"Đặc sản" cá dứa: Hứa hẹn làm giàu cho Cần Giờ
Cá dứa được xếp vào hàng “đặc sản” hiếm có khó tìm của huyện Cần Giờ (TP.HCM). Hiện mỗi kg cá dứa nguyên liệu được bà con địa phương nuôi và bán với giá 120.000 đồng.
Cá dứa cũng được xem là đối tượng thủy sản nuôi có tiềm năng kinh tế của các huyện ven biển TP.HCM.
1kg cá ngang giá 1kg thịt bò
Ông Đặng Văn Út – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ chia sẻ, sau nhiều năm gắn bó với dự án nhân giống và nuôi cá dứa, mới đây, địa phương này đã xuất bán được 20 tấn cá dứa thương phẩm. Giá bán mỗi kg cá dứa tươi lên tới 120.000 đồng. So với tôm, cá dứa có giá cao gấp đôi, còn so với việc làm muối – một nghề truyền thống khác ở Cần Giờ, lợi nhuận cá dứa mang lại gấp trăm lần.
Trong ảnh: Chế biến khô cá dứa - một loại đặc sản nổi tiếng của Cần Giờ. Ảnh: T.H
Chế tạo thành công máy sấy cá dứa
Mới đây, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã chế tạo thành công máy sấy cá dứa, theo đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Theo đó, sau gần hai năm nghiên cứu, trường đã thiết kế, đưa vào thử nghiệm máy sấy cá dứa sử dụng năng lượng mặt trời, với năng suất tối đa đạt 100kg/mẻ. Máy có bộ thu năng lượng mặt trời, có bộ phận cấp nhiệt bằng điện trở để dự phòng khi trời mưa.
Cũng theo ông Út, vài năm gần đây, nguồn cá khan hiếm trong khi nhu cầu thị trường khá cao, nhiều cơ sở sử dụng cá tra, cá bông lau làm... khô cá dứa Cần Giờ. Để phát triển nguồn nguyên liệu cá dứa, huyện Cần Giờ phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện đề tài lai tạo giống cá dứa để nuôi thử nghiệm.
Với giá bán cá dứa thương phẩm từ 100.000 – 120.000 đồng/kg (loại từ 1kg trở lên), cá dứa mang lại thu nhập rất khá cho nông dân. Nếu xuất bán vào dịp tết, giá cá có thể từ trên 120.000 - 150.000 đồng/kg, hơn hẳn so với nhiều loại cá khác.
Tiềm năng kinh tế cao
Ngành nông nghiệp Cần Giờ cho rằng, cá dứa là đối tượng thủy sản có tiềm năng mang lại hiêu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi cá dứa thương phẩm cũng đang cho kết quả rất khả quan tại địa phương này. Đại diện Phòng kinh tế huyện Cần Giờ thông tin, từ đầu năm 2009, huyện đã xây dựng mô hình nuôi thí điểm cá dứa. Qua thành công ban đầu, diện tích nuôi cá dứa được nhân lên 10ha, tập trung ở các xã Lý Nhơn và An Thới Đông.
Theo nhận định, cá dứa có thể chọn để nuôi luân canh với tôm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế cao, phải tuân thủ đúng quy trình nuôi và các khuyến cáo mùa vụ của ngành nông nghiệp. Cụ thể, nuôi cá dứa không thể nuôi xen canh với nuôi tôm trong cùng 1 năm. Bà con nên thả khi bắt đầu mùa mưa, đến khi cá trưởng thành đã vào mùa nắng, độ mặn cao sẽ giúp hình dáng cá đẹp và chất lượng thịt cá ngon.
Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cũng khuyến cáo, trước khi thu hoạch 15 ngày, hộ nuôi cá dứa nên giảm cho ăn từ từ, còn cách ngày thu hoạch 3 ngày thì ngưng cho ăn để cá giảm bớt lượng mỡ trong cơ thể và thịt cá không hôi. Ngoài ra, để nuôi cá dứa hiệu quả, ngoài việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật từ khâu thả giống, cho ăn, xác định được độ mặn trong ao… người nuôi cần phải theo dõi yếu tố thời tiết.
Có thể bạn quan tâm
Giá tôm nước lợ các loại tăng mạnh do đang trong thời điểm nghịch vụ, sản lượng tôm cung ứng cho thị trường hạn chế, tôm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu
Cá thu đánh bắt được tiêu thụ trên thị trường trong nước, với giá dao động từ 90-130 ngàn đồng/kg. HTX đạt sản lượng 33 tấn. doanh thu đạt trên 2,5 tỷ đồng
Dù mới bước vào nghề nuôi tôm nhưng ngay trong năm đầu tiên, anh Đinh Văn Quý (ở xã Tiến Tới, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) đã “bỏ túi” gần 2,5 tỷ đồng