Giá / Mô hình kinh tế

Đất Không Dành Cho Dân Nghèo

Đất Không Dành Cho Dân Nghèo
Tác giả: 
Ngày đăng: 23/02/2012

TÔI ĐI MUA ĐẤT TRỒNG CAO SU

Chiều ngày 8/2/2012, trong vai người đi tìm mua đất trồng cao su, tôi được anh Trần Văn Sử dẫn đi. Hóng tầm mắt ra xa, dưới ánh nắng chiều chói chang, những quả đồi còn trơ trụi vì cây rừng đã hết, cao su mới trồng chưa kịp xanh, nằm nối tiếp nhau, nhấp nhô như bát úp.
Luồn lách một hồi lâu, anh Sử dừng xe trước một lô cao su chừng 4 tuổi và nói: “Lô cao su này của ông Lưu Xuân Thủy, nguyên Chủ tịch xã. Nhưng bây giờ ổng đã bán lại cho ông Bài (ông Trần Văn Bài, nguyên cán bộ mặt trận xã Đăng Hà) rồi”. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Bài cho biết: “Đâu có mua bán gì. Chúng tôi chỉ hùn nhau, người có của người góp công thôi. Khu đất này ban đầu diện tích 10 mẫu, nhưng vừa rồi họ về đo đạc lại rồi bị cắt mất 2,8 mẫu”.
Nói về việc một số cán bộ xã được cấp đất trồng cao su, ông Bài cho biết: “Năm 2008, xã có làm 15 hồ sơ xin đất trồng cao su cho một số cán bộ xã, trong đó có tôi. Nhưng cuối cùng chỉ có 4 cán bộ xã là ông Nguyễn Ngọc Ánh, Trưởng CA, ông Quách Ngọc Chinh, Phó CA, ông Lục Thanh Tạc, Bí thư Đảng ủy và ông Lưu Xuân Thủy, nguyên Chủ tịch xã, mỗi người được cấp 7- 8 mẫu”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 4 cán bộ xã nói trên, mỗi người chỉ được cấp 4 mẫu, nhưng diện tích thực lớn hơn nhiều. Đa số họ không sản xuất mà cho thuê hoặc sang nhượng cho người khác (như trường hợp ông Thủy). “Đất cao su ở Đăng Hà có chủ hết rồi, không còn nữa đâu. Tôi biết, có hơn 50 công ty. “Thằng” nào ít nhất cũng có 50 mẫu. Toàn nhân vật có máu mặt cả đấy. Chứ dân nghèo loại “thấp cổ bé họng” như chúng tôi thì đừng hòng”, ông Bài nói.
Chia tay ông Bài, chúng tôi tìm đến lán của người đàn ông tên Bắc cách đó 2 quả đồi. Nghe tôi nói đi tìm mua đất trồng cao su, Bắc hỏi: “Anh muốn mua bao nhiêu?”. Vừa nghe câu trả lời của tôi xong, Bắc cười lớn: “Tưởng mua vài trăm chứ chục “héc” thì...”. Tôi hỏi: “Vài trăm thì anh bán hả?”, Bắc đáp: “Tôi không bán nhưng có người bán, thiếu gì”.
Bắc cho biết hiện anh ta đang có hơn trăm mẫu cao su, trong đó khoảng 60 mẫu đã cạo mủ được 8 năm và sắp thanh lý cây. “Nếu anh chỉ mua 10-15 mẫu thì nên mua của cá nhân, thiếu gì người bán. Chứ mua cao su dự án bây giờ “phiêu" lắm. Mấy dự án cao su ở đây của tỉnh giao và không được sang nhượng trong vòng 5 năm, sang nhượng họ biết là sẽ bị thu hồi. Cho nên không làm giấy tờ công chứng được, chỉ làm giấy tay thỏa thuận giữa 2 người thôi. Rủi ro cao lắm, 5 ăn 5 thua, nếu có chuyện gì có thể mất trắng”, Bắc phân tích.
Chỉ vào quả đồi lúp xúp cây cao su mới trồng ngay trước mặt, tôi hỏi: “Nghe nói cao su này của ông Đỗ Văn Tần muốn sang nhượng?”. Anh Bắc nói: “Đúng rồi, chỗ đó ban đầu 50 mẫu, nhưng nghe nói vừa sang nhượng 10 mẫu rồi, chỉ còn 40 mẫu thôi. Mà đâu phải ổng đứng chủ đâu, cũng sang nhượng qua 3-7 tay rồi”. Tôi hỏi ông Tần làm gì, Bắc không nói mà lảng sang chuyện khác.
QUAN THẾ NÀY, DÂN KHỔ LÀ PHẢI!
Sau khi làm việc tại UBND xã Đăng Hà, 14 giờ chiều ngày 9/2 (thứ 5), tôi có mặt tại UBND huyện Bù Đăng. Tìm được đến phòng Chủ tịch huyện thì căn phòng khóa trái cửa. Ghé vào căn phòng bên cạnh hỏi thì được biết ông Chủ tịch đang ở dưới phòng riêng (trong khuôn viên UBND huyện có một dãy nhà tập thể dành cho cán bộ huyện ở). Tôi xuống gõ cửa, chừng 5 phút sau ông Hoàng (đang mặc quần soọc, áo thun) chỉ mở hé cánh cửa và vẫn đứng bên trong nhìn ra với nét mặt khá “hình sự”.
Tôi lên tiếng trước: “Chào anh Hoàng, tôi là PV báo NNVN, muốn gặp anh…”. Vừa nghe đến đây, ông Hoàng cắt lời: “Ừ, em lên gặp văn phòng đi nha”. “Tôi muốn gặp anh để…”, “Không, em lên gặp văn phòng đi!”, ông Hoàng tiếp tục cắt lời tôi. “Gặp văn phòng là gặp ai ạ?”, “Em cứ lên văn phòng”. “Nhưng cụ thể lên văn phòng gặp ai ạ?”, “Anh đâu biết, em cứ lên văn phòng”… Rồi cánh cửa đóng sập trước sự chưng hửng của tôi và cô nhân viên văn phòng đang đứng bên cạnh.
Lượn 2-3 lần quanh dãy hành lang thiếu ánh sáng, san sát những cánh cửa gỗ đóng im ỉm tôi mới tìm được 2 cánh cửa có chữ Chánh Văn phòng và Phó chánh Văn phòng cạnh nhau. Nhưng… đều khóa trái. Vất vả lắm tôi mới gặp được ông Nguyễn Trọng Tín, Phó chánh Văn phòng. Nghe tôi trình bày, ông Tín gắt: “Đơn khiếu nại bên anh tiếp nhận thì phải gửi về đây chứ? Anh có hồ sơ chuyển về không?”. Tôi nói: “Chúng tôi nhận được đơn khiếu nại của bà con và xuống đây tìm hiểu…”.
Trong danh sách 51 công ty trồng cao su ở Đăng Hà (do UBND xã cung cấp), chúng tôi thấy chỉ có 18 công ty ghi đầy đủ địa chỉ tại các địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước và một doanh nghiệp ở tận Hà Nội. Còn lại, một số chỉ ghi tên công ty, số điện thoại di động. Có đến 15 công ty thậm chí cả số điện thoại di động cũng không có.
Nghe vậy, ông Tín liền “giảng”: “Không, qui trình giải quyết đơn là khi cơ quan báo chí nhận được đơn, nếu thuộc thẩm quyền thì giải quyết. Còn không thì phải gửi về cơ quan chuyên môn có chức năng giải quyết. Khi có đơn của BBT báo gửi về thì chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản cho cơ quan báo chí”. Tôi nói: “Chúng tôi nhận được những đơn thư này và thay vì gửi công văn cho các anh thì hôm nay Ban biên tập cử tôi đến làm việc trực tiếp và phối hợp xác minh…”. Tôi chưa nói hết câu, ông Tín cắt lời: “Anh có được ủy quyền làm đại diện cho các hộ dân này đi khiếu nại, đi kiện chưa? Tốt nhất bây giờ cơ quan báo NNVN nên có văn bản đề nghị UBND huyện Bù Đăng trả lời theo nguyện vọng của bà con. Chúng tôi sẽ căn cứ văn bản đó để thực hiện”.
 Cuối cùng ông Tín nói: “Quy chế phát ngôn của UBND tỉnh đã ban hành rồi, chỉ có lãnh đạo huyện mới có đủ thẩm quyền trả lời báo chí. Tôi chỉ là người tiếp anh. Bây giờ anh có yêu cầu gì thì nói, chúng tôi sẽ tiếp nhận sau đó tham mưu báo cáo lại với lãnh đạo để lãnh đạo trực tiếp làm việc với anh”. Ông Tín cũng cho biết tỉnh thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi đất ở Đăng Hà trên cơ sở pháp luật. Nếu người dân khiếu nại thì họ phải gửi đơn trực tiếp về huyện. Đến nay huyện chưa nhận được lá đơn khiếu nại nào của người dân.
Dời UBND huyện Bù Đăng, tôi tiếp tục hành trình đến UBND tỉnh Bình Phước. Tại đây, tôi không gặp được vị lãnh đạo nào vì “bận họp” cả. Mấy ngày sau quay lại, tôi đã được tiếp, nhưng người tiếp tôi lại là một… Phó chánh Văn phòng với câu nói “không có thẩm quyền trả lời báo chí” và đề nghị tôi ghi lại những vấn đề cần trao đổi để lãnh đạo UBND xem xét trả lời bằng văn bản. Tôi đồng ý gửi lại câu hỏi, nhưng nhiều ngày trôi qua, văn bản trả lời nói trên vẫn “bặt vô âm tín”.


