Giá / Tin thủy sản

Công nghệ đột phá từ Lactobacillus

Công nghệ đột phá từ Lactobacillus
Tác giả: Kim Tiến
Ngày đăng: 02/07/2018

Lactobacillus có tốc độ sinh trưởng nhanh, không chống lại các thành phần khác trong chế phẩm sinh học như vitamin, acid amin… Vì vậy, chủng vi khuẩn được sử dụng phổ biến phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Ao sử dụng chế phẩm, ruột tôm to và đầy hơn (bên trái) so với ao thông thường (bên phải) - hình nhỏ 

Ức chế gần 100% vi khuẩn có hại

Những năm gần đây, dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng ngày càng nhiều, nghiêm trọng nhất là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) hay còn gọi là Hội chứng chết sớm (EMS) gây thiệt hại nặng nề đến người nuôi. Để đối phó với tình trạng này, việc sử dụng các chế phẩm sinh học vẫn đang là biện pháp phòng ngừa bệnh phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường giá thành của các sản phẩm này khá cao, có thể chiếm tới 5% chi phí sản xuất. Hơn nữa, có nhiều lựa chọn chưa bảo đảm về an toàn sinh học (không mang mầm bệnh), cùng với phương pháp sản xuất, phương pháp áp dụng và cả đặc điểm môi trường (ví dụ như ao nuôi nước mặn, nước ngọt) chưa phù hợp nên có nhiều trường hợp không mang lại hiệu quả cao. Từ thực tế đó, TS Đặng Toàn Vinh cùng đồng nghiệp tại Khoa Thủy sản, Đại học Hạ Long đã tiến hành nghiên cứu phân lập một số mẫu từ ruột tôm nhằm xác định được loại chế phẩm sinh học có hiệu quả thực tế trong việc ức chế vi khuẩn Vibrio tại ao nuôi. Giúp người nuôi có thể tiết kiệm được khoảng 30% chi phí thức ăn nhưng vẫn đảm bảo tốc độ phát triển, có trường hợp tốt hơn 10% so với quá trình nuôi thông thường.

Trong quá trình thử nghiệm trên thực tế tại các doanh nghiệp và hộ nuôi, hiệu quả bước đầu cho thấy, sản phẩm có khả năng ức chế gần 100% vi khuẩn có hại Vibrio parahaemolyticus và Vibrio cholerae trong ao nuôi công nghiệp. Theo chia sẻ của anh Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tân An (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh): “Sau khi dùng 3 loại hóa chất diệt khuẩn khác nhau để xử lý nước đầu vào thì vi khuẩn gây bệnh Vibrio parahaemolyticus và Vibrio cholerae chỉ giảm được 70%, do đó, hiệu quả không tuyệt đối, mầm bệnh trong nước luôn tồn tại. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng chế phẩm sinh học này tại một số ao, mật độ vi khuẩn có hại luôn được kiểm soát ở ngưỡng an toàn, kết quả rất khả quan. Ngoài ra, do được hướng dẫn về kỹ thuật nên việc nhân vi sinh được thực hiện trực tiếp ngay tại trang trại, tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, chi phí thức ăn cũng giảm được hàng tỷ đồng mỗi năm”.

Quy trình sử dụng

Tiến hành lấy nước vào ao nuôi (mực nước chuẩn đạt 1,5 m), sau đó chạy quạt nước liên tục trong 2 - 3 ngày để tăng lượng ôxy, đồng thời, kích thích trứng nở thành ấu trùng (trứng cá, tôm, ốc...) tạo môi trường tự nhiên. Gây màu nước ao bằng loại vi sinh hiếu khí.

Liều lượng: Với 5 lít vi sinh hiếu khí (vi sinh gốc) + 2,5 kg cám gạo + 2,5 kg bột đậu nành + 7,5 kg mật rỉ đường + 1 lít sữa đặc, pha thành dung dịch có thể tích 200 lít, dùng cho ao có diện tích khoảng 3.000 m2. Khi nước chuyển sang màu vàng nâu thì đạt yêu cầu. Mỗi lần giữ lại khoảng 5 - 10 lít để tiếp tục nhân sinh khối cho lần sau. Cứ 1 liều vi sinh gốc, người nuôi có thể sử dụng được trong thời gian 1 - 1,5 tháng. Định kỳ 1 lần/ngày sử dụng chế phẩm tạt xuống ao trong suốt vụ nuôi, có thể đánh vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Ngoài vi sinh xử lý ao, có thêm một loại vi sinh yếm khí (công thức pha trộn tương tự) dùng để trộn vào thức ăn, sử dụng cho ao có độ mặn khoảng 8‰.

Sau khi được sử dụng, các vi sinh vật sẽ nhanh chóng kết hợp với các vi sinh vật có ích sẵn có trong môi trường ao nuôi nhằm lấn át, khống chế và tiêu diệt các vi sinh vật gây hại cho vật nuôi. Từ đó, ức chế sự phát triển của vi khuẩn Vibrio trong nước và trong ruột tôm. Chất lượng nước ao nuôi cũng tốt hơn bằng việc đã loại bỏ tảo bám đáy, tạo môi trường Semi Biofloc (màu nước vàng nâu). Chi phí sản xuất giảm do người nuôi có thể dùng vi sinh gốc để nhân trực tiếp tại ao nuôi với số lượng lớn.

Tuy nhiên, người nuôi cần lưu ý, vi sinh hiếu khí xử lý nước có nhiều loại khác nhau, mỗi loại thích hợp với từng độ mặn của các ao nuôi. Vì vậy, trước khi có ý định sử dụng, người nuôi cần gửi mẫu nước để phòng thí nghiệm xác định độ mặn và sau đó được cung cấp vi sinh gốc phù hợp với môi trường ao nuôi. Như vậy, chế phẩm sinh học mới có thể cho hiệu quả cao nhất.

>> Chế phẩm sinh học được nghiên cứu và sản xuất là sự kết hợp của nhiều chủng Lactobacillus khác nhau, chúng có thể sống hòa đồng, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng và phát triển về số lượng. Có khả năng ức chế vi khuẩn có hại hiệu quả, đồng thời không gây phản ứng phản vệ cho tôm và giúp tăng tốc độ sinh trưởng thông qua cơ chế tăng khả năng chuyển hóa thức ăn.


Có thể bạn quan tâm

Phát triển Thủy sản: Cần công nghệ thông minh Phát triển Thủy sản: Cần công nghệ thông minh

Thủy sản phục vụ con người chủ yếu là nuôi trồng chứ không phải đánh bắt và do đó, công nghệ thông minh nuôi trồng thủy sản là cơ hội đầu tư hứa hẹn nhất

02/07/2018
Phòng bệnh do Perkinsus ở ngao, nghêu Phòng bệnh do Perkinsus ở ngao, nghêu

Cho đến nay, ký sinh trùng Perkinsus sp. đã gây ra tỷ lệ chết cao và hàng loạt cho nhiều loại nhuyễn thể có giá trị trên toàn thế giới.

02/07/2018
Nguyên liệu có nguồn gốc thực vật trong thức ăn thủy sản Nguyên liệu có nguồn gốc thực vật trong thức ăn thủy sản

Nghiên cứu cho thấy rằng miễn là các yêu cầu dinh dưỡng được đáp ứng thì các loại protein và dầu thực vật hoàn toàn có thể thay thế bột cá

02/07/2018