vào nước trời nên hiệu quả rất bấp bên…” – ông Cang cho biết thêm.

Công trình hồ chứa nước Trước Đông là một trong những công trình lịch sử mang dấu ấn của ông Nguyễn Bá Thanh.

Thấy được sự bấp bên của việc sản xuất của cây lúa, anh Thanh đã ngày đêm suy nghĩ, tìm tòi nghiên cứu, thiết kế, rồi chọn địa điểm để xây dựng hồ chứa nước Trước Đông ở Hòa Nhơn.

Đầu năm 1982, dự án bắt đầu khởi công, trong quá trình làm, anh Thanh đã phát động bà con nhân dân xã viên đóng góp hàng vạn ngày công, tiền của và vận động nhiều tổ chức hỗ trợ thi công dự án và sau gần 1 năm hồ chứa nước Trước Đông cũng hoàn thành.

Với dung tích 2,5 triệu m3, diện tích 35 ha mặt nước (hồ chứa nước lớn thứ 3 của thành phố Đà Nẵng).

“Trước đây, khi chưa có hồ chứa nước Trước Đông, diện tích sản xuất lúa của bà còn chỉ vài chục ha, khi con hồ Trước Đông đưa vào sử dụng, diện tích sản xuất tăng lên 126 ha, sản xuất 2 vụ, năng suất tăng lên từ 50-55tạ/ha…Nhờ có hồ thủy lợi này, bà con hồi đó sản xuất được mùa rất phấn khởi và kể cả bây giờ, người dân của Hòa Nhơn rất biết ơn anh Thanh.

Công trình hồ chứa nước này đã đi vào lịch sử của xã Hòa Nhơn, nay nó vẫn còn đó và phát huy tốt hiệu quả…” – ông Cang phấn khởi.


Có thể bạn quan tâm

Ngắm cây khế hái vàng tại Hội hoa xuân TP.HCM Ngắm cây khế hái vàng tại Hội hoa xuân TP.HCM

Chiều cao hơn 3m và tuổi đời hàng trăm năm, cây khế cổ, khủng với trái sum suê của nghệ nhân ở Biên Hòa đã “ẵm” được Giải vàng tại Hội hoa xuân TP.HCM.

17/02/2016
Lạc vào rừng chè vài trăm năm tuổi trên núi Cà Đam Lạc vào rừng chè vài trăm năm tuổi trên núi Cà Đam

Nhiều cây chè cao hơn 12m, thân thẳng đuột, kích thước hơn nửa vòng tay người ôm, nằm sát bụi rậm... vì vậy nếu không được giới thiệu và để ý thì những người mới thấy lần đầu đều lầm tưởng đây là một loại cây rừng nào đó.

17/02/2016
Nghiệp gáo dừa của ông Bình SVC Nghiệp gáo dừa của ông Bình SVC

“Hễ ông Bình đem gáo dừa cẩn lên thứ gì, là thứ đó... thành chuyện”. Ấy là một trong nhiều nhận xét về sáng tạo và tay nghề độc đáo của Nghệ nhân Phạm Hồng Bình (Bình SVC) ở Tuy Hòa, Phú Yên.

17/02/2016