Có thể bạn quan tâm

Tiêu Điểm Gieo Sạ - Xuân Khê Vực Phục, Nhân Nghĩa Thí Điểm Mô Hình Tiêu Điểm Gieo Sạ - Xuân Khê Vực Phục, Nhân Nghĩa Thí Điểm Mô Hình

Những ngày xuân ấm áp này, ở Hà Nam, bà con nông dân đang tranh thủ xuống đồng, gấp rút chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bước vào khung thời vụ gieo cấy. Còn ít ngày nữa mới đến lịch gieo cấy bằng mạ, song hiện nay nhiều địa phương đã triển khai gieo sạ theo phương pháp cải tiến bằng nông cụ sạ hàng.

23/02/2012
Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản Bảo Vệ Môi Trường Nuôi Để Hạn Chế Dịch Bệnh Thủy Sản

Nghề nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân ở Phú Yên. Tuy nhiên vì chưa áp dụng đúng kỹ thuật nên thời gian gần đây dịch bệnh trên thủy sản nuôi thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại lớn cho người nuôi và kinh tế của địa phương.

23/02/2012
Triển Vọng Mới Cho Nghề Nuôi Tôm Triển Vọng Mới Cho Nghề Nuôi Tôm

Năm 2012 là năm khó khăn cho nghề nuôi tôm sú ở Cà Mau. Không chỉ dịch bệnh tràn lan mà giá cả bấp bênh, môi trường nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng… Trước những yếu tố bất lợi đó, những chủ trương, giải pháp mới đã kịp thời tháo gỡ khó khăn. Cùng với nhiều sáng kiến của người dân đã đưa nghề nuôi tôm bước sang giai đoạn mới.

23/02/2012